HUYỀN THOẠI TRƯƠNG CHI DƯỚI NGÒI BÚT CỦA BA NHÀ VĂN

 

 

         Trong bất cứ nền văn hóa nào truyện cổ cũng có sức lôi cuốn, một phần là do  những bài học đạo đức, nhưng phần lớn là do sự thúc đẩy trí tưởng tượng. Truyện cổ góp phần vào việc xây dựng những hình ảnh của một tập thể, và xây dựng cái kho tàng văn hóa đã gắn liền với vô thức của tập thể.

Ở ta, trong di sản văn hóa cổ truyền có những truyện thuộc nhiều loại :

– truyện thần thoại dựng nước : Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức thần thoại Rồng Tiên, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thánh Gióng, Loa thành.

– truyện có tính lịch sử : Mị Châu, Trọng Thủy, Bánh chưng bánh dày, v.v…

– truyện tình cảm, thế sự : Trầu cau, Thiếu Phụ Nam Xương, Trương Chi, v.v…,

Các truyện đó được dân gian truyền miệng và về sau được ghi chép, tạo thành một kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Người nghe truyện cổ khi xưa và người đọc truyện cổ ngày nay đều thích theo dõi các nhân vật ngoại lệ, những tình tiết éo le, những cốt truyện hấp dẫn. Nếu căn cứ vào định nghĩa thông thường về huyền thoại của tự điển văn học Pháp, Dictionnaire du Littéraire (nhà xuất bản P.U.F. Pháp, 2009) : Huyền thoại là một truyện kể dựa vào những tín ngưỡng hoang đường và chiếu rọi một nét căn bản trong cách cư xử của con người, thì các truyện cổ trên đây là những huyền thoại.

Ngày nay huyền thoại không chỉ là đề tài nghiên cứu của các nhà nhân loại học, dân tộc học và sử học về tôn giáo trên thế giới, mà huyền thoại còn tái sinh trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc và văn thơ.

Riêng ở Việt Nam, huyền thoại Trương Chi không những đã đi vào âm nhạc với Văn Cao, Phạm Duy, mà còn đi vào văn học và trở thành một huyền thoại văn học (mythe littéraire). Cần phân biệt huyền thoại lưu truyền trong dân gian và huyền thoại văn học, vì huyền thoại của dân gian, khi đi vào văn học thì bị trí tưởng tượng của nhà văn biến đổi ít nhiều. Có ít nhất ba nhà văn đã dùng đề tài Trương Chi như một chất liệu cho sự sáng tạo, đó là Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Thiệp. Nhìn từ góc độ văn học sử, thì ba nhà văn này đến từ ba chân trời khác nhau : Vũ Khắc Khoan là một nhà văn thuộc văn học miền Nam, thời 54-75, Nguyễn Đình Thi, tuy viết kịch bản Trương Chi vào năm 1983, nhưng ông là một nhà văn của văn học miền Bắc, cũng thời 54-75. Riêng Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của thời thống nhất, ông xuất hiện cùng lúc với thời đổi mới. Quy tụ ba nhà văn đến từ những chân trời khác biệt để đối chiếu cái nhìn của họ về một huyền thoại. Cả ba nhà văn đã tưởng tượng Trương Chi như thế nào ? Và nghệ thuật trình bày huyền thoại Trương Chi của họ ra sao ?

Vũ Khắc Khoan viết truyện ngắn Trương Chi vào năm 1955, trích từ tập truyện Thần Tháp Rùa, do nhà Quan Điểm Sài gòn xuất bản ; kịch bản Trương Chi của Nguyễn Đình Thi viết năm 1983, trích từ cuốn Kịch của Nguyễn Đình Thi do nhà Văn Học Hà Nội xuất bản ; truyện ngắn Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp không có ghi năm sáng tác, truyện trích từ tập truyện ngắn Như những ngọn gió, do nhà Văn Học Hà Nội tái bản năm 1999.

Trước khi đi vào nội dung của ba tác phẩm, thiết tưởng cần sơ lược truyện Trương Chi theo truyền thuyết, có nhiều phiên bản khác nhau về chi tiết, nhưng đại khái truyện như sau. Trương Chi là một anh lái đò, diện mạo xấu xí, nhưng có giọng hát rất hay. Thế nên có hai câu thơ :

                   Ngày xưa có anh Trương Chi

                 Người thì cực xấu hát thì cực hay.

Đêm đêm Trương Chi thường cất tiếng hát trên sông. Giọng ca thánh thót vang xa, bay đến lầu Mỵ Nương, một cô gái con nhà khuê các, cha là một quan Tể tướng. Mỵ Nương đang tuổi mơ mộng, tâm hồn xao xuyến vì giọng hát quyến rũ, chẳng bao lâu nàng đem lòng yêu thầm người có giọng hát thần diệu đó và đâm ốm tương tư. Quan Tể tướng bèn cho đòi Trương Chi đến. Nhưng khi Mỵ Nương trông thấy diện mạo xấu xí của anh lái đò, nàng liền vỡ mộng và hết tương tư. Trương Chi thì trái lại, sau khi thấy được hình dáng yêu kiều của người con gái bèn say mê, nhưng vì biết thân phận hèn mọn của mình nên lấy làm tủi nhục, đâm ốm tương tư rồi chết trong sầu hận. Sau ba năm, thân xác của Trương Chi tan rã, chỉ có trái tim còn nguyên vẹn, đóng thành khối ngọc. Có người đem khối ngọc dâng quan Tể tướng, quan Tể tướng cho tiện thành chén uống trà. Khi Mỵ Nương rót nước vào chén thì hình bóng Trương Chi hiện lên, vừa chèo đò vừa cất tiếng hát. Mỵ Nương ôm chén ngọc khóc, nước mắt nàng rỏ xuống làm chén ngọc vỡ tan.

Giờ đây chúng ta lần lượt xem ba tác giả Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Thiệp kể truyện Trương Chi như thế nào. Ba văn bản sẽ được xem xét theo trình tự thời gian sáng tác.

Trương Chi của Vũ Khắc Khoan

         Vũ Khắc Khoan là một tên tuổi trong ngành kịch nghệ miền Nam. Ông đã nhiệt tình xây dựng môn nghệ thuật này với những tác phẩm như : Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1948), Giao thừa (1949), Thành Cát Tư Hãn (1962), Những người không chịu chết (1972), v.v…, với sự đào tạo môn sinh ở Trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài gòn, và với sự giảng dạy ở các Đại học. Ông cũng có những biên khảo về thể loại kịch rất có giá trị. Tuy nhiên Vũ Khắc Khoan không tự giới hạn mình trong lĩnh vực kịch nghệ, ông còn viết truyện và tùy bút nữa. Trương Chi trích từ Thần Tháp Rùa, một tập truyện ngắn dựa vào các huyền thoại để đặt vấn đề lựa chọn và dấn thân. Thần Tháp Rùa được xuất bản năm 1957, nhưng truyện Trương Chi được viết năm 1955 như đã nói, tức một năm sau cuộc di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam.

Trương Chi của Vũ Khắc Khoan được trình bày qua một đối thoại giữa người kể truyện tự xưng là « Khoan tôi », và một người khách, người này là một thanh niên, bạn của em người kể truyện, đem đến cho người kể truyện một lá thư của người em. Cuộc đối thoại diễn ra trong một đêm giao thừa ở Hải phòng. Gọi là đối thoại nhưng thật ra chỉ có người kể truyện lên tiếng mà thôi. Một đối thoại có hình thức của một độc thoại.

Vào đầu truyện, người kể truyện hỏi người khách có biết tại sao Trương Chi xấu trai không ? Người kể truyện vừa sắp hành lý để lên đường vừa nói chuyện với người khách và tự xưng mình là một tiểu tư sản, một nhà giáo. Người kể truyện nhận xét người khách là một thanh niên thuộc đảng cộng sản, cũng như người em của mình tên Trương. Người kể truyện mời người khách uống rượu và bắt đầu kể truyện Trương Chi.

Trương Chi là đứa con sinh muộn của một cặp vợ chồng già. Cho nên cậu bé được cha mẹ nuông chiều. Cậu bé không chịu đi học, nhưng vì cậu bé có giọng nói nũng nịu, quyến rũ, nên cha mẹ đành mời thầy đồ về dạy trong nhà. Một hôm Trương ông tình cờ bắt gặp thầy trò bò quanh phòng. Thầy đồ thú thật phải làm mọi việc theo ý cậu bé vì cậu bé có giọng nói khó cưỡng lại được. Cha mẹ đành cho thầy đồ nghỉ việc. Cả làng tưởng Trương Chi có phép ma, ai nấy đều tránh xa. Trương Chi bị cô lập, chỉ biết vui cùng cây cỏ, chim muông. Năm Trương Chi 15 tuổi cha mẹ lần lượt qua đời. Trương Chi bèn bỏ ruộng làng, lên núi. Giữa thiên nhiên Trương Chi bỗng cất tiếng hát, rồi nằm xuống cỏ ngủ thiếp. Lúc tỉnh dậy, Trương Chi thấy một ông già ngồi bên cạnh. Ông già bảo Trương Chi ở lại với ông trên núi và cho biết ông và Trương Chi cùng một nghiệp. Theo ông, Trương Chi chưa đủ cốt cách để xuống núi, còn phải học với ông, nhưng không phải học như người dưới núi, họ học vì ham danh lợi. Còn về giọng hát của Trương Chi, hiện nó rất quyến rũ, nhưng cần tập luyện thêm để lên bực thứ hai để có khả năng ra lệnh cho loài người, vượt thêm một bực nữa giọng hát của Trương Chi sẽ thông cảm với gỗ đá, và bực siêu phàm là yên lặng. Trương Chị cúi lạy và vâng theo. Chẳng bao lâu Trương Chi thông thạo kinh sách. Ông già bảo Trương Chi bây giờ phải học quên, có quên thì cái nhớ mới có nghĩa, và sau đó mới có thể học nhạc. Trương Chi tĩnh tọa ba ngày, thính giác lần lần tiếp nhận những tiếng động của thiên nhiên. Cuối đêm thứ ba Trương Chi bắt đầu hát. Lúc bấy giờ ông già ra lệnh cho Trương Chi xuống núi, và báo trước con đường học đạo còn dài, ông tiên đoán Trương Chi sẽ gặp nhiều trở ngại. Ông cảnh cáo : người dưới núi có nhiều thủ đoạn, Trương Chi đừng để tiếng hát mình bị lợi dụng, nếu không thì có thể mất cả bản tính con người. Ông già khuyên Trương Chi chỉ hát cho những người đồng cảnh.

Trương Chi từ biệt ông già, xuống núi. Năm ấy chàng 18 tuổi. Chàng đến một nơi có sông có chợ. Nhưng lạ thay, vùng này ven sông nhưng tuyệt nhiên người ta không bán cá. Hỏi ra mới biết một trưởng giả họ Trần nhờ tổ tiên có công với triều đình nên được phép thu thuế cá của dân chài. Ông trưởng giả có một cô con gái xinh đẹp thích nghe hát. Một ả đào già được nuôi trong nhà để hát cho tiểu thư. Ả ta được ưu đãi, nên thừa dịp tỏ ra tham lam, ăn chặn tiền của phường chài. Nhân một chuyện xích mích với một dân chài, ả ta chẳng may ngã xuống sông chết. Cô con gái của trưởng giả họ Trần nhớ tiếng hát rồi lâm bệnh. Trưởng giả họ Trần tức giận, cấm phường chài bán cá. Thế là đời sống ven sông như bị ngừng lại. Trương Chi bèn nảy ra cái ý hát thế ả đào để cứu phường chài. Chàng cất tiếng hát, thế là phường chài vui mừng mở tiệc.

Đến đây người kể truyện ngừng kể. Có tiếng pháo giao thừa. Người kể truyện liên tưởng đến những tiếng nổ lịch sử : tiếng nổ mùng 9 tháng 3 (đánh dấu ngày Nhật đảo chính Pháp), tiếng nổ 19 tháng chạp (tức ngày 19-12-1946, đánh dấu lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh), tiếng nổ thanh trừng, khủng bố những ai không theo đảng cộng sản, rồi những tiếng nổ Điện Biên Phủ. Theo người kể truyện, qua lòng tin những lý thuyết tốt đẹp của người khách trẻ tuổi, có những sự ngờ vực mà người kể truyện gọi là những kẽ hở li ti mà thực ra là thiết yếu. Người kể truyện gieo ngờ vực cho người khách bằng cách nhận xét rằng trong khi người khách trẻ hô hào sự thành công của Đảng thì trong lòng vang dậy tiếng nói của tình yêu.

Rồi người kể truyện tiếp tục truyện Trương Chi. Trương Chi say rượu, nhận lời vào nhà họ Trần hát để phường chài được phép bán cá. Ông trưởng giả muốn giữ gia pháp bèn cho Trương Chi hát ở phòng bên cạnh. Nhưng tiểu thư Mỵ Nương đâm mê tiếng hát đòi thấy mặt Trương Chi. Trưởng giả họ Trần lúng túng cho gọi trùm phường chài để bàn. Họ đồng ý phao tin rằng Trương Chi bị bệnh phong, mặt mày lở loét, và buộc Trương Chi lấy vải che mặt. Mỵ Nương tuy ghê tởm bệnh phong vẫn muốn gần Trương Chi. Về phần Trương Chi, qua làn vải chàng thấy được Mỵ Nương và đem lòng yêu nàng. Việc này không qua khỏi mắt phường chài. Họ họp nhau bàn có nên đuổi hay thủ tiêu Trương Chi không, chắc chắn là không vì cuộc sống của họ tùy thuộc tiếng hát của Trương Chi. Theo trùm phường chài chỉ có cách là thuyết phục Trương Chi tiếp tục che mặt để hát.

Người kể truyện ngưng kể lần thứ hai và trở về hoàn cảnh hiện tại của người khách bằng cách nhắc nhở cái ngôn ngữ quyến rũ làm người khách đã từng say mê lao vào cuộc đấu tranh.

Trở lại hoàn cảnh Trương Chi, phần vì yêu Mỵ Nương, phần vì muốn giúp phường chài, Trương Chi cảm thấy không có lối thoát, đành phải theo ý muốn của trùm phường chài mà che mặt suốt ngày. Một hôm Trương Chi thấy trong người khang khác và thân xác anh dần dần biến đổi. Giọng hát anh không còn bay bổng, thanh thoát nữa. Sự hoá thân kéo dài một đêm, sáng ra Trương Chi soi mặt trong nước, thấy một gương mặt cục cằn, trán thấp, mắt lác, mũi tẹt, răng hô… Trương Chi khóc, giọng chàng trở nên khan đặc. Trương Chi đã hoàn toàn lột xác, đã trở nên một gã thuyền chài vạm vỡ, thô kệch.

Người kể truyện chấm dứt truyện Trương Chi và tự cho mình may mắn hơn Trương Chi vì đã gặp những người đồng cảnh. Qua truyện Trương Chi, người kể truyện đã tìm cách thuyết phục người thanh niên, và qua người thanh niên, thuyết phục em mình cũng tên Trương như Trương Chi – sự trùng tên này đầy ngụ ý – thuyết phục hai người để họ đừng sai lầm trong việc lựa chọn con đường tranh đấu.Trời sáng, người kể truyện từ giã người thanh niên để lên đường. Người đọc có thể đoán đây là một sự lên đường vào Nam, là một sự lựa chọn.

Trương Chi của Nguyễn Đình Thi  

         Nguyễn Đình Thi được xem như một nhà văn lớn trong văn học miền Bắc thời 54-75. Ông sáng tác nhiều thể loại : thơ, kịch bản, truyện ngắn, tiểu thuyết, ông còn phê bình văn học và viết tiểu luận về triết học Tây phương. Ông đã dùng một số huyền thoại để dựng kịch như : Hòn vọng phu trong kịch bản Người đàn bà hóa đá, Thiếu phụ Nam Xương trong Cái bóng trên tường, và Trương Chi.

         Trong kịch bàn Trương Chi có ba nhân vật : Mỵ Nương, Bà Vú và Trương Chi. Cũng như trong các vở kịch cổ điển của Pháp – chúng ta không quên Nguyễn Đình Thi là một nhà trí thức đã hấp thụ văn hóa Pháp – sự hiện diện của nhân vật phụ được dùng để nhân vật chính thổ lộ tâm tình và giúp cho khán giả và độc giả hiểu thêm sự diễn tiến của cốt truyện ; nhân vật phụ ở đây là bà Vú, bà làm trung gian giữa hai nhân vật chính : Mỵ Nương và Trương Chi. Mỵ Nương đóng vai chủ động. Truyện diễn ra trong hai cảnh : một tòa nhà lầu và một khu vườn bên bờ sông, trước lầu. Thời gian là đêm tối.

         Mỵ Nương thú nhận với bà Vú cô mê say giọng hát trên sông. Bà Vú cho cô biết đó là tiếng hát của Trương Chi. Mỵ Nương vì quá say mê tiếng hát của Trương Chi nên tưởng tượng anh ta là một người con trai tuyệt vời về mọi phương diện :

Anh ấy có đôi mắt dịu dàng… Anh ấy có nụ cười hiền hậu…. Gương mặt anh ấy sáng láng, thông minh, ít thấy được ở đời. Anh ấy đẹp lắm ! (tr. 589)

Rồi Mỵ Nương đòi bà Vú tối mai đưa Trương Chi đến để gặp mặt, nếu không, Mỵ Nương sẽ chết. Bà Vú tỏ vẻ ái ngại, nhưng cuối cùng đành chiều lòng Mỵ Nương.

         Tối hôm sau bà Vú dẫn Trương Chi vào vườn, Trương Chi ngạc nhiên không hiểu tại sao Mỵ Nương muốn gặp chàng. Chàng chỉ muốn rút lui. Nhưng khi ngước nhìn lên lầu, thấy Mỵ Nương thì Trương Chi ngây người trước sắc đẹp của nàng và nhìn lại thân phận nghèo nàn của mình. Còn Mỵ Nương thì nóng lòng muốn gặp Trương Chi để thổ lộ tình yêu. Mỵ Nương xuống lầu, sự gặp gỡ giữa hai người diễn ra trong bóng tối, ngoài vườn. Tiếp theo là đối thoại giữa đôi bên. Mỵ Nương vui mừng : … cứ nhắm mắt lại là em nhìn thấy bóng anh với con thuyền nhỏ trên sông. Vậy mà anh đây thật rồi, anh đến đây rồi ! (tr. 593)  Trương Chi thì ngỡ ngàng trước tình yêu của Mỵ Nương, chàng tự hạ mình : Chết nỗi, thân tôi như manh chiếu rách giữa đường thế này… Mỵ Nương cũng tự hạ mình : Em chỉ sợ anh không yêu em. (tr. 593)

         Cuối cùng Trương Chi cũng mềm lòng : Em Mị… Em Mị. Mỵ Nương đi xa thêm một bước, nàng đòi vào nhà lấy bó hương để làm lễ khấn trước trời đất để cả hai cùng sống chết với nhau. Nhưng Trương Chi thực tế hơn vì biết hai người sẽ không còn gặp nhau, chàng chỉ cần một lời nói của Mỵ Nương, một giọt nước mắt của Mỵ Nương là mối tình của hai người sẽ bất diệt. Mỵ Nương vẫn quyết theo Trương Chi, mặc dù Trương Chi dùng lý do là mình xấu xí, nghèo nàn để ngăn cản, Mỵ Nương vẫn mù quáng và tiếp tục lý tưởng hóa Trương Chi. Trương Chi đi vào nhà, đem ra một cây đèn và bảo Mỵ Nương nhìn rõ mặt chàng. Mỵ Nương nhìn, nàng rụng rời và quay mặt đi. Mỵ Nương bật khóc và đổi giọng : Tôi… Tôi không thể nào… Tôi xin lỗi… xin lỗi. (tr. 597) Trương Chi đặt cây đèn xuống và rút lui.

Sau một thời gian ốm nặng, Mỵ Nương từ từ tỉnh lại, nàng nói với bà Vú rằng nàng cảm thấy mình già. Xảy ra một màn kỳ ảo : Mỵ Nương nghe tiếng hát của Trương Chi. Rồi im lặng, Trương Chi hiện lên, tay cầm cây đèn. Cây đèn tắt.

Trời sáng, bà Vú hốt hoảng chạy vào vừa báo tin gì cho Mỵ Nương vừa trỏ tay về phía sông.

Lại bóng tối. Mỵ Nương ngồi thêu dưới ánh đèn và độc thoại : nàng thổ lộ với Trương Chi giờ đây đã chết và nằm dưới gốc cây bạch đàn, rằng sau khi gặp Trương Chi nàng đã trở thành một người khác. Bà Vú đi vào, tay bưng chiếc khay có cái chén bằng gỗ, bà rót nước vào chén, một con thuyền hiện lên với bóng một người. Bà giải thích từ hôm người ta chôn Trương Chi dưới gốc cây bạch đàn thì những lúc thanh vắng có tiếng hát văng vẳng qua các cành lá. Ông quan đại thần nghe được chuyện này bèn sai người chặt cây đem đốt. Một ông lão tiều phu đẵn cây thấy gỗ trắng, lấy một khúc đem về gọt được một cái chén, đổ nước vào thì bóng thuyền hiện lên. Ông lão đưa cái chén cho bà Vú, nhờ trao lại cho Mỵ Nương. Mỵ Nương trải chiếc khăn thêu lên bàn, đặt lư hương và cái chén, nàng đốt hương, quỳ xuống tạ tội cùng Trương Chi. Mỵ Nương rót nước vào chén, bóng thuyền hiện lên, có tiếng hát văng vẳng. Mỵ Nương khóc, tự ví mình như cái cây khô nay được Trương Chi làm sống lại.

Kịch bản chấm dứt bằng lời khẳng định của hai người :

Trương Chi : Một lời em nói với anh, một giọt nước mắt em nhỏ xuống, là như vậy mãi mãi rồi…

Mỵ Nương : Vâng, mãi mãi như vậy rồi, không gì khác đi được nữa. (tr. 603)

Hai nhân vật khẳng định tình yêu của họ là một tình yêu bất diệt.

Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp

 

         Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn nổi bật trên văn đàn vào thời đổi mới. Độc giả miền Bắc thời 54-75 đã quen với những tác phẩm viết theo đường hướng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cho nên vào những năm 80, với sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, người ta phát hiện một lối viết mới, một văn phong lạnh lùng, sắc bén. Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng ngay với những truyện Tướng về hưu, Không có vua. Ngoài những đề tài rút từ đời sống hằng ngày, tác giả đã chọn những đề tài lịch sử, những huyền thoại để làm nguồn sáng tạo.

         Về huyền thoại Trương Chi, trong khi Nguyễn Đình Thi hướng về tâm trạng của Mỵ Nương thì Nguyễn Huy Thiệp nghiêng về tâm trạng của Trương Chi. Nguyễn Huy Thiệp miêu tả một Trương Chi nói năng thô tục, vạch quần đái trên sông. Đúng là ngôn ngữ và cử chỉ của một anh lái đò, nhưng ngôn ngữ và cử chỉ đó che giấu một tâm hồn trong trắng, cao thượng, một tâm hồn nổi loạn. Truyện có tính kỳ ảo với những chi tiết như : Trương Chi cắn đứt một đốt tay và nhổ xuống sông, Mỵ Nương cũng như viên quan trưởng và bọn hoạn quan đột ngột xuất hiện, cuối truyện Mỵ Nương biến mất, còn Trương Chi, sau khi hát xong, cũng không biết chàng đã bay tới bến sông từ khi nào

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp được xây dựng theo cách thức tương phản : hình ảnh, ngôn ngữ và thế giới của hai nhân vật chính trái ngược nhau, chống đối nhau.

Bàn tay của Trương Chi và Mỵ Nương nói lên giai cấp xã hội của họ : Trương Chi úp mặt vào hai lòng bàn tay chai sạn. Còn Mỵ Nương : Nàng lấy những ngón tay thon thả gỡ tóc. Lối sống của đôi bên cũng có tính tương phản : trong khi Trương Chi ngả người vào lòng thuyền thì Mỵ Nương ngả người trên nệm. Dòng độc thoại của Trương Chi được cấu trúc qua hai thế giới đối lập nhau : thế giới của Trương Chi và thế giới của Mỵ Nương. Tiếng hát của Trương Chi vút cao khi chàng sống một mình trên thuyền, trái lại khi bị ép buộc hát cho công danh, cho tiền tài, trước mặt mọi người thì tiếng hát trở nên bài hát đông người, nó giống như tiếng kêu của thú vật.

Thế giới của Trương Chi là thế giới của vắng lặng, của cô đơn. Trương Chi cảm thấy cuộc đời của mình, tiếng hát của mình chẳng ra gì, nhân vật lặp lại bốn lần chẳng ra gì để khẳng định một cách đau đớn sự nghèo hèn của mình ; và khi gặp Mỵ Nương chàng ý thức về sự nghèo hèn, về cuộc đời của mình càng cứt hơn. Nguyễn Huy Thiệp cố tình cho Trương Chi vạch quần đái trên sông và ăn nói thô tục để nhấn mạnh rằng Trương Chi thuộc giai cấp nghèo hèn, Trương Chi chỉ có tiếng cứt để nói lên sự chán ngán, bực tức và lòng căm phẫn của mình.

 Thế giới của Mỵ Nương hoàn toàn trái ngược, đó là một thế giới của giàu sang, của quyền uy. Xung quanh Mỵ Nương có bầy đoàn, có bọn hoạn quan chỉ biết công danh, tiền bạc. Từ cứt mà bọn hoạn quan vung ra không cùng nghĩa với từ cứt của Trương Chi ; bọn hoạn quan dùng từ này để biểu hiện sự khinh bỉ đối với anh lái đò hát như cứt. Lạc vào thế giới của Mỵ Nương, Trương Chi cảm thấy lạc lõng và sợ hãi ; vì áp lực của bầy đoàn, Trương Chi phải hát theo ý họ. Nhưng Mỵ Nương làm dịu được sự lo sợ của Trương Chi với những lời lẽ khích lệ, với tiếng cười và cử chỉ mơn trớn, khiến Trương Chi xiêu lòng. Tuy nhiên mặc dù Mỵ Nương có sức quyến rũ, Trương Chi cũng sáng suốt thấy rằng Mỵ Nương không phải là tình yêu tuyệt đối mà chàng theo đuổi. Mỵ Nương chỉ là cái ảo, cái bẫy đang rình rập thân phận chàng, vì Mỵ Nương thuộc về thế giới của bầy đoàn. Trương Chi hướng về đỉnh cao, nơi có lý tưởng tuyệt đối.

Và để đạt đến tuyệt đỉnh đó, thân xác và tâm hồn của Trương Chi phải được tẩy sạch. Vào đầu truyện, Trương Chi trật quần đái xuống sông, cử chỉ này không đơn thuần là một cử chỉ bài tiết, mà là một cử chỉ thanh sạch hóa thân xác. Và khi Trương Chi cắn đốt ngón tay, nhổ xuống sông, cử chỉ thứ hai này cũng là để thanh sạch hóa mình. Ngón tay có một giá trị hình tượng, nó làm liên tưởng đến bộ phận sinh dục của người nam. Qua cử chỉ này, Trương Chi muốn vứt bỏ lòng ham muốn Mỵ Nương để đời mình được thăng hoa. Như thế tâm hồn Trương Chi sẽ được nhẹ nhàng, tiếng hát sẽ được bay bổng đến đỉnh cao của lý tưởng chân, thiện, mỹ. Khi Trương Chi cất tiếng hát trước mặt bầy đoàn để tuyên xưng mình là Trương Chi, hát cho tình yêu tuyệt đối, thì thế giới của Mỵ Nương im bặt, mọi người dạt qua hai bên để Trương Chi đi qua.

Tác giả Nguyễn Huy Thiệp gạt bỏ sự kết thúc của truyền thuyết, và dành cho huyền thoại Trương Chi một kết thúc bí ẩn, cao siêu : Trương Chi trầm mình xuống sông mang theo cái lý tưởng của mình.

Khi viết về Trương Chi, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Thiệp đều làm tái sinh huyền thoại Trương Chi, nhưng theo nghệ thuật riêng của mỗi tác giả.

Kịch bản của Nguyễn Đình Thi, mặc dù có biến đổi vể nhân vật : chỉ có ba nhân vật, người cha của Mỵ Nương vắng bóng, để Mỵ Nương hoàn toàn có vai trò chủ động, bà vú một nhân vật phụ nhưng lại cần thiết. Ngoài sự biến đổi đó, kịch bản của Nguyễn Đình Thi vẫn ở trong khuôn khổ truyền thống, tác giả chỉ làm cái công việc lặp lại một huyền thoại của dân gian.

Còn Vũ Khắc Khoan và Nguyễn Huy Thiệp, mỗi người mỗi cách, đã làm mới huyền thoại Trương Chi.

Vũ Khắc Khoan biến huyền thoại Trương Chi thành một truyện có tính ngụ ngôn. Tác giả làm mới nhân vật Trương Chi bằng cách cho nhân vật này một tuổi thơ, một gia đình, một thời kỳ học tập, tu luyện trên núi, cuối cùng một thời kỳ xuống núi để sống với một tập thể. Bên cạnh Trương Chi, Mỵ Nương có một vai trò lu mờ. Dưới ngòi bút của Vũ Khắc Khoan, Trương Chi là một thanh niên đứng trước hai con đường và bị bắt buộc phải chọn lựa : hoặc con đường tự do đưa đến lý tưởng, hoặc con đường do tập thể áp đặt, làm cho con người mất hết tự do, mất hết bản lĩnh. Sở dĩ có truyện ngụ ngôn như thế là vì tác giả muốn đánh thức những thanh niên đang bị đảng cộng sản lôi cuốn.

Về phần Nguyễn Huy Thiệp thì ông đã làm mới huyền thoại Trương Chi về hai phương diện : nhân vật và quan niệm nghệ thuật.

Về phương diện nhân vật : Nguyễn Huy Thiệp biến Trương Chi thành một nhân vật có bản lĩnh, độc đáo. Mặc dù Trương Chi tự biết đời mình không ra gì, nhưng chàng không có tự ti mặc cảm đối với Mỵ Nương ; trái lại Trương Chi xem Mỵ Nương, tuy là một người con gái đẹp, quyến rũ, nhưng là một người con gái nông cạn, không có khả năng yêu, không xứng đáng với tình yêu cao cả của mình.

Nhân vật Trương Chi được phóng lớn qua tiếng hát, tức qua nghệ thuật, để tô đậm cái lý tưởng chân, thiện, mỹ :

Ta là Trương Chi

Ta ca ngợi tình yêu

Nở từ hạt thiện

Và bông hoa của tự nhiên

Là sự chân thực lạnh buốt…

 

Ta là Trương Chi

Ta hát cho tình yêu

Vẻ đẹp tự nhiên

Sự chân thực lạnh buốt

Sự hiện diện của viên quan trưởng và bọn hoạn quan rất cần thiết để làm nổi bật tư duy cao thượng của Trương Chi.

Về quan niệm nghệ thuật : giọng hát của Trương Chi biểu tượng cho cái đẹp, cho nghệ thuật, và nghệ thuật, muốn được nguyên vẹn, thanh khiết, phải thoát khỏi sự áp bức của hạng người có uy quyền trong xã hội, muốn chiếm đoạt nghệ thuật và buộc nghệ thuật phải phục vụ quyền lợi của họ. Dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp, Trương Chi từ ngàn xưa là hiện thân của sự căm phẫn, sự nổi loạn chống lại hạng người này : Bốn nghìn năm trước chàng đã đau đớn thế này, chàng đã căm giận thế này.

 Những điệp khúc trên đây của Trương Chi là một bản tuyên ngôn tự do của nghệ thuật.

Trong truyện Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Huy Thiệp, qua một nhân vật, cũng đã nói lên lập trường của mình về cái đẹp, cái duy mỹ : Đạo đức duy mỹ chất chứa hiểm nguy, chất chứa phiên lưu nhưng nó sâu sắc, không bịp bợm, hẳn nó giá trị gấp triệu lần thứ đạo đức duy lý trắng trợn của trật tự bầy đoàn.

Vậy Vũ Khắc Khoan và Nguyễn Huy Thiệp đều làm mới huyền thoại Trương Chi. Vũ Khắc Khoan cho Trương Chi của mình một màu sắc chính trị. Nguyễn Huy Thiệp thì chọn màu sắc nghệ thuật, một nghệ thuật bất khuất dẫn đến chân, thiện, mỹ.

MỸ HỌC CỦA BORIS PASTERNAK

 

 

 Bác sĩ Jivago (1) là một tác phẩm phong phú, có thể được xem xét từ nhiều khía cạnh như : thân phận nổi trôi của con người qua một cuộc cách mạng đẩm máu, sự dấn thân hay không dấn thân vào thời cuộc, hoặc khía cạnh tôn giáo, vì truyện Bác sĩ Jivago đượm màu sắc Kitô giáo, v.v… Tuy nhiên Bác sĩ Jivago trước tiên là một tác phẩm nghệ thuật. Do đó vấn đề mỹ học cần được nêu lên. Nếu hiểu rằng mỹ học của một tác giả là phương thức đặc thù mà tác giả dùng để tạo nên nghệ thuật viết của mình, thì có thể nói mỹ học của Boris Pasternak có hai điểm mà tôi cho là chính yếu, đó là việc tạo nên những mẫu người trong cơn lốc lịch sử và sự chọn lựa thiên nhiên làm nguồn hạnh phúc của con người.

Những mẫu người trong cơn lốc lịch sử     

 Bác sĩ Jivago là một bích họa vĩ đại về một thời lịch sử của nước Nga. Trong bích họa đó có vô số nhân vật thuộc đủ hạng người trong xã hội, nhưng có ba nhân vật chính nổi bật, đó là Lara, Pacha và Jivago. Ba nhân vật đã được tác giả khoác lên những giá trị biểu tượng, cho nên họ không còn là những nhân vật tầm thường nữa, họ đã trở thành những mẫu người trước thời cuộc.

Lara la biểu tượng của người phụ nữ trước những cơn sóng gió của cuộc đời. Sắc đẹp trong trắng của cô bị đẩy vào sự xấu xa, hoen ố, khi cô còn là một thiếu nữ ngây thơ. Sắc đẹp của Lara không phải là cái điều thuận lợi đem lại cho cô may mắn, hạnh phúc ; trái lại, sắc đẹp của cô là một điều bất hạnh. Lara là nạn nhân của điều ác, có lúc cô biến thành đồng lõa của tên đao phủ Komarovski, nhưng rồi cô cưỡng lại điều ác để luôn luôn hướng về điều thiện. Lara là một người phụ nữ chính trực, biết mình không xứng đáng với người chồng ; cô cũng giàu lòng hy sinh, tuy cô yêu say đắm Jivago nhưng cô khuyên người bác sĩ hãy trở về với vợ con.

Pacha và Jivago là hai người đàn ông cùng yêu một phụ nữ. Cả hai đều thấy Lara lần đầu tiên, cùng một lúc, khi xảy ra cuộc cách mạng 1905. Đối với hai người đàn ông, Lara là hiện thân của một nữ tính bị tổn thương, cô là nạn nhân của cái xấu trong xã hội, cô cần được bênh vực, che chở. Và cả hai đều muốn cứu Lara. Nhưng Pacha và Jivago là hai mẫu người hoàn toàn khác biệt.

Pacha là biểu tượng của người cách mạng, cương quyết hoạt động để đi đến cùng con đường mình đã tự vạch ra, bất chấp mọi bạo lực. Cái tên Strelnikov mà Pacha tự chọn cho mình có nghĩa là người xử bắn. Tuy nhiên Pacha không phải là người của hệ tư tưởng cách mạng. Pacha chỉ phục vụ cách mạng và cuối cùng là nạn nhân của cách mạng, vì con đường tranh đấu của Pacha không đưa đến sự xây dựng mà đưa đến sự tự hủy hoại mình.

Ngược lại, Jivago là biểu tượng của người nghệ sĩ, tâm hồn của một nhà thơ khó chấp nhận những cảnh áp bức, chuyên chế, bạo tàn. Lúc đầu Jivago hứng khởi đón mừng cuộc cách mạng 1917, kể cả những sắc lệnh tháng 10, nhưng rồi nhanh chóng nhà thơ tránh xa thời cuộc. Trước bao vật đổi sao dời, Jivago chỉ có một thái độ im lìm, thụ động của một khán giả nhìn đời mình từ bên ngoài và nhìn đời của kẻ khác. Trái với con đường của Pacha đầy hoạt động tranh đấu, con đường của Jivago lặng lẽ, thụ động.

Pacha và Jivago là hai biểu tượng của cách mạng và nghệ thuật đối mặt nhau. Cuối cùng người cách mạng đi đến cái chết và người nghệ sĩ tìm được con đường sáng tạo, tức tìm được sự sống.

Ba mẫu người qua ba nhân vật, Lara, Pacha và Jivago, có một điểm chung là tình yêu của họ là thứ tình yêu không được toại nguyện. Pacha yêu vợ say đắm, nhưng Lara lại yêu Jivago, và đôi tình nhân này bao giờ cũng bị chia ly. Rốt cuộc, tình yêu đơn phương hay tình yêu đôi lứa trong cơn lốc của cách mạng đều dẫn đến tâm trạng cô đơn, đau khổ. Do đó ba mẫu người của Boris Pastrenak có sức cuốn hút người đọc.

Sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên

Trong tác phẩm Bác sĩ Jivago, Boris Pasternak đưa người đọc vào một không gian mênh mông, ngợp choáng của một thiên nhiên huy hoàng. Jivago là một y sĩ và cũng là một nhà thơ, ông có khả năng đồng cảm với thiên nhiên qua thị giác và thính giác.

Tuyết, một hiện tượng của thiên nhiên hiện diện từ đầu đến cuối truyện. Trong một bức thư gửi cho Pasternak, Varlam Chalamov (2), người thường trao đổi thư từ với tác giả, nhắc : Cuốn sách đầy cả tuyết, nó như bị tuyết rắc lên. Thật vậy, đâu đâu cũng có tuyết, tuyết rơi ngoài đường khi thiên hạ biểu tình, tuyết rơi trên rừng, tuyết bao phủ cả một ngọn đồi, tuyết sào sạo dưới những bước chân. Có những cảnh tuyết rất thi vị, ngày gia đình Jivago lên đường để đi đến vùng Varykino thì : Bên ngoài, trời còn tối. Tuyết rơi dày hơn hôm trước, trong một không khí yên tỉnh, không gió. Những nụ tuyết lớn mềm mại rơi một cách lười biếng và dừng lại gần mặt đất, làm như chúng ngập ngừng chưa nằm xuống đất. (tr. 277)

Mặt trời được nhân cách hóa để làm đẹp không gian. Đây là một cảnh mặt trời sắp lặn nhìn trong một nhà ga : Khi đến chân trời, mặt trời mơn trớn những ô vuông bằng sành, đốt cháy bức thảm treo trên tường với một ngọn lửa nâu có ánh vàng và vắt lên tường, như một chiếc khăn choàng, cái bóng của những cành cây bu lô. (tr. 298)

Cây cối cũng được nhân cách hóa, dưới mắt người nghệ sĩ, cây thanh lương trà là một người mẹ nuôi con : Ra khỏi trại và cánh rừng (…) có một cây thanh lương trà đẹp, mọc lên đơn độc, màu đỏ nâu, một cây duy nhất trong các cây còn giữ được lá. Nó mọc trên một gò đất nhô cao trên khoảng đất sình lầy, và nó đưa lên trời những chùm quả mọng cứng, màu đỏ thắm (…) Một sự thân thiết sống động được tạo nên giữa bầy chim và cái cây. Tưởng chừng cây thanh lương trà đã từng làm chứng cho những cố gắng của bầy chim, đã cưỡng lại chúng khá lâu, rồi chịu thua, vì thương hại những con chim bé nhỏ kia, cái cây như một người mẹ, mở nút áo và cho con bú : « Chúng mày quá quắc lắm ! Thôi, ăn tao đi, ăn tao đi. Chúng mày hãy tự nuôi dưỡng đi. » Và cái cây mỉm cười. (tr. 454)

Loài chim được tác giả ưu đãi. Tiếng nói của người mẹ khuất bóng được đồng hóa với tiếng chim. Khi cậu bé Iouri Jivago đi dạo quanh nhà : Đẹp quá chừng ! Mỗi lúc người ta nghe tiếng huýt trong trẻo của con chim vàng anh, tiếng huýt vang ra trên ba cung bậc với những khoảng trống chờ đợi, để cho âm thanh ướt át có thì giờ thấm vào những vùng lân cận (…). Ảo giác âm thanh. Tiếng nói ma của mẹ cậu bé lơ lửng trên cánh rừng thưa. Iouri nghe tiếng nói đó trong cách chuyển điệu du dương của loài chim và tiếng vo vo của bầy ong. Cậu bé giật mình, cứ ngỡ mẹ kêu, mẹ gọi cậu bé đến với mẹ. (tr. 22)

Về tiếng chim sơn ca, bác sĩ Jivago viết trong nhật ký : Khi chúng tôi đến Varykino, mùa xuân bắt đầu (…). Chim sơn ca bắt đầu hót. Lại một lần nữa làm như tôi nghe cái âm điệu du dương đó lần đầu tiên, tôi ngạc nhiên để ý cái âm điệu du dương, nó khác với tất cả những tiếng chim hót, và tôi ngạc nhiên về cái bước nhảy của thiên nhiên để đạt đến sự tràn đầy của những tiếng ngân dài không có gì so sánh được. Những câu nhạc liên tiếp đa dạng biết bao ! Những nốt nhạc trong đến thế, vang xa đến thế, mãnh liệt đến thế ! Đặc biệt có hai nhạc tố tách rời nhau : một tiếng « chốc, chốc, chốc, » huy hoàng, hau háu và vội vàng, khi thì gồm ba phách, khi thì kéo dài vô hạn mà những khu rừng cây đâm chồi đẫm sương, rung rinh dưới sự mơn trớn, vung vẩy đáp lại và làm phồng lên những đám lá. Và thành tố kia gồm hai nhịp tách rời rõ ràng, nghe thấm thía, van lơn, khẩn nài, giống như một câu kinh hay một sự khích lệ : « Ôtsơ-nix ! Ôtsơ-nix ! Ôtsơ-nix ! » (Otch-nis ! Otch-nis ! Otch-nis ! ). (tr. 371) Có nghĩa : thức dậy đi thôi.

Có lần bác sĩ Jivago đang làm việc trong một bệnh viện thì xảy ra một ảo giác thi vị : Người y sĩ ngồi ở bàn giấy, ông chấm ngòi bút trong lọ mực, ông mơ mộng, ông viết gần sát những khung cửa sổ lớn (…), những con chim yên lặng ném vào những cái bóng lặng lẽ. Và những cái bóng đó che hai bàn tay linh động của người y sĩ, che cái bàn và những tờ mẫu khai in sẵn (…) rồi biến mất không tiếng động (…). Người y sĩ ngước đầu. Những con chim bí ẩn ban nảy bay qua trước cửa sổ là những chiếc lá màu đỏ của cây phong, những chiếc lá bay lên, lượn quanh, rồi nằm trên bãi cỏ trước bệnh viện (…). (tr. 241) Lá cây được lầm lẫn với chim, cả hai cùng biểu tượng cho thiên nhiên đến với người nghệ sĩ đang mơ mộng. Cái bóng của thiên nhiên thân thiện mơn trớn hai bàn tay người nghệ sĩ như khuyến khích sự sáng tạo.

Loài bướm cũng được vào cái thế giới rực rỡ của thiên nhiên. Khi Jivago mệt nhọc nằm ngủ ngoài trời : Như một miếng vải nhiều màu lần lượt khép vô mở ra, một con bướm màu nâu có chấm lốm đốm bay trên không ; nó đến từ phía mặt trời. Người y sĩ, đôi mắt ngái ngủ, theo dõi đường bay của nó. Con bướm đậu trên cái hợp nhất với màu của nó, nó đậu trên cái vỏ cây thông màu nâu lấm chấm, màu của nó hoàn toàn lẫn lộn với màu vỏ cây, cũng như Iouri Andréiévitch trong thế nằm lẫn lộn với cái lưới đan bằng tia nắng và bóng mát đang rung chuyển trên người ông. (tr. 445) Và rồi trong những suy nghĩ của Jivago, hình ảnh con bướm nhắc nhở đến nền hội họa hiện đại, đến sự sáng tạo và đến tác phẩm.

Gió được dùng để tượng trưng cho tình cảm của con người. Trong thành phố Iouratine, Jivago tìm đến nhà Lara một ngày trời nổi gió. Ngọn gió làm tung lên những lớp cát bụi chắn ngang con đường và buộc Jivago luôn luôn ngừng lại (…). Khi Jivago đi vào cổng nhà, một cơn gió lốc cuốn đất và bụi lên trời che khuất cái sân (…). Ông bác sĩ thấy Lara Antipova đứng gần cái giếng. (…) Lara sắp sửa đi vào nhà với hai thùng nước khi một trận gió khác làm tung tóc cô, chiếc khăn tay bay đến hàng giậu, giữa mấy con gà đang cục cục. Iouri chạy đến tìm và nhặt cái khăn, mang nó lại gần cái giếng cho Lara, cô sững sờ. (tr. 379-380) Những cơn gió dồn dập nổi lên che mờ lối đi của Jivago, làm tung mái tóc của Lara đến nổi cái khăn buột tóc bay xa là biểu tượng tình yêu sóng gió, mãnh liệt của hai người.

Tình yêu của Jivago và Lara mật thiết với thiên nhiên. Trước quan tài của Jivago, Lara, nước mắt ràn rụa, nghĩ đến sự hài hòa của tình yêu của hai người với thiên nhiên : đất dưới bước chân họ, bầu trời trên đầu họ và mây và cây cối.

Boris Pasternak có cái biệt tài vẽ lên hình ảnh con người trong hai thế giới trái ngược nhau : thế giới của cách mạng đầy bạo lực, nguy hiểm, bất trắc, gây nên tàn phá và chết chóc, và thiên nhiên là thế giới của bình an, của tình yêu, của cái đẹp và sự sáng tạo. Jivago viết trong nhật ký rằng nghệ thuật luôn luôn phục vụ cái đẹp, và mọi nghệ thuật là một truyện kể về cái diễm phúc được sống. Sáng tạo là xây dựng sự sống, Jivago tuyên bố với hai người bạn, Gordon và Doudorov : Tôi ham muốn sống một cách điên cuồng, tha thiết, và sống luôn luôn có nghĩa là vươn tới trước, vươn tới một cái gì cao siêu, tới cái hoàn hảo, vươn tới và cố gắng đạt được. (tr. 617) (3)

Chú thích :

(1) Boris Pasternak, Le docteur Jivago, Nxb Gallimard, 1958.

(2) Alain Finkielkraut, Ce que peut la littérature. Chương : Pasternak, Poète et Romancier,

Nxb Gallimard, Folio, 2006.

(3) Những trích đoạn do Liễu Trương dịch từ bản Pháp ngữ.

 

TRUYỆN “BÁC SĨ JIVAGO”

       

Bác sĩ Jivago (1) không phải là một tự truyện, nhưng Boris Pasternak đã gửi gắm vào nhân vật Jivago tình cảm và thái độ của ông trước thời cuộc, tức tình cảm và thái độ của một nhà nghệ sĩ.

Truyện bắt đầu với cái chết của người mẹ của Jivago và kết thúc với cái chết của Jivago. Giữa hai cái chết là cuộc đời nổi trôi của Jivago trải dài qua những biến cố lịch sử trọng đại : cuộc cách mạng ở Nga năm 1905, Đệ nhất thế chiến và cuộc cách mạng tháng 10, 1917, những biến cố đã làm đảo lộn sâu xa xã hội Nga với những hậu quả sau đó.

Mẹ của Iouri Andréiévitch Jivago chết năm cậu bé lên mười. Trước đó cậu bé không hề biết rằng người cha đã bỏ hai mẹ con. Ông đi du lịch xa, chơi bời trác táng và đã làm tiêu tan tài sản đồ sộ gồm một xưởng chế tạo, một ngân hàng và nhiều tòa nhà. Hai mẹ con sống trong cảnh nghèo túng. Sau khi mẹ mất, Iouri được gửi trong gia đình của giáo sư Groméko. Cậu bé tìm thấy nơi đây một khung cảnh đầm ấm, thêm nữa Iouri kết thân với cô bé Tonia, con của giáo sư Groméko, và với một nguời bạn học tên Gordon. Tuy còn nhỏ tuổi Iouri đã biết suy nghĩ, viết lách và mơ sẽ viết được một tác phẩm sau này. Bà Anna Ivanovna, mẹ của Tonia, tỏ ý muốn Tonia và Iouri sẽ thành vợ chồng trong tương lai.

Chiến tranh chống Nhật chưa chấm dứt thì cuộc cách mạng đã lan tràn trên lãnh thổ Nga.

Về phía bà Guichard, mẹ của Rodion và Larissa, tức Lara, bà luôn bị sự nghèo khổ ám ảnh, bà không ngớt than với các con rằng gia đình sắp rơi vào sự cùng cực. Cho nên anh em Lara nghĩ rằng ở đời mình chỉ tự cậy vào sức mình để đạt đến những cái mình không có. Komarovski, một luật sư sau này trở thành một chính trị gia trong thời cách mạng, đã từng làm cố vấn pháp luật cho cha của Iouri Jivago, và là người che chở bà Guichard. Komarovski là một tên bất lương, y tìm cách dụ dỗ Lara khi cô mới 16 tuổi. Lara là một cô gái đẹp và trong trắng, đã bị tên Komarovski lôi cuốn vào đường dâm dục. Lara ghê tởm và thù ghét Komarovski, nhưng suốt đời cô không làm sao thoát khỏi nanh vuốt của y, y khéo léo khai thác khía cạnh đen tối của tâm hồn Lara, và nếu cần kìm giữ Lara thì y không ngần ngại nhắc nhở cho cô biết là cô đã bị ô danh. Lara luôn sống trong một tâm trạng bứt rứt.

Do sự giúp đỡ của một người bạn, Lara tìm được một chỗ dạy học trong gia đình Kologrivov. Nhờ thế, cô được che chở trong một thời gian ba năm. Một  thanh niên : Pavel Antipov Pavlovitch, tên gọi là Pacha, yêu Lara say đắm. Pacha là con một nhân viên hỏa xa, làm giáo sư sau khi tốt nghiệp đại học. Lara mơ được thành hôn với Pacha.

Rodion, anh của Lara, vì cờ bạc sinh ra nợ nần. Lara phải vay tiền của gia đình Kologrivov để giúp anh. Cuối cùng cô cảm thấy mình là gánh nặng cho những người khác. Cô sống trong tâm trạng chán đời ; vào dịp Noel 1911, cô có một quyết định ghê gớm : giết tên Komarovski.

Cũng vào dịp Noel đó, Tonia và Iouri Jivago đến viếng cây Noel của gia đình Sventitski. Tâm hồn của Iouri bắt đầu rung cảm trước Tonia nay đã trở thành một phụ nữ. Lara cũng có mặt tại nhà của gia đình Sventitski, cô ở trong căn phòng lớn. Bỗng dưng có tiếng nổ vang trong nhà. Khách khứa từ phòng khách đổ xô vào phòng lớn, người ta kéo Lara ra. Khi thấy Lara, Iouri tự nhủ : Chính là cô này. Ông nhớ đã có lần thấy người con gái này khi tình cờ ông có mặt ở khách sạn Monténégro. Ông nhớ cô ta mặc một cái áo nữ sinh và trao đổi những cái nhìn với một người đàn ông đứng tuổi. Iouri nhớ dáng điệu phục tùng của người con gái. Qua hình ảnh đó Iouri cảm thấy có cái gì vừa đáng lo ngại vừa thu hút ông. Cô gái nhỏ bé, mong manh, yếu ớt kia như mang nặng tất cả nữ tính của phụ nữ trên thế giới. Giờ đây Iouri thảng thốt khi gặp lại cô ta ở nhà của gia đình Sventitski, gặp lại cô ta trong một hoàn cảnh lạ thường. Một lần nữa, Iouri lại thấy cái người đàn ông đứng tuổi kia. Iouri thầm nghĩ : Cô ấy đẹp làm sao ! 

Lara muốn giết tên Komarovski. Hắn ta nổi trận lôi đình. Tình trạng này gây tai tiếng cho hắn. Tuy nhiên hắn vẫn nhận thấy đứa con gái điên và tuyệt vọng kia có sức lôi cuốn hắn. Nhưng rồi vụ tai tiếng được giữ kín.

Về phần Pacha Antipov, ông đâm ra nghi ngờ Lara đã phạm nhiều tội lỗi ghê gớm, ông sẵn sàng nguyền rủa và thù ghét Lara, nhưng vẫn yêu cô ta say đắm. Pacha ghen với những ý nghĩ thầm kín của Lara, ghen với cái cốc Lara uống nước, với chiếc gối cô kê đầu. Pacha đã thành hôn với Lara lúc vừa thi đỗ. Đêm hôm đó cậu sinh viên Pacha Antipov vừa biết được đỉnh cao của hạnh phúc và cuối đáy của tuyệt vọng, khi Lara thú thật về cuộc đời của mình.

Rồi vợ chồng Antipov sống ở Iouratine. Lara chăm nom nhà cửa và đứa con gái Katenka, ba tuổi. Hai vợ chồng dạy học ở một trường nữ trung học. Lara bằng lòng với cuộc đời. Họ sống hòa thuận với nhau, nhưng mối liên hệ giữa hai người có phần phức tạp. Lara đối với chồng rất tốt và luôn chăm sóc chồng đầy đủ. Pacha thì tránh chỉ trích vợ, vì sợ người vợ nghi mình bất công và có ý muốn làm nhục cô ta. Vậy giữa hai vợ chồng có cái gì không được tự nhiên, người nào cũng muốn tỏ ra rộng lượng. Pacha hiểu rằng Lara không yêu mình mà chỉ xem bổn phận đối với chồng như một hy sinh. Khổ nỗi là Pacha vẫn yêu Lara mãnh liệt, vì cô có cái sắc đẹp làm ông say đắm. Nhưng rồi Pacha tìm ra một lối thoát. Ngày nọ ông nhận được giấy gọi của trung tâm tuyển mộ. Ông được vào trường Võ bị Omsk. Sau đó Lara nhận được những bức thư của Pacha gửi từ mặt trận. Rồi Pacha bặt tin. Còn Lara theo học ngành y tá và vừa tốt nghiệp. Cô muốn đi tìm Pacha tại những nơi hành quân và cô đáp chuyến tàu y tế để đến biên giới Hungari.

Trong khi đó, Iouri Jivago đã trở nên một bác sĩ trong quân đội. Bệnh viện nơi Iouri hành nghề ở trong một thị trấn xa xôi, gần đường xe lửa. Lúc đó vào cuồi tháng hai, thời tiết ấm hơn. Iouri đang đọc thư của Tonia. Bỗng có tiếng chân bước nhẹ nhàng, Iouri ngước mắt lên : Lara vừa mới bước vào.

Trong công việc ở bệnh viện, bác sĩ Jivago và cô y tá Lara gần gũi nhau. Nhưng khi Lara không còn hy vọng tìm lại người chồng thì cô trở về với đứa con.

Về phần Jivago, ông cũng chuẩn bị ra đi. Ông xa gia đình đã hai năm. Chiến tranh với sự đổ máu và những điều kinh khiếp dã man đã khiến cho Jivago phải đương đầu với một thực tế mới. Cuộc cách mạng đã từng làm cho Jivago hứng khởi nay không còn là một cuộc cách mạng lý tưởng nữa, như hồi năm 1905, mà là một cuộc cách mạng đổ máu, do quân đội cầm đầu.

Bác sĩ Jivago nghĩ đến cô y tá Lara Antipova đang bị cơn lốc chiến tranh cuốn vào nơi vô định. Ông nghĩ đến những cố gắng thành thật, to lớn của ông để đừng yêu cô ta. Sau ba năm vật đổi sao dời, với bao di chuyển, với chiến tranh, cách mạng, với những cảnh điêu tàn, chết chóc, những trận cháy lớn, tất cả đều trở nên một thế giới trống rỗng, vô nghĩa. Jivago trở về tìm người vợ là Tonia, để bắt đầu lại cuộc sống.

Jivago tìm lại được gia đình ở Moscova. Nhưng rồi ông cảm thấy cô đơn. Bây giờ là cuối tháng 9. Cái điều không tránh được đã gần kề. Mùa đông đến, và người ta cảm thấy có cái gì tai hại đang manh nha. Cuộc sống của giới tư sản bắt đầu lung lay. Bác sĩ Jivago không có ảo tưởng. Ông thừa biết cuộc sống trước kia rồi đây sẽ biến mất, và ông nghĩ rằng giai cấp của ông và chính ông sẽ bị lên án.

Tại bệnh viện đã có sự phân biệt các phe chính trị, những người ôn hòa cho rằng Jivago là một kẻ nguy hiểm, còn những người theo cách mạng thì cho rằng ông không có tinh thần cách mạng cho lắm. Jivago không thuộc về phe nào cả.

Vào cuối tháng 10, 1917, một thông cáo của chính phủ từ Pétersbourg báo tin việc thành lập một Xô viết gồm những ủy viên nhân dân và sự thiết lập ở Nga một chính quyền Xô viết và nền chuyên chính vô sản. Khắp nơi người ta chỉ định những ủy viên với những quyền hành bất tận, đó là những con người có ý chí sắc thép, họ dùng mọi biện pháp để hăm dọa dân chúng.

Cuộc sống xưa kia và quyền hành mới hiện nay không ăn khớp với nhau. Ba mùa đông khủng khiếp trôi qua với nạn đói rét bắt buộc mọi người phải cố gắng hết mình để bám vào cuộc sống.

Đến tháng 4 năm sau, cả gia đình Jivago sơ tán đến miền Oural xa xôi, đến tận vùng Varykino, đất của lãnh chúa xưa kia, gần thành phố Iouratine. Chuyến đi rất dài và vất vả. Thành phố Iouratine bị phe Đỏ chiếm đóng. Trong cuộc hành trình, Jivago làm quen với một ủy viên chính trị trong quân đội tên là Strelnikov. Người này là hiện thân của sức mạnh ý chí tột đỉnh. Anh ta trở thành con người như anh ta muốn, đến nỗi nơi anh ta cái gì cũng có vẻ lý tưởng : gương mặt của anh ta rất đẹp, dáng đi nhanh nhẹn, cặp chân dài mang đôi ủng lớn. Anh ta gây ấn tượng cho mọi người vì cái tài năng tự nhiên của anh ta trong mọi hoàn cảnh. Tiếng đồn cho rằng Strelnikov chính là Pavel Antipov, tức Pacha, chồng của Lara.

Lãnh địa Varykino trong quá khứ thuộc về Krüger, ông ngoại của Tonia. Jivago ý thức rằng gia đình ông cư ngụ trên vùng đất này một cách bất hợp pháp. Nhưng may thay Varykino xa thành phố, không ai biết gì về họ. Nhờ vậy gia đình Jivago được yên ổn một thời gian.

Những trang nhật ký Jivago viết trong thời gian trú ẩn ở Varykino tiết lộ một tâm hồn nghệ sĩ trước cuộc sống và trước thời cuộc : Tôi ở trong một tình trạng đáng lo. Động mạch chủ. Những triệu chứng đầu tiên của bệnh tim mà mẹ tôi truyền lại cho tôi (…) Nếu vậy thì tôi sẽ không sống lâu. (tr. 365)

(…) Cái gì ngăn cản tôi làm công việc một người y sĩ hay công việc sáng tác ? Tôi nghĩ rằng không phải sự thiếu thốn, cũng không phải cuộc sống nay đây mai đó của chúng tôi, cũng không phải cảm giác bất ổn mà những sự thay đổi gây cho tôi, nhưng chính là tinh thần của thời đại, cái tinh thần cường điệu bây giờ lan khắp nơi : kiểu « Bình minh của tương lai », « Xây dựng một thế giới mới », « Ngọn đuốc của nhân loại ». Khi nghe những lời đó, người ta tự nhủ : tưởng tượng vĩ đại quá ! phong phú quá ! Nhưng nếu nhìn gần thì sự cường điệu chỉ ra mắt vì sự thiếu vắng của tài năng. (tr. 368)

Ngày nọ, Jivago đến thư viện của thành phố Iouratine. Trong phòng đọc sách ông nhận ra Lara. Cô ngồi nghiêng, gần như quay lưng lại. Jivago thầm nghĩ : Nàng không tìm cách làm kẻ khác ưa thích mình, không tìm cách làm đẹp, không muốn tỏ ra hấp dẫn. Nàng khinh thường cái khía cạnh đó của người phụ nữ, và người ta có cảm tưởng nàng muốn tự trừng phạt mình vì đã quá đẹp. Và sự tự chống lại mình một cách kiêu hãnh như thế càng làm cho nàng đáng yêu một cách không cưỡng lại được. (tr.377-378)

Đã hơn hai tháng Jivago không trở về nhà. Ông ở lại nhà Lara, ông viện cớ với gia đình rằng vì công việc ông phải ở lại Iouratine. Bây giờ Jivago phản bội Tonia và giấu vợ nhiều chuyện càng ngày càng không tha thứ được. Đây là lần đầu tiên một chuyện như thế xảy ra cho Jivago và ông cảm thấy lương tâm không ổn.

Nhưng tình trạng này không kéo dài. Jivago bị phe cách mạng đang chiến đấu ở Siberia buộc phải động viên. Lúc trở về thì gia đình Jivago đã di tản ra nước ngoài. Quân đội luôn dời chuyển và Jivago phải đi theo khắp nơi. Mặc dù không có xiền xích, không có người gác tù, nhưng ông cảm thấy mình bị cầm tù. Ba lần ông cố trốn nhưng đều thất bại. Ông phải làm việc quá sức. Mùa đông có bệnh sốt chấy rận, mùa hè thì có bệnh kiết lỵ, và với những cuộc hành quân, số người bị thương càng tăng. Về sau Jivago trốn thoát được. Ông tìm đến Lara ở Moscova. Ông lâm bệnh, Lara nuôi ông, săn sóc ông để ông chóng bình phục. Lara khuyến khích Jivago trở lại với gia đình. Vì ông đã bỏ trốn hàng ngũ quân đội, ông sẽ bị liệt vào hạng người đào ngũ. Tình trạng của Lara cũng không khá hơn. Cô biết Strelnikov, chồng cô, có nhiều kẻ thù. Quân đội Đỏ bây giờ đã chiến thắng, và Pacha là một quân nhân không gia nhập đảng, lại giữ chức quá cao, biết quá nhiều chuyện. Lara cảm thấy mình có tội đối với chồng. Cô biết chồng cô là một người chính trực, cô nghĩ bên cạnh chồng cô, cô chẳng ra gì.

Mùa hè trôi qua. Bác sĩ Jivago đã bình phục và làm việc ở ba nơi. Thường ông trở về nhà lúc trời tối và thấm mệt. Ông thấy Lara làm công việc nội trợ. Sắc đẹp của cô khiến Jivago xúc động, ông đâm ra ngại ngùng trước vẻ đẹp cao thượng đó. Tương lai của hai người thật là vô định.

Một hôm Jivago nhận được thư của Tonia, Tonia cho biết cô và các con đến lánh nạn ở Paris, và cô thổ lộ : Điều bất hạnh là em yêu anh và anh không yêu em. Em cố gắng tìm cái lý do của hình phạt đó, tìm hiểu ý nghĩa của nó, biện bạch cho nó, em tìm kiếm, lục soát trong em, em ôn lại tất cả cuộc đời chúng ta và những gì em biết về em, em không tìm được cái lý do chính và em không thể nhớ điều gì mình đã làm, và bằng cách nào em đã gây cho em một sự bất hạnh như thế (…) (tr. 532). Trong thơ, Tonia nhắc đến việc Lara đã săn sóc cô trong thời kỳ cô sinh đẻ, trong khi Jivago ở ngoài mặt trận. Tonia nhìn nhận Lara là một người tốt. Nhưng Tonia ngay thẳng nhận xét rằng Lara là mẫu người hoàn toàn ngược lại với cô. Tonia càng làm cho cuộc đời giản dị và thích hợp với chính đạo chừng nào thì Lara lại làm cho cuộc đời rắc rối và xa chính đạo chừng đó. Jivago vô ý buông một tiếng thở dài và đặt bàn tay lên ngực. Ông bước vài bước loạng choạng rồi ngã xuống bất tỉnh.

Tình yêu của Iouri Jivago đối với Lara là một tình yêu ngoại hạng. Jivago nói với người yêu : Không phải do sự tình cờ mà em ở đây, vào cuối đời anh, thiên thần giấu kín của anh, thiên thần bị cấm đoán của anh, dưới một bầu trời khói lửa và đầy cuộc nổi dậy ; đã từ lâu, vào đầu đời của anh, dưới bầu trời yên tỉnh của tuổi thơ, em đã hiện ra cũng cách đó. Jivago nhắc lại cô nữ sinh mà tình cờ khi ông còn là một cậu con trai đã gặp ở khách sạn nọ. Về sau, lắm khi trong đời, anh thử định nghĩa, thử tìm một cái tên cho cái phù phép sáng chói mà em ném vào hồn anh, cho cái tia sáng đó dần dần tối lại, cho tiếng nhạc đó dần dần yếu đi, tiếng nhạc đã hòa vào cuộc sống của anh, đã trở nên cái chìa khóa mở tất cả những cánh cửa của thế giới, nhờ em. (tr. 545)

Và Lara đáp lại : Anh Iouri của em ơi, anh là chiến lũy của em, là nơi ẩn náu, là cột trụ của em, xin Chúa tha tội cho em về sự phạm thượng này. Ôi, em cảm thấy hạnh phúc làm sao ! (tr. 546)

Một buổi sáng mùa đông trời âm u, hai người rời thành phố và đến lánh nạn ở Varykino. Tại thành phố những vụ bắt bớ càng tăng thêm. Họ ỏ Varykino được mười hai ngày thì Komarovski đến đoạt lại Lara. Komarovski cho Jivago biết rằng Strelnikov đã bị bắt, bị án tử hình và bị hành quyết. Trong trường hợp đó, Lara và đứa con gái bị lâm nguy. Komarovski yêu cầu Jivago giúp y cứu hai mẹ con bằng cách để hai mẹ con đi theo y.

Jivago rời xa Lara bằng cách đó. Vĩnh biệt em Lara, gặp nhau lại trong thế giới bên kia, vĩnh biệt người đẹp của anh, vĩnh biệt niềm vui của anh, niềm vui không dò thấu được, không thể vơi đi, niềm vui vĩnh cửu. Anh sẽ không bao giờ còn gặp lại em, không bao giờ, không bao giờ trong đời anh, không bao giờ anh còn thấy lại em. (tr. 576)

Mất Lara, Jivago dần dần trở nên điên. Ông bỏ bê việc chăm sóc thân xác mình, và mất khái niệm về thời gian.

Giữa lúc đó người lạ mặt xuất hiện, Iouri Jivago sực nhớ đến người ủy viên với những lý luận cứng rắn trong toa xe lửa. Strelnikov đây rồi ! Vậy là anh ta không chết. Tên Komarovski đã nói láo !

Strelnikov, tức Pacha, và Iouri dần dần thân nhau, gần gũi nhau, họ nói chuyện với nhau rất lâu. Strelnikov nói về Lara : Chính vì cô bé đó mà tôi đi học ở đại học, vì cô ấy mà tôi trở thành giáo sư. Tôi vồ hết một đống sách, thu thập bao nhiêu kiến thức để có ích cho cô ấy. Tôi tình nguyện vào quân đội để chinh phục lại cô ấy sau ba năm sống cuộc đời vợ chồng, rồi khi chiến tranh chấm dứt và khi tôi được phóng thích, tôi thừa dịp người ta tưởng tôi chết để hoàn toàn sống cho cách mạng dưới một cái tên giả, và để trả thù tận cùng cho cô ấy về những gì cô ấy đã đau khổ, để bôi xóa vĩnh viễn tất cả những kỷ niệm buồn đó, để đừng có sự trở lại với quá khứ (…) (tr. 589-590) Strelnikov tâm sự nhiều với Iouri và yêu cầu ông kể lại tỉ mỉ những gì Lara đã nói về mình. Sáng hôm sau, Iouri phát hiện xác của Strelnikov nằm sóng sượt trên tuyết. Strelnikov đã tự tử.

Trong chín năm cuối đời của Iouri, ông buông xuôi, ông mất những kiến thức về y khoa, những thói quen sáng tác. Đôi khi ông ra khỏi tình trạng ủ rũ để hoạt động trở lại, nhưng rồi không bao lâu ông rơi vào một tình trạng dửng dưng với chính mình và với kẻ khác. Bệnh tim của ông có phần nặng thêm. Vào mùa xuân 1922, Iouri vất vả lắm mới đến được Moscova, dọc đường ông phải đem áo quần đổi lấy lương thực. Ông làm giấy tờ để xin cho gia đình được trở về Nga. Ông cũng viết sách về nhiều môn để kiếm sống. Ông trở lại cái cư xá nơi có căn hộ của gia đình Sventitski trước kia. Vì Iouri là chỗ quen biết khi xưa nên Markel, người bảo vệ, cho Iouri ở một căn phòng trong căn hộ của gia đình Sventitski. Bây giờ Markel được thăng chức, có nhiều quyền, ông ta thường lên mặt chỉ trích Iouri, nhưng Marina, con gái của Markel, thì luôn luôn bênh vực Iouri. Chẳng bao lâu Marina đến sống với Iouri. Hai người có với nhau hai đứa con.

Mùa hè 1929, Iouri gặp lại hai người bạn cùng lớp thuở xưa : Gordon và Doudorov. Iouri nhận thấy hai người bạn mình có những tư tưởng tầm thường, xu thời, nên ông tránh không bàn luận điều gì với họ. Ngày hôm sau Marina và cả Gordon và Doudorov đổ xô đi tìm Iouri. Sau đó họ nhận được thơ của Iouri xin lỗi họ và yêu cầu họ hãy ngừng mọi tìm kiếm vì ông muốn ở một mình để sắp đặt lại đời sống, ông sẽ trở về nhà khi mọi việc được ổn thỏa. Điều đáng ngạc nhiên là Iouri gởi một số tiền về để Marina thuê một người vú em lo cho con, như thế Marina có thể đi làm việc trở lại. Iouri tìm ở đâu ra tiền ? Sự thật Iouri tình cờ gặp lại người em cùng cha khác mẹ tên Evgraf Andréiévitch Jivago. Được biết Iouri gặp nhiều rủi ro, nhiều khó khăn, người em bày ra một kế hoạch để giúp anh bằng cách mướn cho anh một căn phòng, cho anh tiền và lo chạy chọt để anh có được một chỗ làm ở bệnh viện. Evgraf cũng muốn giúp Iouri tìm lại gia đình. Được em giúp đỡ, Iouri cảm thấy phấn khởi, nhưng ông chẳng tìm hiểu lý do cái thế lực bí ẩn của em. Iouri bắt đầu hăng say sáng tác, ông sắp xếp những bản thảo cũ và đặt ra nhiều dự án.

Một buổi sáng Iouri bước lên tàu điện. Đây là lần đầu tiên ông đi làm việc ở bệnh viện Soldatenko. Chiếc tàu điện cũ kỹ dọc đường bị hỏng, phải ngừng nhiều lần. Thình lình Iouri cảm thấy buồn nôn và yếu sức, ông cố gắng chen qua đám đông để xuống khỏi tàu điện. Khi xuống tới đường, ông bước được vài bước thì ngã quỵ. Tim ông ngừng đập.

Ngày đưa đám Iouri Jivago, bên cạnh Marina có Gordon và Doudorov, và có hai nhân vật quan trọng xuất hiện : Evgraf Andréiévitch Jivago và Larissa Fiodorovna. Evgraf đứng ra tổ chức tang lễ của Iouri. Về phần Lara, cô từ Irkoutsk về Moscova để tìm trường Nghệ thuật cho con gái là Katia. Tình cờ đi qua con đường Chambellans, cô vụt nhớ đến căn phòng sinh viên của chồng khi xưa, cô bèn xin phép lên xem. Không ngờ đó là căn phòng cuối cùng của Iouri, nơi người ta đang đặt quan tài của ông.

Lara đau đớn ôm quan tài của người yêu. Trong giờ phút vĩnh biệt, Lara nghĩ đến mối tình của cô và Iouri, trong những giây phút hạnh phúc nhất, họ có cảm tưởng họ đã tham dự vào cái đẹp của thế giới, họ có một mối liên hệ sâu xa với cái đẹp, với tất cả vũ trụ. Sự hài hòa đó là lẽ sống của họ. Mặt khác, Lara thổ lộ với Evgraf một điều cô đã giữ kín. Nhờ Evgraf, Lara được biết Pacha Antipov, chồng của cô, đã tự tử chứ không bị xử bắn như tên Komarovski đã nói.

Sau ngày hỏa táng Iouri, Lara biến mất. Có lẽ cô đã bị bắt và chết đâu đó trong một trại tập trung Còn Evgraf, người em của Iouri, thật ra là một tướng lãnh, ông tìm ra được đứa con gái của Iouri và Lara.

Nhiều năm trôi qua, một buổi tối hai người bạn Gordon và Doudorov lật lại tập thơ của Iouri Jivago, họ có cảm tưởng tác giả đã báo trước những điều xảy ra về sau.

  • Boris Pasternak, Le docteur Jivago, Nxb Gallimard, 1958.

Trên đây là sơ lược truyện « Bác sĩ Jivago » để bạn đọc có một ý niệm về tác phẩm. Nhưng nếu muốn thưởng thức tài năng và nghệ thuật của Boris Pasternak, tốt hơn nên đọc truyện hoặc trong bản gốc hoặc trong bản dịch Anh ngữ hay Pháp ngữ.