MỸ HỌC VỀ THÂN XÁC TRONG THƠ NGUYÊN SA

 

 

                     Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt

                     Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư.   (Bây giờ)

Qua hai câu thơ đó Nguyên Sa đã diễn tả tâm trạng của thế hệ ông, thế hệ của những người trai trẻ ở miền Nam thời 1954-75, đã nuôi nhiều kỳ vọng cho tương lai đất nước, nhưng chẳng bao lâu đầy tuyệt vọng trong một quê hương khói lửa.

Khi miền Nam khởi đầu một trang sử mới, Mai Thảo đầy nhiệt huyết hô hào cắt đứt với văn học tiền chiến, với quá khứ để xây dựng một nền văn học mới. Đến năm 1968 lập trường của Mai Thảo vẫn kiên trì khi ông viết trong bài « Nói chuyện với những người viết mới » :

Dòng văn học nghệ thuật tiền chiến khép đóng lại trong một trạng thái cạn dòng, khiến cho tiền chiến và hậu chiến trong lãnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam, là một chặt đứt hoàn toàn, nguyên nhân sâu xa là bởi vì văn học nghệ thuật tiền chiến xem thường cái công tác mở đường, tạo điều kiện cho lớp người đang tới. Tinh thần tiền chiến là cái tinh thần chiếu trên chiếu dưới. Quan niệm người nghệ sĩ như một cá nhân lạc phách xuất chúng như chúng ta thấy ở con người Nguyễn Tuân, thái độ chiếm giữ địa vị độc tôn của những nhà văn Tự-lực Văn-đoàn là phản ánh cho những chủ tâm ngăn chặn có hệ thống và có thủ đoạn sự thành hình của những người đến sau, của những người đi trước. Bây giờ khác. Những người viết trẻ ở miền Nam có đủ tất cả những điều kiện và những cơ hội tốt đẹp đồng đều như nhau để tạo cho mình một chỗ đứng dưới mặt trời.  (1)

Trong lĩnh vực thơ, Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn v.v… quả đã tự tạo cho mình « một chỗ đứng dưới mặt trời ». Thơ tự do, thơ văn xuôi của nhóm Sáng tạo đã đánh dấu một cuộc khởi hành mới. Tâm trạng con người biến đổi với thời cuộc. Không còn những lời yêu đương bay bướm của một Xuân Diệu thời tiền chiến đã từng đưa người đọc vào những say mê mộng tưởng. Thơ miền Nam là tiếng nói thật của ưu tư, của phẫn nộ, của phản kháng. Nguyên Sa nguyền rủa :

cuộc đời chó đẻ

thế kỷ chó đẻ

chiến tranh chó đẻ…  (Nhìn em, nhìn thành phố, nhìn quê hương)

Người đọc không dễ thản nhiên trước lời thịnh nộ đó vì nó biểu hiện một tình cảm chân thật, tự đáy lòng.

Thơ Nguyên Sa đa dạng : thơ tình yêu, thơ chiến tranh, thơ triết lý, siêu hình. Ở hải ngoại thơ ông được in làm bốn tập, và một số bài sáng tác vào cuối đời được in trong cuốn « Cuộc hành trình tên là lục bát ». Biến cố tháng tư năm 1975, tiếp theo là cuộc di tản vĩ đại, đời sống bơ vơ nơi xứ người với tâm trạng lưu đày và sau cùng là bệnh hoạn là những yếu tố đã tác động sâu xa đến tâm lý tác giả khiến cho dòng thơ đã biến đổi. Phần thơ được hình thành ở hải ngoại có cái nét đặc thù của nó, đáng được nghiên cứu. Thơ Nguyên Sa được bàn đến ở đây là thơ sáng tác trước 1975, một đóng góp đáng kể vào nền văn học miền Nam, được trình bày trong tập I và trong phần 2 của tập II.

Đọc thơ theo lối truyền thống là thưởng thức tiết điệu, ý tưởng qua sự phối hợp của hình ảnh và màu sắc. Lối đọc truyền thống chú trọng đến cách gieo vần, ngắt câu, đến nhạc điệu của bài thơ. Tiếng Việt là một ngôn ngữ có thanh điệu cho nên nhạc tính được xem là một trong những chuẩn thẩm mỹ của một bài thơ. Nay chúng ta thử đi vào thế giới thơ của Nguyên Sa bằng một cách đọc mới : cách đọc theo phương pháp phê bình chủ đề (critique thématique), đó là một trong những phương pháp đọc và phê bình của Tây phương. Một chi tiết, một hình tượng chỉ có giá trị ý nghĩa cho việc xác định chủ đề nếu nó được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm, có khi dưới những hình thức khác nhau.

Hiện tượng luận của Merleau-Ponty (1908-1961) đã ảnh hưởng đến phê bình chủ đề ở Pháp và đã cho phép phương pháp này đi sâu vào các văn bản và phát hiện những chiều kích mới của sự sáng tạo văn chương. Merleau-Ponty cho rằng con người vừa là ý thức vừa là thân xác, cả hai không thể phân chia được, và đối với con người, sống là ở trong thế giới như người ta ở một nơi chốn bằng cách phản ánh nơi chốn đó và tự phản ánh mình trong đó, có một tính nhất quán của con người và đời sống con người trong thế giới. Theo hiện tượng luận, ý thức (conscience) luôn luôn là « ý thức về cái gì », « về mình », « về thế giới », và là « ý thức được hiện thân », tức ý thức phiến diện, không có tính tự chủ. Nhờ sự trung gian của thân xác và của ngôn từ, chủ thể được định nghĩa theo lối mở ra của nó đối với thế giới của vật thể và của con người. Ảnh hưởng của một vật thể hay của một phẩm chất có cảm tính trên trí tưởng tượng của một nhà văn phải được hiểu, từ phương diện hiện tượng luận, như sự biểu hiện của một cách tồn tại cá biệt trên thế giới. Merleau-Ponty nhấn mạnh về sự « hiện thân » của chủ thể trong một thể xác biết tri giác, hành động, nói ; đối với Merleau-Ponty, mọi biểu tượng hóa đều ăn sâu vào một tập tính của thân xác. Ý thức được hiện thân bao giờ cũng chỉ có một cách nhìn phiến diện về thế giới, cách nhìn bị giới hạn bởi thân xác và bởi tầm nhìn, vậy ý thức không thể hiểu thế giới trong tổng thể. Do đó vô thức có một vai trò quan trọng và cần thiết. Giải thích theo hiện tượng luận là nói rõ cái ý nghĩa được bao hàm trong hiện tượng. Phê bình chủ đề là « tháo gỡ » văn bản để đi tìm một sự gắn bó chặt chẽ sâu xa của những yếu tố rời rạc. Jean-Pierre Richard, trong cuốn « L’Univers imaginaire de Mallarmé », cho rằng trình tự hiển nhiên trong tác phẩm không phải là trình tự thật.

Tính nhất thể của con người đưa vào sự sáng tạo, vào cuộc phiêu lưu nghệ thuật những gì khác hơn là những ý tưởng có tính cách lý luận, nó đưa vào những nguyên do tồn tại của con người, những sợ hãi và những kỳ vọng sâu xa. Đọc thơ cũng có nghĩa lắng nghe dòng vô thức của tác giả. Việc lắng nghe không cho chúng ta nắm bắt hoàn toàn cái dòng vô thức đó, nhưng ít ra nó cho chúng ta đến gần bản thể để thấy một khía cạnh nào đó của trải nghiệm của con người qua ngôn từ. Sự lắng nghe vô thức có thể làm nổi bật tính nhất quán của nội tâm.

Đọc thơ Nguyên Sa qua lăng kính chủ đề là làm vỡ tung cấu trúc các bài thơ để dò tìm trong bề sâu một trình tự, một cơ cấu của trí tưởng tượng được xây dựng bởi ý thức và vô thức của tác giả. Trong thơ Nguyên Sa thân xác chiếm hàng đầu, được phóng to và trở thành một ám ảnh.

Thân xác là điều kiện của trải nghiệm của con người. Thân xác chỉ định cách tồn tại của tôi ở đời. Trong khi mà theo siêu hình học, chủ thể đối lập với thân xác, tinh thần đối lập với vật chất thì Merleau-Ponty nhìn thấy trong thân xác một hình thức của tinh thần : phải xóa đi cái lằn phân chia giữa thân xác và tinh thần. Thân xác tôi không hề là một mảnh vật chất, một cụm quá trình sinh lý theo thuyết duy linh hay thuyết duy vật, thân xác tôi không hề bị quy về một hệ thống năng lực làm động cơ, quy về một đối tượng cho cái « Tôi tư duy », thân xác tôi chỉ định một tập hợp các ý nghĩa đã từng được sống qua. Merleau-Ponty còn so sánh thân xác với tác phẩm nghệ thuật :

không phải với đồ vật thực tế mà thân xác có thể được so sánh, nhưng đúng hơn với tác phẩm nghệ thuật. Trong một bức họa hay một bản nhạc, ý tưởng không thể được truyền đạt một cách khác hơn là bằng sự phô trương màu sắc và âm thanh []. Một cuốn tiểu thuyết, một bài thơ, một bản nhạc, là những cá thể, nghĩa là những thực thể mà người ta không thể phân biệt cái biểu hiện với cái được biểu hiện, mà ý nghĩa chỉ được đạt đến bởi một tiếp xúc trực tiếp, cái biểu hiện và cái được biểu hiện tỏa rạng ý nghĩa mà không rời khỏi vị trí của chúng trong thời gian và không gian. Chính trong cái nghĩa đó thân xác chúng ta có thể được so sánh với tác phẩm nghệ thuật. Thân xác là cái điểm mấu chốt của những ý nghĩa sống động… (2)

Nói đến mỹ học về thân xác trong thơ Nguyên Sa trước tiên là nêu lên mạng hình tượng (3) được kiến trúc theo mỹ cảm. Hình tượng càng có chất thơ, càng đạt đến mức độ thẩm mỹ cao khi những yếu tố cách xa nhau, lạ lùng đối với nhau được ghép lại để gây nên, một cách bất ngờ, sự hiển nhiên và đồng thời sự ngạc nhiên, chẳng hạn như trong hai câu thơ :

Sài gòn tối đi học một mình

Cột đèn theo gót bóng lung linh.

Thân xác được tạo nên như thế nào và tồn tại trong một thế giới cảm tính ra sao ? Cuối cùng thân xác có ý nghĩa gì trong cái nhân sinh quan của nhà thơ ?

Thân xác qua cái nhìn của Nguyên Sa

Trong thơ, trí tưởng tượng dựa vào cảm giác để sáng tạo những hình tượng mới cho một thế giới ảo. Trong trường hợp của Nguyên Sa, thân xác là trọng tâm của thế giới ảo. Cả một kiến trúc về thân xác được dựng lên : thân xác khi sống, khi yêu, khi phẫn nộ, khi chết, khi biến hóa.

Trong thân xác, gương mặt chiếm địa vị ưu tiên. Ở trần thế, gương mặt mang dấu ấn của lịch sử, của định mệnh :

Vỗ mạn thuyền xô động, với nếp trán phế binh, với đôi mắt dã tràng mệt mỏi, anh đi vào ngôi nhà nguyện tâm hồn. (Bài giã biệt)

Và thơ mở rộng không gian để ảo hóa gương mặt theo chiều kích của vũ trụ. Vừng trán trở nên bao la :

Trán mênh mông va chạm cửa chân trời  (Bây giờ),

Khi đám mây cao dừng trên nếp trán  (Kỳ diệu).

Để thân xác đồng hóa với vũ trụ thì Tóc em anh sẽ gọi là mây, tóc thường gặp gió :

Kể từ gió thổi trong vừng tóc  (Tương tư),

Tóc thổi gió vào giữa hồn lộng nhạc  (Cảm tạ).

Và tóc của người nam là một bầu trời lồng lộng. Còn đôi mắt của người nữ là …hành tinh lóng lánh  (Cần thiết)

Khi lòng sầu héo hắt thì :

Đôi mắt đẹp từng cánh sao tắt lịm  (Đợi khách)

Đôi môi thì đã có trăng :

Trăng ở trên môi và gió ở trong hồn  (Buổi sáng học trò),

Vòng môi nhỏ nuôi trăng trong nhịp thở  (Cảm tạ).

Cầu vồng trong vũ trụ cũng phản ánh trên gương mặt :

Người về đây có phải tự trời xa

Với nét mắt vòng cung của cầu vồng che mưa nắng.  (Đẹp)

Cầu vồng trong trí tưởng tượng của loài người là một hiện tượng vừa đơn giản vừa huyền bí, khó nắm bắt. Trí tưởng tượng về vật chất ngập ngừng khi phải đánh dấu cầu vồng : nước không đủ để làm nó xuất hiện, mặt trời không đủ để làm óng ánh tất cả những màu sắc của nó, và nếu cầu vồng nối liền đất với trời nó không hẳn thuộc về đất mà cũng không hoàn toàn thuộc về trời. Tốt hơn nên bàn về tính hai mặt của nó : hình thức và màu sắc. Tính biểu tượng của cầu vồng thể hiện trong Cựu Ước của Thiên Chúa giáo, đặc biệt hình cung – hình thức của cầu vồng –  được nhắc đến. Thượng đế nói với ông Noé : «… Ta đặt vòng cung trong đám mây và nó sẽ trở thành một dấu hiệu của sự liên kết giữa Ta và trái đất… » (4). Trong huyền thoại Hy lạp, trong các tín ngưỡng của các dân tộc Pô li nê di, In đô nê xi a, Nhật bản, cầu vồng được quan niệm như một gạch nối, một chiếc cầu giữa đất và trời, giữa loài người và thần thánh. Vậy hình thức của cầu vồng tương ứng với trí tưởng tượng có tính chất tôn giáo. Cầu vồng là một biểu tượng của sự đi qua, của sự chuyển tiếp. Những màu sắc của cầu vồng mở ra cho trí tưởng tượng những cánh cửa của thế giới huyền ảo.

Ở Nguyên Sa cầu vồng có cả hình thức lẫn màu sắc :

Sài gòn cười đôi môi rất tròn

Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong

Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng

Hay đã đưa dần sang nhớ mong. (Tám phố Sài gòn)

Cầu vồng là lối đi qua của tình yêu giữa mưa và nắng, tức giữa hai thế giới xa cách nhau, thế giới của người nam và người nữ. Cầu vồng cũng là dấu hiệu của sự vui thích, là một giải thoát khỏi thực tế để đi vào trò chơi kỳ ảo, cho nên màu sắc của cầu vồng là màu sắc của hân hoan, của hứa hẹn, được dùng làm màu áo của người nữ :

Để ngày mai giữa mùa xuân lã lướt

Tôi sẽ hái

Giữa đám mây ngũ sắc của cầu vồng

Lấy một mầu cho em dệt áo.   (Nước ngọt)

Ngoài hiện tượng cầu vồng, trong vũ trụ cũng diễn ra một trò chơi cút bắt:

Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng. Em là trăng, tôi sẽ là mây. Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi. (Gọi em)

Sau gương mặt là đôi vai, biểu tượng của thân phận con người, vì đôi vai phải gánh nặng :

Tiếng hát buồn đè xuống nặng đôi vai (Bây giờ)

Đôi vai phải cam chịu những nỗi thống khổ :

Những thằng ăn không nói có,

Đã chém tổ quốc nát bằm hai vai  (Đám tang Nguyễn Duy Diễn).

Bàn tay có nhiều chức năng. Có bàn tay phẫn nộ ném đá để đập tan mọi thứ tệ đoan và tự trừng phạt chính mình (Ném đá), có bàn tay cắt tóc để trút bỏ những tàn khốc của chiến tranh, những xấu xa của cuộc đời (Cắt tóc ăn Tết), lại có bàn tay bôi xóa hận thù chiến tranh bằng cách ném xuống vực thẳm và lãng quên những khí giới, những ngôi nhà bốc cháy (Vết sẹo). Bàn tay là nguồn tình cảm, yêu thương hay thù ghét đều được thể hiện qua bàn tay. Bàn tay hứa hẹn tình yêu :

Mỗi ngón tay em

Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên.  (Có phải em về đêm nay)

Và khi tình yêu đã đến :

Người ta làm thế nào cắt được

Bốn bàn tay chim khuyên.  (Nga)

Nỗi xúc động cũng được bàn tay diễn đạt :

Bước chân gần lại,

Bàn tay mừng tủi. (Tự do)

Tình yêu thiếu vắng biến năm ngón tay thành năm cành cây, năm nòng súng lạnh, và khi người không biết thương người thì :

chỉ nhìn nhau xa cách như hành tinh

Để những bàn tay lạnh tê bên hè phố. (Tôi sẽ bỏ đi rất xa)

Nơi người nữ, phần thân xác còn lại lẩn khuất trong tà áo. Trong thơ Nguyên Sa tà áo luôn được ca ngợi : tà áo lụa Hà đông, tà áo nữ sinh trong sân trường, ngày thứ bảy trong thành phố Sài gòn có  Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ, và có cái nhìn say mê quanh quẩn trên tà áo huyền thoại đó :

Cánh tay tà áo sát vòng eo

Có nghe đôi mắt vòng quanh áo. (Tám phố Sài gòn)

Tà áo cũng được đồng hóa với thiên nhiên, với sương mù :

Anh về giữa một giòng sông trắng,

Là áo sương mù hay áo em ?  (Paris có gì lạ không em ?)

Tà áo che kín thân xác để kích thích trí tưởng tượng, để mầu nhiệm hóa thân xác người nữ.

Thân xác có nhiều cách để tỏ bày tình yêu :

Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai

Hãy để môi rót rượu vào môi

Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn . (Tháng sáu trời mưa)

Anh sẽ trở lại bên em – mà cúi đầu mà quỳ gối – mà nghe rụng trong lòng ánh sáng hành tinh. (Sám hối)

Thân xác cần hơi thở để sống :

Hãy thở gấp cho anh nhiều hơi thở  (Người em sáng trong cô độc),

Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu  (Tháng sáu trời mưa),

và hơi thở chỉ tồn tại trong thiên nhiên. Cho nên thân xác hòa mình với thiên nhiên :

Khi em đến nằm ngoan trên đồi cỏ

Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ

Có xôn xao là núi lớn xôn xao. (Kỳ diệu)

và được thiên nhiên tôn vinh :

anh thấy những hành tinh

đứng nhìn mắt em

những thảo mộc thơm ngát

đứng nhìn tóc em

những loài thú

run rẩy

những loài thú

lông mượt và dịu hiền

đứng nhìn thân thể em

 rồi cám ơn anh

đã làm vinh quang cho vũ trụ. (Nhìn em, nhìn quê hương …)

Khi phải đo sức với khí giới giết người thì thân xác bị rã rời, phân tán :

Thấy tay dư thấy chân thừa

Thấy tai nghễnh ngãng mắt mù óc không.  (Sân bắn)

Cuối cùng thân xác chết vẫn còn tiếng nói :

Mái tóc anh nói với anh hãy quên mây

Đôi mắt anh nói với anh hãy quên trời tinh tú

……………………………………………..

Thân thể nói với anh hãy quên xác thịt buồn . (Cầu siêu cho Nguyễn Quan Đại chết ở Khe Sanh)

Thân xác và thế giới cảm tính

Thân xác nổi bật trong mạng hình tượng, và quy tụ những cảm giác và tri giác mâu thuẫn nhau : mềm cứng, nặng nhẹ, đóng mở, trên dưới, trong ngoài.

Qua xúc giác, thân xác biết được đặc tính mềm cứng của mọi vật. Mềm gợi lên cảm giác êm dịu, dễ chịu và gây sự thích thú như mái tóc hay những vuốt ve của người yêu :

Có nghe hơi thở cài vương miện

 Lên tóc đen mềm nhung rất nhung,  (Tám phố Sài gòn)

Người tình ở Vũng Tàu nói với anh hãy quên những vuốt ve mềm. (Cầu siêu cho Nguyễn Quan Đại chết ở Khe Sanh)

Mềm còn được cảm thụ qua thính giác và thị giác :

đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên

 còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc. (Paris)

Đặc tính cứng thể hiện qua kim loại, và kim loại là biểu tượng của sự tàn bạo :

Hay ở quanh tôi những đồn phòng ngự

Đã biến tôi thành một gã lính canh thô bạo

Đi giầy đinh dẫm nát tâm hồn. (Hai mươi)

Muốn khỏi chứng kiến những thảm họa của chiến tranh thì đã có cái cưa, con dao, cái dùi để cắt xén thân xác (Dặn vợ chưa cưới). Ở đây sự tàn bạo đối với một thân xác bất lực đáp lại sự tàn bạo của chiến tranh. Kim loại gây khổ nạn cho con người, ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo rất rõ :

Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai

Thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi. (Lúc chết)

Nước mắt em ơi, đã đóng đinh vào lòng bàn tay anh và linh hồn dớm máu…  (Sám hối)

Chẳng những cảm giác cứng gợi lên sự tàn bạo, nỗi thống khổ mà nó còn báo hiệu việc chẳng lành như sự chia ly:

Rồi cả người

cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ

nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly

của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi

những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau

với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh

như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn. (Paris)

Đặc tính cứng của kim loại, dưới hình thức dây thép gai, là biểu tượng của sự thù ghét :

Dây thép gai đã buộc vào mắt anh gió lốc  (Tình yêu đàn ông ba mươi tuổi)

Đôi mắt nhìn không vướng một sợi dây thép gai  (Tự do)

Bên cạnh mềm cứng có nặng nhẹ. Cảm giác nặng là một cảm giác không thuận lợi cho thân xác và được gắn liền với thời gian :

Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng (Áo lụa Hà đông)

Đã lâu rồi vết thời gian chĩu nặng  (Đợi khách)

hay gắn liền với nỗi buồn :

Những chiều mưa mây xám nặng trên vai  (Paris),

Anh chợt đau vầng trán nặng đêm khuya  (Lúc chết)

Nặng cũng là đặc tính của những khí giới giết người : những khẩu súng là những  thỏi sắt nặng. Nhưng có khi cảm giác nặng thể hiện sự ham muốn yêu đương :

Trái thơm ngon nặng chĩu trên môi  (Kỳ diệu)

Sống là nặng và chết là nhẹ. Khi nói về người đã chết :

Này nhìn hai vai nó nhẹ  (Đám tang Nguyễn Duy Diễn)

và khi tưởng tượng mình chết :

Ngón buông xuôi cho nhẹ bớt hình hài  (Lúc chết)

Cảm giác nhẹ thường gợi lên hơi thở, và trong vũ trụ hơi thở tác động đến sương mù, đến mây :

Lúc sương mù ai thở để sương tan

Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc  (Cần thiết)

Nhẹ nhàng chỉ định cái thoảng qua, cái thì thầm của nỗi niềm :

Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ  (Paris, có gì lạ không em ?)

Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ :

Tôi đưa người hay tôi đưa tôi ?  (Tiễn biệt)

Ngoài những cảm giác mềm cứng, nặng nhẹ, còn có những tri giác về không gian : đóng mở, trên dưới, trong ngoài nảy sinh từ ý niệm rằng kiếp người là một nhà tù, và con người là một người tử tù :

Có trăng, hoa, chim bướm thì tôi làm thơ

 Nhưng vẫn không quên

 Chỉ là hiện thân của một người tử tù

 Có gục đầu nhìn cuộc đời

 Cũng chỉ như nhìn khung cửa nhà giam.  (Di chúc)

Nhà tù là một không gian của tối tăm :

Nỗi niềm của một kiếp người đã nhiều tháng ngày ngồi trong ngõ tối. (Sám hối)

Những xiềng xích quấn lấy thân ta

Trong bóng đêm của tâm hồn nổi loạn  (Hịch)

Tình cảm là động cơ của đóng mở. Đóng là cử chỉ chối từ tình thương :

Bàn tay đóng cửa những bàn tay  (Nước ngọt)

Sự thù nghịch có thể dựng lên những ngăn chặn, những đóng kín :

Nhưng tôi phải khóc

Khi những mắt người

Đan thành những lần phên mắt cáo  (Nước ngọt)

Ngược lại, mở là thái độ hiến dâng và đón nhận tình thương :

Cho đến bao giờ cả lòng người cũng yêu đương mà mở toang cửa (Tâm sự)

Những nụ cười có sức đắm say mở rộng chân trời và nguồn sống vô biên.  (Đêm mưa)

Trên dưới và trong ngoài xác định vị trí của người tù :

Ngửa mặt lên cao, trời xanh biêng biếc

Làm sao em không ngó xuống linh hồn. (Mùa xuân buồn lắm em ơi)

Trong bài « Chim », người ở dưới đất đặt câu hỏi với chim bay trên trời. Đó là những câu hỏi của một người mù, điếc, một người bị cô lập trong sự tù đày, trong đêm tối, phải nhờ chim bay tự do trên không trung nhìn dùm cuộc đời. Và khi chết nằm dưới mộ :

Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh       

Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời. (Lúc chết)

Nhưng cuối cùng cái chết được xem như một giải thoát khỏi nhà tù, tức từ trong ra ngoài. Trong bài « Đám tang Nguyễn Duy Diễn », có tiếng hò reo :

Chiếc lưới đã mở rồi

Thế là nó thoát anh  em ơi !

Trong ngoài cũng thể hiện sự xa cách của tình yêu :

Khi bàn tay vẫn ở ngoài tầm bàn tay, đôi mắt ngoài tầm đôi mắt, đôi môi ngoài tầm đôi môi  (Ngoài tầm)

Đóng mở, trên dưới, trong ngoài nói lên cái cảm giác chật hẹp, tù túng khi thân xác bị cầm tù bên trong, bên dưới, và nỗi khát khao thoát ra ngoài không gian vô tận. Thân xác được ảo hóa trong không gian, và không gian làm nảy sinh khái niệm đo lường :

Đo đếm thời gian

Bằng những điếu thuốc lá tắt trong đêm  (Có phải em về đêm nay)

Rồi tôi đo hoang vắng của hồn tôi

Bằng những đêm rất rộng  (Hai mươi)

Còn lo âu làm sao đếm

Còn thống khổ làm sao đo  (Hỏi thăm Sài gòn)

Thân xác và lửa

Nguyên Sa có những bài thơ về nước dưới hai hình thức : mưa và giòng sông. Mưa được gợi lên khi tác giả nói về tình yêu. Mưa là cái cớ để tỏ tình trong « Tháng sáu trời mưa », trong « Đêm mưa », mưa gắn liền với nước mắt để diễn tả nỗi buồn của hai kẻ yêu nhau (Nga). Còn giòng sông có giá trị biểu tượng, biểu tượng của thời gian trôi qua (Hãy đưa tôi ra bờ sông), của miền Nam (Bài hát Cửu long), nhưng biểu tượng độc đáo nhất là nước ngọt, nước ngọt là tình thương (Nước ngọt). Nói chung, hình tượng nước trong thơ Nguyên Sa có tính cách ước lệ, không thể hiện được bề sâu của trí tưởng tượng.

Ngược lại, lửa không đi vào thơ Nguyên Sa một cách rầm rộ như nước, nhưng nó xuất hiện mạnh mẽ đây đó, trong nhiều bài thơ, có khi một cách bất ngờ, và nó là một dấu hiệu đáng chú ý. Lửa bừng lên chẳng hạn trong những câu thơ sau đây :

Em chói sáng trong tình anh cô độc

Cả cuộc đời mộng ảo nhớn bừng lên

Gót kiều thơm chuyển bước : bút thần run

Chờ em đến tuổi trời anh đốt lửa  (Người em sáng trong cô độc)

Có lửa trong điếu thuốc, trong củi đốt cháy, trong bó đuốc, trong ngọn nến trên quan tài, trên cột đèn, trên ngọn hải đăng, có lửa của núi lửa, của hành tinh, của mặt trời và có lửa của đam mê.

Nhà triết học Gaston Bachelard, người chuyên về khoa học luận và chuyên về trí tưởng tượng, đã dùng bốn nguyên tố trong vũ trụ, lửa, nước, đất và không khí, để làm nền tảng cho tư duy của ông về trí tưởng tượng vật chất trong thơ. Theo ông, năng lực của trí tưởng tượng là do những trực giác của chúng ta đối với vật chất. Mỗi trí tưởng tượng cá biệt được đặt dưới dấu hiệu của một nguyên tố. Nguyên tố định hình dòng mơ mộng của trí tưởng tượng. Do đó có thể tìm thấy tính khí thơ của một tác giả bằng cách phân tích hình tượng trong thi phẩm.

Cũng như Bachelard, Gilbert Durand (5) phân biệt hai chiều hướng trong thuyết biểu tượng của lửa, tùy theo lửa phát ra bởi sự va đập hay sự cọ xát. Trong trường hợp va đập, lửa có những nét giống như tia chớp hay mũi tên và nó có một giá trị thanh lọc và chiếu sáng, nó là sự nối dài của ánh sáng. Đó là lửa thần hóa, lửa thăng hoa, nó đối lập với lửa của dục tình phát ra bởi sự cọ xát. Trong thơ Nguyên Sa, lửa có hai bộ mặt : lửa tiêu cực và lửa tích cực. Lửa tiêu cực là lửa thiêu đốt, hủy diệt :

Em sợ thời gian ác như lửa thiêu từng thanh củi. (Nga)

Là lửa tàn phá của chiến tranh, gieo chết chóc :

Bốn phía trời đốt cháy lung tung…  (Chỗ nằm của ta),

những đêm đốt hỏa châu giữa thành phố, trong quê hương, trên thân thể, trên những mắt xót đau.  (Hỏa châu và huyền thoại),

Hầm bia buồn đến mộ sâu

Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay. (Sân bắn),

Và là lửa của tình yêu tàn tạ :

Hởi người yêu có bàn tay anh buông ra như tàn thuốc lá.  (Tình yêu đàn ông ba mươi tuổi).

Đối diện với lửa tiêu cực có lửa tích cực. Trước hết có lửa vui :

Với trí tưởng hồng như lửa mới  (Lời dặn bản thân),

Để mớ tóc màu củi chưa đun

Màu gỗ chưa ai ghép làm thuyền

Lùa vào nhau nhóm lửa. (Tôi sẽ sang thăm em),

Lửa tích cực có tác dụng thanh lọc :

Lịch sử đã dạy anh sự đổi thay. Chiến tranh cho ý thức ngọn lửa sáng ngời để hỏa thiêu những cuộc hóa trang tình cảm. (Bài giã biệt).

Lửa đem lại ánh sáng cho những kẻ yêu nhau :

Và nếu đến một ngày không còn ai dám hò hẹn trên bờ sông tôi sẽ về đốt đuốc đứng bên bờ Ngân hà để Chức nữ Ngưu lang nhìn rõ mắt nhau qua đôi bờ sông tình tự. (Đêm mưa)

Lửa thắp sáng được gắn liền với thơ :

Giữa râu gai thơ sáng vẫn đâm chồi  (Tình yêu đàn ông ba mươi tuổi)

Anh nghe em bước vào thơ sáng lạn  (Kỳ diệu)

Và thơ thăng hoa trong lửa:

Đốt lửa bằng thơ

Tôi ca, tôi hát (Di chúc).

Giữa thân xác và lửa có một quan hệ mật thiết. Lửa bừng lên trên gương mặt :

Có lửa cháy trong mắt buồn da diết (Người em sáng trong cô độc)

Tôi chợt thấy lửa đau trong đáy mắt (Định mệnh chân dài)

Nhưng dù má bừng trong lửa cháy…(Bài hát Cửu long)

Trong câu :  Hãy rộng mở bốn cửa thành Đông Tây Nam Bắc để thơ ta ùa vào từ bốn phía chân trời và thân thể ta ùa vào theo lối mặt trời đi (Hịch), mặt trời là lửa, lửa cuốn hút thân xác.

Đỉnh cao của lửa là hình tượng núi lửa. Lửa trong núi lửa là thứ lửa phun lên, trào ra ồ ạt từ miệng núi, trong bài “Lời dặn bản thân” câu : Cơn bão lửa sẽ nổi lên, sẽ nổi lên làm sao ta dập tắt nhắc nhở hình tượng núi lửa trong hai bài “Bài giã biệt” và “Đêm mưa” :  Cuộc đời đã dạy anh ảo vọng có kích thước của hỏa diệm sơnTôi sẽ bị lưu đày nằm gối đầu trên hỏa diệm sơn để sức lửa thời gian nấu thân thể tôi thành một loài từ thạch, từ thạch là khoáng chất biểu tượng sự thu hút của vũ trụ, của huyền bí.

Thân xác nằm trên núi lửa là dấu hiệu của cái mà Bachelard, trong cuốn “Phân tâm học về lửa” (6), gọi là phức cảm Empédocle (le complexe d’Empédocle). Empédocle là một triết gia Hy lạp (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) đã xây dựng một lý thuyết về nguồn gốc vũ trụ căn cứ trên bốn nguyên tố, quan hệ giữa bốn nguyên tố đó bị tình yêu (Eros) và sự căm ghét (Polemos) chi phối. Theo truyền thuyết, Empédocle nhảy xuống núi lửa Etna, để lại đôi dép bên bờ miệng núi.

Để hiểu những sắc thái của trí tưởng tượng, Bachelard phân biệt bốn phức cảm về lửa : phức cảm Prométhée, phức cảm Empédocle, phức cảm Novalis và phức cảm Hoffman. Prométhée là một nhân vật của huyền thoại Hy lạp, Prométhée đã trộm lửa trên trời để trao cho loài người. Novalis là một nhà thơ, nhà văn Đức thuộc trường phái lãng mạn đã mơ mộng về sự ấm áp được chia sẻ. Và Hoffmann là nhà văn Đức cần có rượu để sáng tác, rượu của Hoffmann là thứ rượu bừng cháy.

Ở đây cần phân biệt phức cảm do Bachelard quan niệm và phức cảm mà Freud nghiên cứu. Trong cái tựa đề “Phân tâm học về lửa”, cái tên “phân tâm học” được mượn của Freud. Phân tâm học của Bachelard không nghiên cứu sự vận hành của vô thức, mà chỉ diễn tả tư duy hồn nhiên, không chú trọng đến những giấc mộng ban đêm tiết lộ sự dồn nén, mà chú trọng đến sự mơ mộng ban ngày của con người suy tư, “cái hoạt động mơ mộng trong đó còn một tia sáng của ý thức” (7). Chính trong sự mơ mộng, Bachelard thám hiểm mạng hình tượng chứ không thám hiểm vô thức. Bachelard đổi hướng khái niệm phức cảm của Freud. Trong khi mà Freud cho rằng những phức cảm là những cách cư xử vô thức tồn tại một cách phổ quát, thì Bachelard dùng khái niệm phức cảm để chỉ định những mạng hình tượng gắn liền với cùng một mẫu mơ mộng, với cùng một phạm trù người mơ mộng.

Theo tác giả cuốn “Phân tâm học về lửa”, phức cảm Prométhée quy tụ “tất cả những khuynh hướng thúc đẩy tri thức của chúng ta”, phức cảm Novalis tổng hợp “sự thôi thúc đến với lửa được bật lên bởi sự cọ xát, bởi nhu cầu một sức nóng được chia sẻ “, phức cảm Hoffman nhờ rượu mở ra những con đường hư ảo. Riêng phức cảm Empédocle là phức cảm “trong đó tình yêu lửa và sự tôn trọng lửa, bản  năng sống và bản năng chết được kết hợp”, phức cảm Empédocle là biểu tượng của thay đổi, của đổi mới.

Bachelard cho rằng để hiểu trí tưởng tượng của một nhà thơ, cần tìm phức cảm nào đã được những biến hóa trong thơ tiết lộ. Một tác phẩm thơ chỉ có tính nhất quán trong một phức cảm. Nếu thiếu phức cảm, tác phẩm sẽ bị xa lìa nguồn cội của nó, nó không còn liên hệ với vô thức, nó có vẻ lạnh lùng, giả tạo. Trái lại một tác phẩm cho dù chưa được hoàn thành vẫn có một tính nhất quán nếu nó được lồng vào một phức cảm.

Empédocle chọn một cái chết làm cho ông tan trong lửa tinh khiết của núi lửa. Bachelard viết : “Cái chết trong lửa là cái chết ít cô đơn nhất trong những cái chết. Đó là thật sự một cái chết trong đó cả một vũ trụ tiêu tan với nhà tư tưởng”.

Tác phẩm thơ có chức năng vừa sáng tạo vừa tiết lộ cái tôi, cái tôi ở đây không phải là cá thể lịch sử, tức tác giả, mà là bản thể tồn tại trong vũ trụ. Nếu dựa vào tư duy của Bachelard thì phức cảm Empédocle, gồm có bản năng sống và bản năng chết, làm nên tính nhất quán của thơ Nguyên Sa và đưa đến một gợi ý rằng cái chết trong núi lửa là một cái chết để thanh lọc, để tái sinh và đổi mới, điều này phù hợp với quan niệm về cái chết của Thiên Chúa giáo theo đó sau cái chết con người sẽ được sống lại.

Nghệ thuật ngôn từ của Nguyên Sa đã tạo nên một mạng hình tượng đầy gợi cảm về thân xác. Tình yêu, chiến tranh, thân phận con người, từ thế giới thực được đẩy vào thế giới ảo. Thân xác là bản thể bị lửa của thời gian, của cái chết, của sự tái sinh thu hút. Thân xác chối từ khuôn khổ chật hẹp của thân phận tù đày để thoát ra ngoài không gian của vũ trụ, cái hữu hạn đi tìm cái vô tận, cái tuyệt đối.

 

Bài đăng lần đầu trên tạp chí Hợp Lưu, Hoa Kỳ, năm 2005.

Đọc lại, sửa và bổ túc năm 2019.

 

Chú thích :

(1)     Nguyệt san Văn Uyển, số 3, tháng 7-1968.

(2)     Merleau-Ponty Maurice, Phénoménologie de la perception, Paris, Gallimard, 1945, tr. 176-177.

(3)     Trong tiếng Pháp có hai từ « imagination » và « imaginaire » ;  « imagination » là trí tưởng tượng, « imaginaire » là cái được tưởng tượng, ở đây tôi gọi là mạng hình tượng, mạng hình tượng là những hình tượng do trí tưởng tượng của một tác giả tạo ra.

(4)     La Bible de Jérusalem, Le Cerf, Paris, 1973, tr. 25.

(5)     Durand Gilbert, Les Structures anthropologiques de l’imaginaire, Dunod, 1992.

(6)     Bachelard Gaston, La Psychanalyse du feu, Gallimard, 1949.

(7)     Bachelard Gaston, La Poétique de la rêverie, PUF, 1960.

THỜI KHAI SÁNG Ở PHÁP

 

Thời Khai Sáng, tiếng Đức : Aufklärung, tiếng Pháp : Le siècle des Lumières, tiếng Anh : Age of Enlightenment, là thời đại trải dài phần lớn trên thế kỷ 18, từ 1715, năm vua Louis 14 qua đời ở Pháp, đến 1789 là năm đánh dấu Cách Mạng Pháp. Thời Khai Sáng hay trào lưu Khai Sáng xảy ra ở Âu châu, đặc biệt ở Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha, nhưng ảnh hưởng của trào lưu lan rộng khắp nơi.

Riêng ở Pháp, thời Khai Sáng là thời của tự do, thời của tiến bộ được các thiên tài như Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau thể hiện. Thời Khai Sáng liên quan đến lịch sử tư tưởng hơn là lịch sử văn học.

Trong động từ khai sáng, ánh sáng là một ẩn dụ được dùng để chỉ tri thức và hoạt động của tinh thần. Ẩn dụ này không xuất hiện vào thế kỷ 18, thế kỷ của thời Khai Sáng ở Âu châu, mà nó có từ thời cổ đại. Chẳng hạn huyền thoại cái động mà nhà triết học Plato nói đến để nhấn mạnh về sự đối lập giữa ánh sáng chói loà của tư tưởng, của chân lý và những cái bóng in lên vách của cái động, những cái bóng là ảo ảnh của hiện thực đối với con người.

Ở Âu châu vào thế kỷ 18, từ ánh sáng chỉ định óc thông minh, lý trí, những khả năng của trí tuệ tự nhiên, và kiến thức thu được nhờ những khả năng đó.

Năm 1784, để trả lời câu hỏi tiếng Đức : Was ist Aufklärung ? (Aufklärung do động từ Aufklären có nghĩa là soi sáng) (Khai Sáng là gì ?), nhà triết học Đức Immanuel Kant đưa ra một định nghĩa :

Khai Sáng là gì ? Là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người gây ra. Tình trạng vị thành niên, chính là sự bất lực không thể vận dụng trí tuệ của mình mà không nhờ sự chỉ đạo của một người khác (…) « Sapere aude (1) ». Hãy can đảm vận dụng trí tuệ của ngươi : đó là câu phương châm của thời Khai Sáng.

Ngoài cái nghĩa ánh sáng, Aufklärung bao hàm ý nghĩa đạt đến ánh sáng, tức quá trình theo đó ánh sáng thu được và lan ra. Aufklärer không những là người đươc soi sáng, mà còn là người đến lượt mình soi sáng những kẻ khác. Cho nên thời Khai Sáng được quan niệm như một quá trình năng động chứ không phải là một giai đoạn đơn giản hay một trào lưu trong số các trào lưu của lịch sử tư tưởng.

Cái lợi của ẩn dụ ánh sáng là nó chống lại sự tối tăm là ẩn dụ của dốt nát vô học. Lý tính, tinh thần phê phán là mặt trời, là ngọn hải đăng hướng dẫn nhân loại đến sự tiến bộ, đến một tương lai rực rỡ, trong khi đó những thành kiến, những thiên kiến, trí tưởng tượng và tín ngưỡng mù quáng giữ nhân loại trong tình trạng ngu muội của bóng tối.

I  Lịch sử của Thời Khai Sáng

Thời Khai Sáng gồm 4 giai đoạn :

1/ Quá trình hình thành của trào lưu Khai Sáng, từ 1680 đến 1715. Ở giai đoạn hình thành này, Âu châu trải qua những biến động quan trọng mà Paul Hazard gọi là Cuộc khủng hoảng của tâm thức Âu châu (La crise de la conscience européenne).

Ở Pháp, sau thời cai trị vững vàng của vua Louis 14, thì chế độ quân chủ chuyên chế mở đầu một thời kỳ chông chênh : chiến tranh, chế độ thuế khóa cổ lỗ, việc chống đạo Tin Lành bằng cách hủy bỏ Chỉ dụ Nantes 1685 mà xưa kia vua Henri 4 đã ban cho giới Tin Lành, nhìn nhận họ có một địa vị hợp pháp. Những sự kiện này gây nên sự chống đối. Phần lớn các nhà trí thức chống chế độ chính trị Pháp di tản sang các nước có văn hóa Tin Lành như nước Anh, nước Hà Lan. Cuộc cách mạng vẻ vang ở Anh đặt lại vấn đề những nguyên tắc của chế độ quân chủ tuyệt đối.

2/ Thời kỳ chinh phục của trào lưu Khai Sáng, từ 1715 đến 1750. Trong thời kỳ này tác phẩm Lettres persanes (Những lá thư của người Ba Tư), 1721, của nhà triết học Montesquieu là tác phẩm đầu tiên, lớn nhất của thời Khai Sáng, rồi đến tác phẩm thứ hai của ông : L’Esprit des lois (Tinh thần pháp luật), 1748. Nhà triết học Voltaire thì cho ra đời Lettres philosophiques (Những lá thư triết học), 1734. Tinh thần chỉ trích không bỏ qua một lĩnh vực nào.

3/ Thời kỳ thắng lợi vẻ vang của trào lưu Khai Sáng trong các lĩnh vực chính trị và văn hóa, từ 1750 đến 1780. Bộ Tự điển Bách Khoa Toàn Thư hay tự điển có giải thích về khoa học, nghệ thuật và nghề nghiệp (Encyclopédie ou dictionnaire raisonné des sciences, des arts et des métiers) do Denis Diderot và Jean d’Alembert biên soạn, gồm 28 cuốn, ra mắt độc giả kể từ năm 1751. Bộ Tự điển Bách Khoa Toàn Thư chẳng những trình bày toàn bộ tri thức của con người vào thời đó mà còn là đỉnh điểm của thời Khai Sáng do chiều kích đồ sộ, do sự hợp tác của các nhà triết học nổi tiếng : Voltaire, Rousseau, Diderot, d’Alembert, và do sự chỉ trích dữ dội những kiến thức mà giáo hội Công Giáo và Nhà Nước Pháp truyền đạt.

4/ Thời kỳ kết thúc của trào lưu Khai Sáng, từ 1780 đến 1804, với cái chết dần dần của các nhà triết học Khai Sáng. Nỗi bất bình của dân chúng ngày càng lớn mạnh, và cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ ngày 14-7-1789.

II  Các nhà triết học và bộ Tự điển Bách Khoa Toàn Thư

Thời Khai Sáng là thời của triết học Tây phương, của lý tính. Thời Khai Sáng được báo trước bởi các nhà triết học như : Pierre Bayle, René Descartes, Bernard Le Bovier de Fontenelle (Pháp), John Locke (Anh), Wilhelm Gottfried Leibniz (Đức).

Tiếp theo là các nhà triết học của thời Khai Sáng :

Jean d’Alembert (1717-1783) : nhà triết học và toán học Pháp, người đã cùng Diderot biên soạn Tự điển Bách Khoa Toàn Thư và đã viết Bài diễn văn mở đầu bộ Tự điển.

Etienne Bonnot de Condillac (1715-1780) : nhà triết học Pháp, được xem như người khởi xướng thuyết duy cảm, tác giả cuốn : Essai sur l’origine des connaissances humaines (Biên khảo về nguồn gốc tri thức của con người).

Condorcet (1743-1794) : nhà triết học Pháp, cộng tác viên của bộ Tự điển Bách Khoa Toàn Thư. Ông tham gia vào cuộc Cách Mạng Pháp, bị án tử hình dưới thời Khủng bố của Cách Mạng, ông tự tử trước khi lên máy chém. Trong tù ông viết : Esquisse d’un tableau historique des progrès de l’esprit humain (Phác thảo về lịch sử tiến bộ của trí tuệ con người). Đây là tác phẩm quan trọng cuối cùng của thời Khai Sáng.

Denis Diderot (1713-1784) : nhà văn và nhà triết học Pháp, đồng biên soạn với d’Alembert bộ Tự điển Bách Khoa Toàn Thư. Trong hai cuốn Le rêve d’AlembertSupplément au voyage de Bougainville, Diderot đưa ra những đối thoại tra vấn đạo đức của Tây phương. Trong cuốn tiểu thuyết Jacques le fataliste, Diderot kết hợp tư duy về tự do con người với những nhận xét về sáng tạo văn chương.

Helvétius và Holbach là hai nhà triết học Pháp đã cộng tác với Tự điển Bách khoa toàn thư.

David Hume (1711-1776) : nhà triết học Anh, theo chủ nghĩa kinh nghiệm.

Immanuel Kant (1724-1804) : nhà triết học Đức, tác giả của định nghĩa nổi tiếng  về Khai Sáng. Bài tiểu luận Khai Sáng là gì ? của Kant ra 5 năm trước cuộc Cách Mạng Pháp, vào thời kỳ có thể được xem là thời kỳ tuyệt đỉnh của Aufklärung.

Montesquieu (1689-1755) : nhà triết học và nhà văn Pháp. Trong cuốn L’Esprit des lois, ông trình bày những quan niệm tự do của mình. Ông mong muốn sự quân bình trong tổ chức chính trị và đặc biệt ca ngợi sự phân quyền. Lettres persanes là một tiểu thuyết theo thể văn thư tín được xem là tác phẩm lớn đầu tiên của thời Khai Sáng Pháp, như đã nói trên.

Jean Jacques Rousseau (1712-1778) : nhà triết học và nhà văn Pháp. Con của một người thợ sửa đồng hồ, Rousseau từ giã Genève để qua sống ở Paris (1742). Tác phẩm của ông vừa có tính chính trị như cuốn Le contrat social (Khế ước xã hội) vừa có tính triết học như cuốn Discours sur l’origine de l’inégalité (Bàn luận về nguồn gốc của sự bất bình đẳng). Là nhà văn, Rousseau là tác giả cuốn tiểu thuyết La Nouvelle Héloïse (Nàng Héloïse mới). Với cuốn Confessions (Tự bạch) Rousseau đã tạo nên một thể văn hiện đại : thể văn tự truyện.

Voltaire (1694-1778) : nhà triết học và nhà văn Pháp. Là một tác giả lớn của thế kỷ 18, Voltaire trổ tài năng của mình trong nhiều thể loại. Là người bênh vực cho sự khoan dung, ông dùng văn chương như một khí giới cho sự tranh đấu của mình. Voltaire cho các thể loại : bi kịch (Mahomet), thơ (Discours sur l’homme), tiểu thuyết (Zadig, Candide) một màu sắc triết lý. Voltaire cũng là tác giả của những chuyên luận gây bút chiến như Traité sur la tolérance (Chuyên luận về khoan dung), và những biên khảo lịch sử như Essai sur les mœurs (Biên khảo về phong tục). Cuốn Dictionnaire philosophique (Từ điển triết học) là một tóm tắt hùng hồn tư duy của Voltaire.

Vào thời Khai Sáng, người ta nói nhiều đến các nhà triết học, nhưng phải cần nói rõ : nhà triết học không có cái nghĩa của thời nay. Nhà triết học của thời Khai Sáng đúng hơn là một người dùng ngòi bút của mình để bênh vực những tư tưởng táo bạo, một nhà văn nghi kỵ, không thừa nhận những cái đã được quy định và từ chối những thành kiến, là một tinh thần phổ cập ham thích khoa học và văn chương. Tóm lại,  nhà triết học của thời Khai Sáng là người có một chức năng xã hội và một sứ mệnh tri thức. Diderot viết : Phải xem xét tất cả, phải làm lung lay tất cả, không có ngoại lệ và không có dè dặt ý tứ gì cả.

III  Tinh thần Bách Khoa

Thời Khai Sáng là thời của tin tưởng vào tri thức phổ cập. Kể từ nay tinh thần uyên bác được đề cao. Khi dùng lại những lý tưởng nhân bản của thời Phục Hưng, các nhà triết học Khai Sáng ao ước hiểu biết và giải thích vũ trụ nhờ một công trình quan sát và phân tích tỉ mỉ. Diderot tuyên bố : Mục đích của một Tự điển Bách Khoa Toàn Thư là tập hợp những kiến thức rải rác trên trái đất ; trình bày hệ thống tổng quát của những kiến thức đó cho những con người cùng sống với chúng ta và truyền lại cho những con người đến sau chúng ta.

Tự điển Bách Khoa Toàn Thư biểu hiện cho sự đóng góp của các nhà triết học, là đỉnh điểm của thời Khai Sáng như đã nói, phải 21 năm mới thực hiện được bộ Tự điển Bách Khoa Toàn Thư đó, với sự hợp tác của 150 nhà chuyên môn mà 96 được nhận dạng, trong số đó có Voltaire, Rousseau, Montesquieu.

Tự điển Bách Khoa Toàn Thư là một cuộc tranh đấu chung và cũng là một cuộc tranh đấu chính trị. Bộ tự điển này tung ra nhiều tư tưởng quá mới đi ngược lại với những thể chế, với quyền uy của vua, cho nên lúc đầu Tự điển Bách Khoa Toàn Thư bị cấm đoán, một vài tác giả phải chịu lưu đày, d’Alembert phải bỏ cuộc. Nhưng chế độ của thời quân chủ rất phức tạp : quyền uy của vua bên ngoài là tuyệt đối nhưng bên trong có nhiều ảnh hưởng đi ngược nhau. Cho nên cuối cùng quyền uy của vua trở nên khó hiểu : bên ngoài thì lên án bộ Tự điển Bách Khoa Toàn Thư, nhưng trong thực tế những kẻ có trách nhiệm trong vương quyền lại có thái độ tán thành. Vậy bộ Tự điển Bách Khoa Toàn Thư phải được xem như một cuộc tranh đấu của Thời Khai Sáng.

IV Nền tảng của tư tưởng Khai Sáng

Có năm nguyên lý làm nền tảng cho tư tưởng Khai Sáng, đó là : lý trí, kinh nghiệm, thiên nhiên, cảm tính và hạnh phúc.

Lý trí : các nhà triết học Khai Sáng mong muốn dùng lý trí như khí giới của sự phê phán và sự thật để chống lại những định kiến và những kiến thức sai lầm của những thế kỷ trước. Lý trí là phương tiện để đi đến đạo lý, là nguồn giải phóng và nguồn hạnh phúc vì lý trí gạt bỏ mọi siêu hình học, mọi lý luận trừu tượng.

Kinh nghiệm : tư tưởng phải tiến bộ với sự thận trọng và chính xác của khoa học, bằng cách tiến hành sự quan sát và thí nghiệm một cách có phương pháp. Những phương hướng lớn của triết học như chủ nghĩa kinh nghiệm, thuyết duy cảm đều bắt nguồn từ ý muốn xét nghiệm vũ trụ một cách chính xác, chặt chẽ như khoa toán học.

Thiên nhiên : danh từ thiên nhiên được phổ biến rộng rãi và danh từ đó chỉ định một hiện thực rất đa dạng. Thiên nhiên khi thì được đồng hóa với những yếu tố của hiện thực, với một nguyên lý phổ cập và trừu tượng, khi thì được đồng hóa với một cảnh thôn quê, thiên nhiên trở thành cần thiết khi người ta muốn biện minh cho việc miêu tả vũ trụ, hoặc muốn hiểu biết tập tính của con người mà không dựa vào tôn giáo, hoặc muốn trau dồi cảm tính trước một cảnh tượng đầy xúc động.

Cảm tính : bên cạnh tinh thần khoa học, có cả một trào lưu phục quyền cho cảm xúc và giác quan. Diderot dùng thuyết duy cảm của Locke và Condillac và kéo nó về phía chủ nghĩa duy vật. Rousseau thì theo chủ nghĩa duy tâm, nên ông dùng cảm tính như sự biểu hiện của đức tính và sự thật của con người.

Hạnh phúc : trong tư tưởng của Khai Sáng danh từ hạnh phúc có một nghĩa phi tôn giáo, gần với sự thích thú. Sự tìm kiếm hạnh phúc giải thích vì sao mục tiêu của triết học Khai Sáng là : tri thức, giáo dưỡng, tiến bộ và sự tự chủ. Hạnh phúc do thiên nhiên và cảm tính đưa đến, và hạnh phúc dường như không tách rời với đức tính.

V Thuyết duy cảm, một học thuyết cơ bản

Trước hết các nhà triết học đi tìm nguồn gốc của ý niệm. Ý niệm bẩm sinh hay đạt được ?

Nhà triết học Pháp René Descartes (1596-1650), trong cuốn Méditations métaphysiques (Suy ngẫm về siêu hình học) tỏ ra ngờ vực các giác quan của con người. Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác đều cho phép con người hiểu biết thế giới ; qua các giác quan con người tiếp xúc với hiện thực bên ngoài. Nhưng Descartes phân biệt rõ ràng những nhận thức qua giác quan với những ý niệm. Nhận thức qua giác quan thuộc về tưởng tượng, dễ sai lầm. Còn ý niệm thuộc về lý trí mà Descartes cho là thật. Xét từ góc độ đó ý niệm là bẩm sinh.

Bốn mươi chín năm sau, nhà triết học Anh John Locke (1632-1704), tác giả cuốn Essai sur l’entendement humain (Biên khảo về trí tuệ con người), có một lập trường ngược lại. Theo Locke, « kinh nghiệm là nền tảng của tất cả những tri thức của chúng ta ». Con người đối chiếu với thế giới qua sự trung gian của giác quan, thu nhận được một sự hiểu biết đầu tiên mà trí nhớ làm cho phát triển ra. Chẳng hạn khi một người đưa bàn tay mình vào lửa, người đó có một cảm giác đau. Việc lặp lại kinh nghiệm đó cho phép liên kết cái đau đớn với việc chạm vào lửa. Một khi sự liên kết đó đi vào trí nhớ thì nó dự phòng một sự nguy hiểm mà người đó kể từ nay ý thức được. Vậy chính từ những giác quan mà những ý niệm đến với chúng ta, những ý niệm sau đó được trí tuệ phát triển.

Giữa ý niệm bẩm sinh và ý niệm đạt được, năm 1734, trong cuốn Lettres philosophiques, Voltaire, nhà triết học của Khai Sáng, đã chọn ý niệm đạt được.

Cuốn Essai sur l’entendement humain của John Locke đánh dấu sự xuất hiện của thuyết duy cảm, một học thuyết triết học theo đó tri thức của chúng ta bắt nguồn từ những cảm giác của chúng ta. Ở Pháp, nhà triết học Condillac, tác giả cuốn Essai sur l’origine des connaissances humaines (Biên khảo về nguồn gốc tri thức của con người), là người khởi xướng thuyết duy cảm. Condillac khẳng định những lý thuyết của Locke, nhưng ông không tin vào tính vật chất của linh hồn.

VI Con người của thời Khai Sáng

Với một tâm thức mới, một cảm xúc mới, thời Khai Sáng cho cá nhân một tầm quan trọng lớn. Về vấn đề cá nhân và xã hội có hai quan niệm đối đầu nhau : một quan niệm cho rằng con người ngay từ thuở nguyên thủy đã phải sống chung với nhau, và một quan niệm cho rằng trước tiên con người sống tản mát.

Đối với phần đông các nhà triết học, con người sinh ra để sống trong xã hội. Ý muốn được sống cộng thêm sự sợ hãi cái chết đưa đẩy con người đến với một cộng đồng mà ngoài cộng đồng đó con người không thể phát triển. Việc tiến hóa đến những xã hội dân sự buộc phải có những thể chế, các thể chế phải bảo đảm sự tự do của con người. Qua tổ chức các thứ bậc, các thể chế có thể gây nên sự bất bình đẳng mà các nhà triết học xem như không thể tránh được.

J. J. Rousseau thì có quan niệm khác trong Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes (Bàn luận về nguồn gốc và nền tảng của sự bất bình đẳng giữa loài người) (1755). Nếu Rousseau đồng ý với các nhà triết học khác về bản năng bảo toàn, thì trái lại ông cho rằng con người không có tính sợ hãi, và thể tạng của con người cho phép con người sống trong một môi trường tự nhiên. Cho nên khó tưởng tượng « tại sao, trong tình trạng nguyên thủy, một người cần đến một người khác hơn một con khỉ hay một con chó sói cần đồng loại của nó ». Sống một mình, con người hạnh phúc vì con người không biết đến những ham mê nảy sinh trong xã hội, mà xã hội thì chuyển tải sự tha hóa. Đối với Rousseau, sự bất bình đẳng làm hư hỏng bản chất con người cũng như ca hát, vũ múa làm hư hỏng tâm hồn con người.

Sự chống đối của Rousseau với các nhà triết học khác, nhất là với Voltaire, trở nên hoàn toàn năm 1760.

Về con người trong thế giới thì thời Khai Sáng có một tư tưởng thuần nhất. Voltaire, trong cuốn Micromégas, cho rằng con người phải hiểu mình không ở trung tâm của vũ trụ, nơi có những thế giới khác và có thể có những sinh vật khác còn hơn loài người. Diderot thì cho con người có một ý thức về thế giới nhưng là một thế giới không có thượng đế.

Trong quan niệm của Kitô giáo, bản chất của con người được khôi phục lại, vì trước kia con người bị nhơ nhuốc bởi tội tổ tông, quan niệm bi quan đó được thời Khai Sáng thay thế bằng một quan niệm lạc quan, quan niệm này được đặt trên niềm tin ở lòng tốt của con người.

Trong thời Khai Sáng, các nhà triết học được xem như những người có vai trò dạy dỗ, dìu dắt nhân loại và mong muốn khai hóa nhân loại. Giáo dục trẻ con và phụ nữ là vấn đề được đề cập trong các tác phẩm của họ. Riêng về việc giáo dục phụ nữ, nhà văn Pháp Pierre Choderlos de Laclos, tác giả của chuyên luận Des femmes et de leur éducation (Về phụ nữ và sự giáo dục của họ), quan niệm rằng người phụ nữ vốn bị nam giới tha hóa có quyền được hưởng một sự giáo dục thật sự để tinh thần họ được soi sáng nhờ việc đọc sách. Cuối cùng những người cầm bút phải cho phụ nữ được bình đẳng, được nói chuyện với nam giới một cách bình đẳng.

Sau cùng thời Khai Sáng được xem như thời đại của tranh đấu để cá nhân được hoàn toàn nhìn nhận với một quyền tự do phải được tôn trọng.

VII  Thời Khai Sáng trong văn học Pháp

Trong văn học Pháp thế kỷ 18, việc đề cao cá nhân khiến thể loại hồi ký không còn là độc quyền của giới quý tộc. Độc giả Pháp đã từng quen thuộc với hồi ký của công tước de Saint Simon (1675-1755). Trong hồi ký này, tác giả làm cái công việc của một sử gia bằng cách miêu tả triều đình vua Louis 14. Hồi ký cũng có tính chính trị, chỉ dẫn con đường vương quốc phải theo. Tuy nhiên, chính những giá trị văn chương mới làm cuốn hồi ký được nổi tiếng:  ngòi bút của Saint Simon có khả năng làm tái sinh một thế giới đã khuất bóng, chân dung của các nhân vật chính dưới cái nhìn nghiêm khắc của tác giả trở nên sống động.

Truyền thống của hồi ký được kéo dài trong suốt thế kỷ 18 với những đặc điểm như : thiếu phần nội soi, dửng dưng với sự đào tạo của chính mình, và thế giới được nói đến là thế giới của hàng quý tộc. Trái lại những tác giả bình dân như Marmontel hay Morellet dù xuất thân từ những gia đình khiêm tốn họ vẫn được nhận vào Hàn Lâm Viện Pháp. Trong hồi ký của họ, họ nhấn mạnh về con người của họ, cũng như về sự đào tạo, về tuổi thơ và tuổi trẻ. Vậy đáp lại ý thức hệ của giới quý tộc ưu đãi cái tên của dòng họ hơn cái phần của cá nhân, thì có ý thức hệ của công trạng nhấn mạnh về cá nhân. Trong trường hợp đó sự sâu kín của con người đã đi vào văn chương. Hồi ký lịch sử của một Saint Simon nhường chỗ cho một hồi ký tình cảm cứ nhẩn nha kể kỷ niệm này, giai thoại nọ. Một cảm tính mới xuất hiện mà tác phẩm có tính tự truyện của Rousseau là một minh chứng.

Vào những năm 1760, Rousseau bị chỉ trích nặng chẳng những về tư duy của ông mà còn về đời sống riêng tư của ông. Khi Voltaire tiết lộ với công chúng rằng Rousseau đã bỏ rơi con cái của ông thì Rousseau cảm thấy tự ái bị tổn thương và muốn minh oan trong cuốn Confessions (Tự bạch) mà ông bắt đầu viết năm 1765. Nhưng cuốn Confessions ra mắt độc giả sau khi Rousseau mất. Ngoài mục đích tự biện hộ, tác giả cũng có ý muốn tự hiểu mình. Rousseau tự thấy mình như một người kỳ dị, một người độc đáo và đồng thời ông cũng có ý muốn tỏ ra thành thật. Lần đầu tiên một cá nhân tự tiết lộ mà không do dự thú nhận những hành động thủ dâm hay một thứ tình dục đặc biệt. Về phương diện trình tự thời gian, tác phẩm tự truyện của Rousseau tiếp theo những tác phẩm triết học của ông. Tự truyện của Roussseau khởi đầu với Confessions, kéo dài với Dialogues (Đối thoại) trong đó Rousseau tự cho mình cái chức « quan toà của Jean Jacques » (Jean-Jacques là tên của ông) và kết thúc bằng tác phẩm Rêveries du promeneur solitaire (Mơ mộng của người lãng du đơn độc). Căn cứ vào trường hợp của mình, Rousseau lặp lại những quan niệm đã trình bày về những quan hệ của con người với xã hội. Tác giả hiện ra như một người tốt theo bản chất nhưng vì sống trong xã hội đã trở nên đồi tệ và cuối cùng tìm lại đuợc sự vô tội của thuở ban đầu nhờ kinh nghiệm tuyệt giao với kẻ khác.

Thể loại tự truyện góp phần vào sự cố gắng của thời Khai Sáng muốn biết con người rõ hơn.

Trước tự truyện của Rousseau đã có những tác phẩm về lý thuyết hay về tranh đấu như : L’Esprit des lois của Montesquieu, Le Contrat social của Rousseau, Le Traité sur la tolérance của Voltaire, Le Rêve de d’Alembert của Diderot.

Ngoài ra còn có một dòng văn chương châm biếm hay văn chương lật đổ. Voltaire và Diderot thuộc về dòng văn chương này.

Về tiểu thuyết thì thể loại này cho phép diễn tả cảm tính trong việc tiếp xúc với thế giới, như tác phẩm Manon Lescaut của Abbé Prévost, hay để nói lên những trăn trở của tâm hồn như La Nouvelle Héloïse của Rousseau, hoặc để miêu tả những trò mưu mô về tình cảm với các tác giả như Laclos, Sade.

Tinh thần Khai Sáng tràn đến tất cả các thể loại văn chương : thơ, kịch. Và dù dưới hình thức nào đi nữa, các tác giả đều có ý muốn làm mất tính chất huyền thoại bằng sự mỉa mai. Lối viết mỉa mai trở thành biểu hiện của sự thiếu tôn kính và của tự do.

Tinh thần Khai Sáng để lại cho các thời đại đến sau chẳng những một ảnh hưởng về nguồn hứng trong văn chương, mà nhất là một trạng thái tinh thần : trạng thái giải phóng và chỉ trích, để lại một giọng nói, một thái độ, thái độ của con người tư duy trong những cuộc tranh đấu của thời đại mình.

Nếu các tác giả của thời Khai Sáng có thể đem lại cho nhân loại ngày nay một điều gì là bởi vì họ đã cố gắng suy nghĩ về tính phức tạp của thế giới và những mâu thuẫn của con người. Vì họ không ngớt suy nghĩ về con người. Con người là trọng tâm của tư duy họ.

Làm sao sống và làm sao có được hạnh phúc ? Làm sao bằng lòng chịu các tệ hại xung quanh ? Đối với chính bản thân mình, làm sao thiên về thiện nhiều hơn ác ? Và nhất là làm sao được tự do như một con người có thể được tự do ? Trước những câu hỏi đó, các tác giả thời Khai Sáng không có những lời đáp sẵn. Để giúp chúng ta, họ chỉ nói đến một dụng cụ mà mỗi người trong chúng ta đều có, đó là lý trí. Một lý trí không loại bỏ cái tâm. Lý trí đi liền với cái tâm là điều cần thiết cho con người trong một thế giới đầy bạo lực. Cho nên tư tưởng của thời Khai Sáng luôn luôn cần được thử nghiệm trong thực tế của chúng ta ngày nay. Chúng ta chỉ còn biết khâm phục tư tưởng đó đã soi sáng cho vô số thế hệ đến sau. Suy nghĩ sau đây của Montesquieu là một minh chứng của thời Khai Sáng :

Nếu tôi biết một điều ích lợi cho quốc gia của tôi mà lại làm sụp đổ một quốc gia khác, thì tôi không đề nghị điều đó với quốc vương của tôi, bởi vì tôi là con người trước khi là người Pháp hay là bởi vì tôi cần thiết là con người và ngẫu nhiên là người Pháp.

Nếu tôi biết điều gì ích lợi cho tôi và hại cho gia đình tôi, tôi sẽ vứt bỏ nó khỏi đầu óc tôi. Nếu tôi biết điều gì ích lợi cho gia đình tôi mà lại không ích lợi cho tổ quốc tôi, thì tôi tìm cách quên nó đi. Nếu tôi biết điều gì có ích lợi cho tổ quốc tôi, mà lại hại cho Âu châu, hoặc là điều có ích lợi cho Âu châu và hại cho loài người, tôi xem nó như một tội ác. (Montesquieu do Dominique Bouquet trích dẫn trong Les Lumières en France et en Europe, tr. 178)

 

Tài liệu tham khảo :

Tzvetan Todorov, L’Esprit des Lumières, Éditions. Robert Laffont, 2006.

Dominique Bouquet, Les Lumières en France et en Europe, Pocket, 2004.

Alexandre Duquaire, Les Lumières, Éditions. Gallimard, 2006.

Chú thích :

  • Sapere aude: lời của nhà thơ La tinh Horace có nghĩa : hãy dám hiểu biết, hãy dám suy luận, dám vận dụng trí tuệ của ngươi.