HUYỀN THOẠI TRƯƠNG CHI DƯỚI NGÒI BÚT CỦA BA NHÀ VĂN

 

 

         Trong bất cứ nền văn hóa nào truyện cổ cũng có sức lôi cuốn, một phần là do  những bài học đạo đức, nhưng phần lớn là do sự thúc đẩy trí tưởng tượng. Truyện cổ góp phần vào việc xây dựng những hình ảnh của một tập thể, và xây dựng cái kho tàng văn hóa đã gắn liền với vô thức của tập thể.

Ở ta, trong di sản văn hóa cổ truyền có những truyện thuộc nhiều loại :

– truyện thần thoại dựng nước : Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức thần thoại Rồng Tiên, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thánh Gióng, Loa thành.

– truyện có tính lịch sử : Mị Châu, Trọng Thủy, Bánh chưng bánh dày, v.v…

– truyện tình cảm, thế sự : Trầu cau, Thiếu Phụ Nam Xương, Trương Chi, v.v…,

Các truyện đó được dân gian truyền miệng và về sau được ghi chép, tạo thành một kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người nghe truyện cổ khi xưa và người đọc truyện cổ ngày nay đều thích theo dõi các nhân vật ngoại lệ, những tình tiết éo le, những cốt truyện hấp dẫn. Nếu căn cứ vào định nghĩa thông thường về huyền thoại của tự điển văn học Pháp, Dictionnaire du Littéraire (nhà xuất bản P.U.F. Pháp, 2009) : Huyền thoại là một truyện kể dựa vào những tín ngưỡng hoang đường và chiếu rọi một nét căn bản trong cách cư xử của con người, thì các truyện cổ trên đây là những huyền thoại.

Ngày nay huyền thoại không chỉ là đề tài nghiên cứu của các nhà nhân loại học, dân tộc học và sử học về tôn giáo trên thế giới, mà huyền thoại còn tái sinh trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc và văn thơ.

Riêng ở Việt Nam, huyền thoại Trương Chi không những đã đi vào âm nhạc với Văn Cao, Phạm Duy, mà còn đi vào văn học và trở thành một huyền thoại văn học (mythe littéraire). Cần phân biệt huyền thoại lưu truyền trong dân gian và huyền thoại văn học, vì huyền thoại của dân gian, khi đi vào văn học thì bị trí tưởng tượng của nhà văn biến đổi ít nhiều. Có ít nhất ba nhà văn đã dùng đề tài Trương Chi như một chất liệu cho sự sáng tạo, đó là Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Thiệp. Nhìn từ góc độ văn học sử, thì ba nhà văn này đến từ ba chân trời khác nhau : Vũ Khắc Khoan là một nhà văn thuộc văn học miền Nam, thời 54-75, Nguyễn Đình Thi, tuy viết kịch bản Trương Chi vào năm 1983, nhưng ông là một nhà văn của văn học miền Bắc, cũng thời 54-75. Riêng Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của thời thống nhất, ông xuất hiện cùng lúc với thời đổi mới. Quy tụ ba nhà văn đến từ những chân trời khác biệt để đối chiếu cái nhìn của họ về một huyền thoại. Cả ba nhà văn đã tưởng tượng Trương Chi như thế nào ? Và nghệ thuật trình bày huyền thoại Trương Chi của họ ra sao ?

Vũ Khắc Khoan viết truyện ngắn Trương Chi vào năm 1955, trích từ tập truyện Thần Tháp Rùa, do nhà Quan Điểm Sài gòn xuất bản ; kịch bản Trương Chi của Nguyễn Đình Thi viết năm 1983, trích từ cuốn Kịch của Nguyễn Đình Thi do nhà Văn Học Hà Nội xuất bản ; truyện ngắn Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp không có ghi năm sáng tác, truyện trích từ tập truyện ngắn Như những ngọn gió, do nhà Văn Học Hà Nội tái bản năm 1999.

Trước khi đi vào nội dung của ba tác phẩm, thiết tưởng cần sơ lược truyện Trương Chi theo truyền thuyết, có nhiều phiên bản khác nhau về chi tiết, nhưng đại khái truyện như sau. Trương Chi là một anh lái đò, diện mạo xấu xí, nhưng có giọng hát rất hay. Thế nên có hai câu thơ :

                   Ngày xưa có anh Trương Chi

                 Người thì cực xấu hát thì cực hay.

Đêm đêm Trương Chi thường cất tiếng hát trên sông. Giọng ca thánh thót vang xa, bay đến lầu Mỵ Nương, một cô gái con nhà khuê các, cha là một quan Tể tướng. Mỵ Nương đang tuổi mơ mộng, tâm hồn xao xuyến vì giọng hát quyến rũ, chẳng bao lâu nàng đem lòng yêu thầm người có giọng hát thần diệu đó và đâm ốm tương tư. Quan Tể tướng bèn cho đòi Trương Chi đến. Nhưng khi Mỵ Nương trông thấy diện mạo xấu xí của anh lái đò, nàng liền vỡ mộng và hết tương tư. Trương Chi thì trái lại, sau khi thấy được hình dáng yêu kiều của người con gái bèn say mê, nhưng vì biết thân phận hèn mọn của mình nên lấy làm tủi nhục, đâm ốm tương tư rồi chết trong sầu hận. Sau ba năm, thân xác của Trương Chi tan rã, chỉ có trái tim còn nguyên vẹn, đóng thành khối ngọc. Có người đem khối ngọc dâng quan Tể tướng, quan Tể tướng cho tiện thành chén uống trà. Khi Mỵ Nương rót nước vào chén thì hình bóng Trương Chi hiện lên, vừa chèo đò vừa cất tiếng hát. Mỵ Nương ôm chén ngọc khóc, nước mắt nàng rỏ xuống làm chén ngọc vỡ tan.

Giờ đây chúng ta lần lượt xem ba tác giả Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Thiệp kể truyện Trương Chi như thế nào. Ba văn bản sẽ được xem xét theo trình tự thời gian sáng tác.

Trương Chi của Vũ Khắc Khoan

         Vũ Khắc Khoan là một tên tuổi trong ngành kịch nghệ miền Nam. Ông đã nhiệt tình xây dựng môn nghệ thuật này với những tác phẩm như : Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1948), Giao thừa (1949), Thành Cát Tư Hãn (1962), Những người không chịu chết (1972), v.v…, với sự đào tạo môn sinh ở Trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài gòn, và với sự giảng dạy ở các Đại học. Ông cũng có những biên khảo về thể loại kịch rất có giá trị. Tuy nhiên Vũ Khắc Khoan không tự giới hạn mình trong lĩnh vực kịch nghệ, ông còn viết truyện và tùy bút nữa. Trương Chi trích từ Thần Tháp Rùa, một tập truyện ngắn dựa vào các huyền thoại để đặt vấn đề lựa chọn và dấn thân. Thần Tháp Rùa được xuất bản năm 1957, nhưng truyện Trương Chi được viết năm 1955 như đã nói, tức một năm sau cuộc di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam.

Trương Chi của Vũ Khắc Khoan được trình bày qua một đối thoại giữa người kể truyện tự xưng là « Khoan tôi », và một người khách, người này là một thanh niên, bạn của em người kể truyện, đem đến cho người kể truyện một lá thư của người em. Cuộc đối thoại diễn ra trong một đêm giao thừa ở Hải phòng. Gọi là đối thoại nhưng thật ra chỉ có người kể truyện lên tiếng mà thôi. Một đối thoại có hình thức của một độc thoại.

Vào đầu truyện, người kể truyện hỏi người khách có biết tại sao Trương Chi xấu trai không ? Người kể truyện vừa sắp hành lý để lên đường vừa nói chuyện với người khách và tự xưng mình là một tiểu tư sản, một nhà giáo. Người kể truyện nhận xét người khách là một thanh niên thuộc đảng cộng sản, cũng như người em của mình tên Trương. Người kể truyện mời người khách uống rượu và bắt đầu kể truyện Trương Chi.

Trương Chi là đứa con sinh muộn của một cặp vợ chồng già. Cho nên cậu bé được cha mẹ nuông chiều. Cậu bé không chịu đi học, nhưng vì cậu bé có giọng nói nũng nịu, quyến rũ, nên cha mẹ đành mời thầy đồ về dạy trong nhà. Một hôm Trương ông tình cờ bắt gặp thầy trò bò quanh phòng. Thầy đồ thú thật phải làm mọi việc theo ý cậu bé vì cậu bé có giọng nói khó cưỡng lại được. Cha mẹ đành cho thầy đồ nghỉ việc. Cả làng tưởng Trương Chi có phép ma, ai nấy đều tránh xa. Trương Chi bị cô lập, chỉ biết vui cùng cây cỏ, chim muông. Năm Trương Chi 15 tuổi cha mẹ lần lượt qua đời. Trương Chi bèn bỏ ruộng làng, lên núi. Giữa thiên nhiên Trương Chi bỗng cất tiếng hát, rồi nằm xuống cỏ ngủ thiếp. Lúc tỉnh dậy, Trương Chi thấy một ông già ngồi bên cạnh. Ông già bảo Trương Chi ở lại với ông trên núi và cho biết ông và Trương Chi cùng một nghiệp. Theo ông, Trương Chi chưa đủ cốt cách để xuống núi, còn phải học với ông, nhưng không phải học như người dưới núi, họ học vì ham danh lợi. Còn về giọng hát của Trương Chi, hiện nó rất quyến rũ, nhưng cần tập luyện thêm để lên bực thứ hai để có khả năng ra lệnh cho loài người, vượt thêm một bực nữa giọng hát của Trương Chi sẽ thông cảm với gỗ đá, và bực siêu phàm là yên lặng. Trương Chị cúi lạy và vâng theo. Chẳng bao lâu Trương Chi thông thạo kinh sách. Ông già bảo Trương Chi bây giờ phải học quên, có quên thì cái nhớ mới có nghĩa, và sau đó mới có thể học nhạc. Trương Chi tĩnh tọa ba ngày, thính giác lần lần tiếp nhận những tiếng động của thiên nhiên. Cuối đêm thứ ba Trương Chi bắt đầu hát. Lúc bấy giờ ông già ra lệnh cho Trương Chi xuống núi, và báo trước con đường học đạo còn dài, ông tiên đoán Trương Chi sẽ gặp nhiều trở ngại. Ông cảnh cáo : người dưới núi có nhiều thủ đoạn, Trương Chi đừng để tiếng hát mình bị lợi dụng, nếu không thì có thể mất cả bản tính con người. Ông già khuyên Trương Chi chỉ hát cho những người đồng cảnh.

Trương Chi từ biệt ông già, xuống núi. Năm ấy chàng 18 tuổi. Chàng đến một nơi có sông có chợ. Nhưng lạ thay, vùng này ven sông nhưng tuyệt nhiên người ta không bán cá. Hỏi ra mới biết một trưởng giả họ Trần nhờ tổ tiên có công với triều đình nên được phép thu thuế cá của dân chài. Ông trưởng giả có một cô con gái xinh đẹp thích nghe hát. Một ả đào già được nuôi trong nhà để hát cho tiểu thư. Ả ta được ưu đãi, nên thừa dịp tỏ ra tham lam, ăn chặn tiền của phường chài. Nhân một chuyện xích mích với một dân chài, ả ta chẳng may ngã xuống sông chết. Cô con gái của trưởng giả họ Trần nhớ tiếng hát rồi lâm bệnh. Trưởng giả họ Trần tức giận, cấm phường chài bán cá. Thế là đời sống ven sông như bị ngừng lại. Trương Chi bèn nảy ra cái ý hát thế ả đào để cứu phường chài. Chàng cất tiếng hát, thế là phường chài vui mừng mở tiệc.

Đến đây người kể truyện ngừng kể. Có tiếng pháo giao thừa. Người kể truyện liên tưởng đến những tiếng nổ lịch sử : tiếng nổ mùng 9 tháng 3 (đánh dấu ngày Nhật đảo chính Pháp), tiếng nổ 19 tháng chạp (tức ngày 19-12-1946, đánh dấu lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh), tiếng nổ thanh trừng, khủng bố những ai không theo đảng cộng sản, rồi những tiếng nổ Điện Biên Phủ. Theo người kể truyện, qua lòng tin những lý thuyết tốt đẹp của người khách trẻ tuổi, có những sự ngờ vực mà người kể truyện gọi là những kẽ hở li ti mà thực ra là thiết yếu. Người kể truyện gieo ngờ vực cho người khách bằng cách nhận xét rằng trong khi người khách trẻ hô hào sự thành công của Đảng thì trong lòng vang dậy tiếng nói của tình yêu.

Rồi người kể truyện tiếp tục truyện Trương Chi. Trương Chi say rượu, nhận lời vào nhà họ Trần hát để phường chài được phép bán cá. Ông trưởng giả muốn giữ gia pháp bèn cho Trương Chi hát ở phòng bên cạnh. Nhưng tiểu thư Mỵ Nương đâm mê tiếng hát đòi thấy mặt Trương Chi. Trưởng giả họ Trần lúng túng cho gọi trùm phường chài để bàn. Họ đồng ý phao tin rằng Trương Chi bị bệnh phong, mặt mày lở loét, và buộc Trương Chi lấy vải che mặt. Mỵ Nương tuy ghê tởm bệnh phong vẫn muốn gần Trương Chi. Về phần Trương Chi, qua làn vải chàng thấy được Mỵ Nương và đem lòng yêu nàng. Việc này không qua khỏi mắt phường chài. Họ họp nhau bàn có nên đuổi hay thủ tiêu Trương Chi không, chắc chắn là không vì cuộc sống của họ tùy thuộc tiếng hát của Trương Chi. Theo trùm phường chài chỉ có cách là thuyết phục Trương Chi tiếp tục che mặt để hát.

Người kể truyện ngưng kể lần thứ hai và trở về hoàn cảnh hiện tại của người khách bằng cách nhắc nhở cái ngôn ngữ quyến rũ làm người khách đã từng say mê lao vào cuộc đấu tranh.

Trở lại hoàn cảnh Trương Chi, phần vì yêu Mỵ Nương, phần vì muốn giúp phường chài, Trương Chi cảm thấy không có lối thoát, đành phải theo ý muốn của trùm phường chài mà che mặt suốt ngày. Một hôm Trương Chi thấy trong người khang khác và thân xác anh dần dần biến đổi. Giọng hát anh không còn bay bổng, thanh thoát nữa. Sự hoá thân kéo dài một đêm, sáng ra Trương Chi soi mặt trong nước, thấy một gương mặt cục cằn, trán thấp, mắt lác, mũi tẹt, răng hô… Trương Chi khóc, giọng chàng trở nên khan đặc. Trương Chi đã hoàn toàn lột xác, đã trở nên một gã thuyền chài vạm vỡ, thô kệch.

Người kể truyện chấm dứt truyện Trương Chi và tự cho mình may mắn hơn Trương Chi vì đã gặp những người đồng cảnh. Qua truyện Trương Chi, người kể truyện đã tìm cách thuyết phục người thanh niên, và qua người thanh niên, thuyết phục em mình cũng tên Trương như Trương Chi – sự trùng tên này đầy ngụ ý – thuyết phục hai người để họ đừng sai lầm trong việc lựa chọn con đường tranh đấu.Trời sáng, người kể truyện từ giã người thanh niên để lên đường. Người đọc có thể đoán đây là một sự lên đường vào Nam, là một sự lựa chọn.

Trương Chi của Nguyễn Đình Thi  

         Nguyễn Đình Thi được xem như một nhà văn lớn trong văn học miền Bắc thời 54-75. Ông sáng tác nhiều thể loại : thơ, kịch bản, truyện ngắn, tiểu thuyết, ông còn phê bình văn học và viết tiểu luận về triết học Tây phương. Ông đã dùng một số huyền thoại để dựng kịch như : Hòn vọng phu trong kịch bản Người đàn bà hóa đá, Thiếu phụ Nam Xương trong Cái bóng trên tường, và Trương Chi.

         Trong kịch bàn Trương Chi có ba nhân vật : Mỵ Nương, Bà Vú và Trương Chi. Cũng như trong các vở kịch cổ điển của Pháp – chúng ta không quên Nguyễn Đình Thi là một nhà trí thức đã hấp thụ văn hóa Pháp – sự hiện diện của nhân vật phụ được dùng để nhân vật chính thổ lộ tâm tình và giúp cho khán giả và độc giả hiểu thêm sự diễn tiến của cốt truyện ; nhân vật phụ ở đây là bà Vú, bà làm trung gian giữa hai nhân vật chính : Mỵ Nương và Trương Chi. Mỵ Nương đóng vai chủ động. Truyện diễn ra trong hai cảnh : một tòa nhà lầu và một khu vườn bên bờ sông, trước lầu. Thời gian là đêm tối.

         Mỵ Nương thú nhận với bà Vú cô mê say giọng hát trên sông. Bà Vú cho cô biết đó là tiếng hát của Trương Chi. Mỵ Nương vì quá say mê tiếng hát của Trương Chi nên tưởng tượng anh ta là một người con trai tuyệt vời về mọi phương diện :

Anh ấy có đôi mắt dịu dàng… Anh ấy có nụ cười hiền hậu…. Gương mặt anh ấy sáng láng, thông minh, ít thấy được ở đời. Anh ấy đẹp lắm ! (tr. 589)

Rồi Mỵ Nương đòi bà Vú tối mai đưa Trương Chi đến để gặp mặt, nếu không, Mỵ Nương sẽ chết. Bà Vú tỏ vẻ ái ngại, nhưng cuối cùng đành chiều lòng Mỵ Nương.

         Tối hôm sau bà Vú dẫn Trương Chi vào vườn, Trương Chi ngạc nhiên không hiểu tại sao Mỵ Nương muốn gặp chàng. Chàng chỉ muốn rút lui. Nhưng khi ngước nhìn lên lầu, thấy Mỵ Nương thì Trương Chi ngây người trước sắc đẹp của nàng và nhìn lại thân phận nghèo nàn của mình. Còn Mỵ Nương thì nóng lòng muốn gặp Trương Chi để thổ lộ tình yêu. Mỵ Nương xuống lầu, sự gặp gỡ giữa hai người diễn ra trong bóng tối, ngoài vườn. Tiếp theo là đối thoại giữa đôi bên. Mỵ Nương vui mừng : … cứ nhắm mắt lại là em nhìn thấy bóng anh với con thuyền nhỏ trên sông. Vậy mà anh đây thật rồi, anh đến đây rồi ! (tr. 593)  Trương Chi thì ngỡ ngàng trước tình yêu của Mỵ Nương, chàng tự hạ mình : Chết nỗi, thân tôi như manh chiếu rách giữa đường thế này… Mỵ Nương cũng tự hạ mình : Em chỉ sợ anh không yêu em. (tr. 593)

         Cuối cùng Trương Chi cũng mềm lòng : Em Mị… Em Mị. Mỵ Nương đi xa thêm một bước, nàng đòi vào nhà lấy bó hương để làm lễ khấn trước trời đất để cả hai cùng sống chết với nhau. Nhưng Trương Chi thực tế hơn vì biết hai người sẽ không còn gặp nhau, chàng chỉ cần một lời nói của Mỵ Nương, một giọt nước mắt của Mỵ Nương là mối tình của hai người sẽ bất diệt. Mỵ Nương vẫn quyết theo Trương Chi, mặc dù Trương Chi dùng lý do là mình xấu xí, nghèo nàn để ngăn cản, Mỵ Nương vẫn mù quáng và tiếp tục lý tưởng hóa Trương Chi. Trương Chi đi vào nhà, đem ra một cây đèn và bảo Mỵ Nương nhìn rõ mặt chàng. Mỵ Nương nhìn, nàng rụng rời và quay mặt đi. Mỵ Nương bật khóc và đổi giọng : Tôi… Tôi không thể nào… Tôi xin lỗi… xin lỗi. (tr. 597) Trương Chi đặt cây đèn xuống và rút lui.

Sau một thời gian ốm nặng, Mỵ Nương từ từ tỉnh lại, nàng nói với bà Vú rằng nàng cảm thấy mình già. Xảy ra một màn kỳ ảo : Mỵ Nương nghe tiếng hát của Trương Chi. Rồi im lặng, Trương Chi hiện lên, tay cầm cây đèn. Cây đèn tắt.

Trời sáng, bà Vú hốt hoảng chạy vào vừa báo tin gì cho Mỵ Nương vừa trỏ tay về phía sông.

Lại bóng tối. Mỵ Nương ngồi thêu dưới ánh đèn và độc thoại : nàng thổ lộ với Trương Chi giờ đây đã chết và nằm dưới gốc cây bạch đàn, rằng sau khi gặp Trương Chi nàng đã trở thành một người khác. Bà Vú đi vào, tay bưng chiếc khay có cái chén bằng gỗ, bà rót nước vào chén, một con thuyền hiện lên với bóng một người. Bà giải thích từ hôm người ta chôn Trương Chi dưới gốc cây bạch đàn thì những lúc thanh vắng có tiếng hát văng vẳng qua các cành lá. Ông quan đại thần nghe được chuyện này bèn sai người chặt cây đem đốt. Một ông lão tiều phu đẵn cây thấy gỗ trắng, lấy một khúc đem về gọt được một cái chén, đổ nước vào thì bóng thuyền hiện lên. Ông lão đưa cái chén cho bà Vú, nhờ trao lại cho Mỵ Nương. Mỵ Nương trải chiếc khăn thêu lên bàn, đặt lư hương và cái chén, nàng đốt hương, quỳ xuống tạ tội cùng Trương Chi. Mỵ Nương rót nước vào chén, bóng thuyền hiện lên, có tiếng hát văng vẳng. Mỵ Nương khóc, tự ví mình như cái cây khô nay được Trương Chi làm sống lại.

Kịch bản chấm dứt bằng lời khẳng định của hai người :

Trương Chi : Một lời em nói với anh, một giọt nước mắt em nhỏ xuống, là như vậy mãi mãi rồi…

Mỵ Nương : Vâng, mãi mãi như vậy rồi, không gì khác đi được nữa. (tr. 603)

Hai nhân vật khẳng định tình yêu của họ là một tình yêu bất diệt.

Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp

 

         Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn nổi bật trên văn đàn vào thời đổi mới. Độc giả miền Bắc thời 54-75 đã quen với những tác phẩm viết theo đường hướng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cho nên vào những năm 80, với sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, người ta phát hiện một lối viết mới, một văn phong lạnh lùng, sắc bén. Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng ngay với những truyện Tướng về hưu, Không có vua. Ngoài những đề tài rút từ đời sống hằng ngày, tác giả đã chọn những đề tài lịch sử, những huyền thoại để làm nguồn sáng tạo.

         Về huyền thoại Trương Chi, trong khi Nguyễn Đình Thi hướng về tâm trạng của Mỵ Nương thì Nguyễn Huy Thiệp nghiêng về tâm trạng của Trương Chi. Nguyễn Huy Thiệp miêu tả một Trương Chi nói năng thô tục, vạch quần đái trên sông. Đúng là ngôn ngữ và cử chỉ của một anh lái đò, nhưng ngôn ngữ và cử chỉ đó che giấu một tâm hồn trong trắng, cao thượng, một tâm hồn nổi loạn. Truyện có tính kỳ ảo với những chi tiết như : Trương Chi cắn đứt một đốt tay và nhổ xuống sông, Mỵ Nương cũng như viên quan trưởng và bọn hoạn quan đột ngột xuất hiện, cuối truyện Mỵ Nương biến mất, còn Trương Chi, sau khi hát xong, cũng không biết chàng đã bay tới bến sông từ khi nào

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp được xây dựng theo cách thức tương phản : hình ảnh, ngôn ngữ và thế giới của hai nhân vật chính trái ngược nhau, chống đối nhau.

Bàn tay của Trương Chi và Mỵ Nương nói lên giai cấp xã hội của họ : Trương Chi úp mặt vào hai lòng bàn tay chai sạn. Còn Mỵ Nương : Nàng lấy những ngón tay thon thả gỡ tóc. Lối sống của đôi bên cũng có tính tương phản : trong khi Trương Chi ngả người vào lòng thuyền thì Mỵ Nương ngả người trên nệm. Dòng độc thoại của Trương Chi được cấu trúc qua hai thế giới đối lập nhau : thế giới của Trương Chi và thế giới của Mỵ Nương. Tiếng hát của Trương Chi vút cao khi chàng sống một mình trên thuyền, trái lại khi bị ép buộc hát cho công danh, cho tiền tài, trước mặt mọi người thì tiếng hát trở nên bài hát đông người, nó giống như tiếng kêu của thú vật.

Thế giới của Trương Chi là thế giới của vắng lặng, của cô đơn. Trương Chi cảm thấy cuộc đời của mình, tiếng hát của mình chẳng ra gì, nhân vật lặp lại bốn lần chẳng ra gì để khẳng định một cách đau đớn sự nghèo hèn của mình ; và khi gặp Mỵ Nương chàng ý thức về sự nghèo hèn, về cuộc đời của mình càng cứt hơn. Nguyễn Huy Thiệp cố tình cho Trương Chi vạch quần đái trên sông và ăn nói thô tục để nhấn mạnh rằng Trương Chi thuộc giai cấp nghèo hèn, Trương Chi chỉ có tiếng cứt để nói lên sự chán ngán, bực tức và lòng căm phẫn của mình.

 Thế giới của Mỵ Nương hoàn toàn trái ngược, đó là một thế giới của giàu sang, của quyền uy. Xung quanh Mỵ Nương có bầy đoàn, có bọn hoạn quan chỉ biết công danh, tiền bạc. Từ cứt mà bọn hoạn quan vung ra không cùng nghĩa với từ cứt của Trương Chi ; bọn hoạn quan dùng từ này để biểu hiện sự khinh bỉ đối với anh lái đò hát như cứt. Lạc vào thế giới của Mỵ Nương, Trương Chi cảm thấy lạc lõng và sợ hãi ; vì áp lực của bầy đoàn, Trương Chi phải hát theo ý họ. Nhưng Mỵ Nương làm dịu được sự lo sợ của Trương Chi với những lời lẽ khích lệ, với tiếng cười và cử chỉ mơn trớn, khiến Trương Chi xiêu lòng. Tuy nhiên mặc dù Mỵ Nương có sức quyến rũ, Trương Chi cũng sáng suốt thấy rằng Mỵ Nương không phải là tình yêu tuyệt đối mà chàng theo đuổi. Mỵ Nương chỉ là cái ảo, cái bẫy đang rình rập thân phận chàng, vì Mỵ Nương thuộc về thế giới của bầy đoàn. Trương Chi hướng về đỉnh cao, nơi có lý tưởng tuyệt đối.

Và để đạt đến tuyệt đỉnh đó, thân xác và tâm hồn của Trương Chi phải được tẩy sạch. Vào đầu truyện, Trương Chi trật quần đái xuống sông, cử chỉ này không đơn thuần là một cử chỉ bài tiết, mà là một cử chỉ thanh sạch hóa thân xác. Và khi Trương Chi cắn đốt ngón tay, nhổ xuống sông, cử chỉ thứ hai này cũng là để thanh sạch hóa mình. Ngón tay có một giá trị hình tượng, nó làm liên tưởng đến bộ phận sinh dục của người nam. Qua cử chỉ này, Trương Chi muốn vứt bỏ lòng ham muốn Mỵ Nương để đời mình được thăng hoa. Như thế tâm hồn Trương Chi sẽ được nhẹ nhàng, tiếng hát sẽ được bay bổng đến đỉnh cao của lý tưởng chân, thiện, mỹ. Khi Trương Chi cất tiếng hát trước mặt bầy đoàn để tuyên xưng mình là Trương Chi, hát cho tình yêu tuyệt đối, thì thế giới của Mỵ Nương im bặt, mọi người dạt qua hai bên để Trương Chi đi qua.

Tác giả Nguyễn Huy Thiệp gạt bỏ sự kết thúc của truyền thuyết, và dành cho huyền thoại Trương Chi một kết thúc bí ẩn, cao siêu : Trương Chi trầm mình xuống sông mang theo cái lý tưởng của mình.

Khi viết về Trương Chi, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Thiệp đều làm tái sinh huyền thoại Trương Chi, nhưng theo nghệ thuật riêng của mỗi tác giả.

Kịch bản của Nguyễn Đình Thi, mặc dù có biến đổi vể nhân vật : chỉ có ba nhân vật, người cha của Mỵ Nương vắng bóng, để Mỵ Nương hoàn toàn có vai trò chủ động, bà vú một nhân vật phụ nhưng lại cần thiết. Ngoài sự biến đổi đó, kịch bản của Nguyễn Đình Thi vẫn ở trong khuôn khổ truyền thống, tác giả chỉ làm cái công việc lặp lại một huyền thoại của dân gian.

Còn Vũ Khắc Khoan và Nguyễn Huy Thiệp, mỗi người mỗi cách, đã làm mới huyền thoại Trương Chi.

Vũ Khắc Khoan biến huyền thoại Trương Chi thành một truyện có tính ngụ ngôn. Tác giả làm mới nhân vật Trương Chi bằng cách cho nhân vật này một tuổi thơ, một gia đình, một thời kỳ học tập, tu luyện trên núi, cuối cùng một thời kỳ xuống núi để sống với một tập thể. Bên cạnh Trương Chi, Mỵ Nương có một vai trò lu mờ. Dưới ngòi bút của Vũ Khắc Khoan, Trương Chi là một thanh niên đứng trước hai con đường và bị bắt buộc phải chọn lựa : hoặc con đường tự do đưa đến lý tưởng, hoặc con đường do tập thể áp đặt, làm cho con người mất hết tự do, mất hết bản lĩnh. Sở dĩ có truyện ngụ ngôn như thế là vì tác giả muốn đánh thức những thanh niên đang bị đảng cộng sản lôi cuốn.

Về phần Nguyễn Huy Thiệp thì ông đã làm mới huyền thoại Trương Chi về hai phương diện : nhân vật và quan niệm nghệ thuật.

Về phương diện nhân vật : Nguyễn Huy Thiệp biến Trương Chi thành một nhân vật có bản lĩnh, độc đáo. Mặc dù Trương Chi tự biết đời mình không ra gì, nhưng chàng không có tự ti mặc cảm đối với Mỵ Nương ; trái lại Trương Chi xem Mỵ Nương, tuy là một người con gái đẹp, quyến rũ, nhưng là một người con gái nông cạn, không có khả năng yêu, không xứng đáng với tình yêu cao cả của mình.

Nhân vật Trương Chi được phóng lớn qua tiếng hát, tức qua nghệ thuật, để tô đậm cái lý tưởng chân, thiện, mỹ :

Ta là Trương Chi

Ta ca ngợi tình yêu

Nở từ hạt thiện

Và bông hoa của tự nhiên

Là sự chân thực lạnh buốt…

 

Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Vẻ đẹp tự nhiên

Sự chân thực lạnh buốt

Sự hiện diện của viên quan trưởng và bọn hoạn quan rất cần thiết để làm nổi bật tư duy cao thượng của Trương Chi.

Về quan niệm nghệ thuật : giọng hát của Trương Chi biểu tượng cho cái đẹp, cho nghệ thuật, và nghệ thuật, muốn được nguyên vẹn, thanh khiết, phải thoát khỏi sự áp bức của hạng người có uy quyền trong xã hội, muốn chiếm đoạt nghệ thuật và buộc nghệ thuật phải phục vụ quyền lợi của họ. Dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, Trương Chi từ ngàn xưa là hiện thân của sự căm phẫn, sự nổi loạn chống lại hạng người này : Bốn nghìn năm trước chàng đã đau đớn thế này, chàng đã căm giận thế này.

 Những điệp khúc trên đây của Trương Chi là một bản tuyên ngôn tự do của nghệ thuật.

Trong truyện Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Huy Thiệp, qua một nhân vật, cũng đã nói lên lập trường của mình về cái đẹp, cái duy mỹ : Đạo đức duy mỹ chất chứa hiểm nguy, chất chứa phiên lưu nhưng nó sâu sắc, không bịp bợm, hẳn nó giá trị gấp triệu lần thứ đạo đức duy lý trắng trợn của trật tự bầy đoàn.

Vậy Vũ Khắc Khoan và Nguyễn Huy Thiệp đều làm mới huyền thoại Trương Chi. Vũ Khắc Khoan cho Trương Chi của mình một màu sắc chính trị. Nguyễn Huy Thiệp thì chọn màu sắc nghệ thuật, một nghệ thuật bất khuất dẫn đến chân, thiện, mỹ.