TZVETAN TODOROV VÀ CÔNG TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA NGÀNH LÝ THUYẾT VĂN HỌC

 

Ở Tây phương, Tzvetan Todorov là một tên tuổi trong giới nghiên cứu về lý thuyết văn học. Ông là người am tường những vấn đề lớn như : thuyết cấu trúc, ký hiệu học, thời Khai sáng, văn học Nga và môn phê bình văn học. Ở Pháp ông điều khiển ngành Nghệ thuật – Ngôn ngữ ở Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (CNRS). Todorov còn là giáo sư thỉnh giảng ở các đại học lớn ở Mỹ : New York, Columbia, Harvard, Yale, Berkeley. Là một nhà lý thuyết văn học, Todorov còn nghiên cứu về lịch sử tư tưởng, về những vấn đề của ký ức, về tương quan với tha nhân trong những bối cảnh lịch sử đa dạng.

I  Đi tìm tự do tư tưởng

Tzvetan Todorov sinh tại Sofia, ở Bulgaria, năm 1939. Người thanh niên từ một nước cộng sản ở Trung Âu đặt chân đến Pháp năm 24 tuổi, lúc vừa học xong đệ nhị cấp ở Đại học, lòng đầy hăm hở học hỏi, nghiên cứu về văn học. Trong cuốn Critique de la critique (Phê bình về môn phê bình), Todorov kể năm 1963, khi mới đến Pháp, tại Đại học Sorbonne, ông lên tiếng đặt câu hỏi với một tiếng Pháp hãy còn bập bẹ : Thưa, ở đây ai là người dạy môn lý luận văn học ? Và ông nhớ gương mặt ông khoa trưởng lúc đó bỗng trở nên lạnh như đồng. Cách nhìn hẹp hòi và thủ cựu về văn học thời đó ở Pháp khiến Todorov hướng về các nhà hình thức chủ nghĩa Nga. Todorov đem lại cho nước Pháp những kiến thức từ phương xa và một cách đọc văn học Pháp khác với cách đọc của người Pháp. Ông bắt đầu bàn đến những kiệt tác nổi tiếng trên thế giới như sử thi Odyssée của Homère, Truyện Một Nghìn Một Đêm Lẻ, hay tập truyện ngắn Décaméron của nhà văn Ý Boccace ở thế kỷ 14, và các nhà văn lớn : Henry James, Dostoïevski, Conrad… rồi dần dần ông mới đến với lâu đài văn học Pháp mà ông đã làm cho rung rinh, ông quấy phá giới học thức đã quen đọc văn học Pháp theo chiều hướng quốc gia của họ.

II  Xây dựng lý thuyết văn học

Nước Pháp là đất dụng võ của Todorov. Trong những năm 60-70, ông tích cực hoạt động trong lĩnh vực văn học. Năm 1965, ông gây chú ý với những công trình dịch thuật của ông về các nhà hình thức chủ nghĩa Nga, do đó ông đã tham gia rộng rãi vào việc phổ biến thi pháp học đương đại. Năm 1967, biên khảo của ông Littérature et signification (Văn học và ý nghĩa) khiến ông trở nên một nhà tiên phong về sự phục hưng tu từ học. Năm 1970, với cuốn Introduction à la Littérature fantastique (Nhập môn Văn học kỳ ảo), ông phân tích văn học kỳ ảo và cho thể loại này một định nghĩa rất độc đáo : Kỳ ảo là sự ngập ngừng mà một người vốn chỉ quen với những quy luật tự nhiên cảm thấy khi đứng trước một biến cố có vẻ siêu nhiên (1). Cũng năm 1970, cùng với nhà thi pháp học Gérard Genette, Todorov sáng lập tạp chí Poétique (Thi pháp học), một tạp chí chuyên về lý luận và phân tích văn học. Những tác phẩm về lý luận văn học của Todorov có giá trị hàng đầu và đã phong phú hóa ngành nghiên cứu văn học ở Pháp. Xin liệt kê sau đây những tác phẩm chính của Todorov về văn học :

Théorie de la littérature, Textes des formalistes russes (Lý thuyết văn học, Văn bản của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga), 1965. Các văn bản này do Todorov tập trung, dịch ra Pháp ngữ và giới thiệu. Các nhà hình thức chủ nghĩa Nga luôn luôn hiện diện trong các tác phẩm văn học của Todorov.

Introduction à la littérature fantastique (Nhập môn Văn học kỳ ảo), 1970,

Poétique de la prose (Thi pháp học văn xuôi), 1971,

Théories du symbole (Lý thuyết về biểu tượng), 1977,

Symbolisme et interprétation (Thuyết biểu tượng và lối diễn giải), 1978,

Les genres du discours (Các thể loại của diễn ngôn), 1978,

Mikhaïl Bakhtine, Le Principe dialogique (M. Bakhtine, Nguyên lý đối thoại), 1981,

Critique de la critique (Phê bình môn phê bình), 1984,

Todorov nói từ khi ông nhập quốc tịch Pháp, tức 10 năm sau khi đến Pháp, ông cảm thấy ông sẽ không bao giờ là một người Pháp thật sự, vì lẽ ông thuộc về hai văn hóa cùng một lúc. Hai văn hóa cùng một lúc có lợi hay bất lợi ? Todorov tỏ vẻ lạc quan. Có điều là sự kiện này khiến Todorov chú tâm đến những vấn đề liên quan đến sự khác biệt giữa các nền văn hóa và cách nhận thức tha nhân.

Chủ đề tha nhân đã hiện diện trong hai cuốn : Mikhaïl Bakhtine, Le Principe dialogiqueLa Conquête de l’Amérique (Cuộc Chinh phục Mỹ Châu), ra năm 1982. Sau một cuộc viếng thăm Mê hi cô, Todorov tuyên bố : Tôi muốn nói đến sự phát hiện của tôi về tha nhân. Lời tuyên bố này đưa đến một cuốn sách mới : Nous et les autres (Chúng ta và những kẻ khác). Đối với Todorov, chinh phục Mỹ châu là chinh phục chính mình như là tha nhân.

Rồi một chủ đề khác xuất hiện : tính khác biệt (altérité). Todorov nghiên cứu tính khác biệt giữa các nền văn hóa như văn hóa Tây Ban Nha và văn hóa người Da đỏ. Thay vì gọi Cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa thì Todorov gọi Sự giao lưu giữa các nền văn hóa (Le croisement des cultures). Trong cuốn Nous et les autres, đối thoại vừa là đề tài nghiên cứu vừa là phương pháp nghiên cứu. Tác giả đưa ra vấn đề tương quan giữa cái phổ quát và cái riêng biệt, giữa cái tuyệt đối và cái tương đối.

III  Vai trò người trung gian

Todorov có công đưa vào nước Pháp các nhà hình thức chủ nghĩa Nga và Mikhaïl Bakhtine. Trước khi bàn đến vai trò trung gian của ông, thiết tưởng cũng cần nhắc đến nhà ngôn ngữ học Roman Jakobson là người ngay từ đầu đã giúp người thanh niên Todorov biết đến các nhà hình thức chủ nghĩa Nga. Về sau, đến lượt Todorov giới thiệu Jakobson với giới văn học Pháp trong cuốn Théories de la littérature (tựa đề của Jakobson). Trong nhật báo Le Monde, ngày 16/10/1971, Todorov phụ trách hai trang nói về Jakobson, và trong tạp chí Poétique số 7, ông đã ca tụng Jakobson. Ông gom góp các bài viết của nhà ngôn ngữ học, để cho in thành sách dưới tựa đề : Questions de poétique (Những vấn đề của thi pháp học). Trong cuốn Théories du symbole của ông, lại có bài La poétique de Jakobson. Nói tóm lại, để đền ơn Jakobson, Todorov đã cho in thành sách nhiều công trình nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học này.

Khi dịch sang Pháp ngữ những biên khảo của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga, Todorov đã chọn những biên khảo thuộc lý luận về văn xuôi hơn là về thơ. Việc chọn lựa này về sau đem lại nhiều kết quả tích cực, đó là sự phát triển mạnh mẽ ở Pháp những công trình nghiên cứu về truyện kể, với sự hình thành một « khoa học » mới, hay ít ra sự xuất hiện của một thuật ngữ mới của Todorov : narratologie (tự sự học), trong cuốn Grammaire du Décaméron, năm 1969. Hiếm khi một người cầm bút tạo nên một thuật ngữ được mọi người hưởng ứng, và thuật ngữ nghiễm nhiên đi vào lĩnh vực văn học. Đó là trường hợp của nhà văn Serge Doubrovski, ông đã tạo ra thuật ngữ autofiction (tự hư cấu), và cũng là trường hợp của Todorov. Todorov có thể tự hào đã tạo nên thuật ngữ narratologie, thuật ngữ này đã trở nên quen thuộc trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học. Càng tự hào hơn vì lẽ Todorov không phải là người Pháp. Gérard Genette đã dùng thuật ngữ đó trong một bài nổi tiếng của ông : Discours du récit (Diễn ngôn của truyện kể).

Khi xét lại thái độ của mình đối với các nhà hình thức chủ nghĩa Nga, Todorov dường như phân biệt được ba thời kỳ :

Thời kỳ thứ nhất, ông thán phục trước « kỹ thuật văn chương » của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga.

Thời kỳ thứ hai, ông cố gắng hệ thống hóa những công trình nghiên cứu của họ. Ở đây Todorov đòi cho mình cái phần của riêng mình trong việc xây dựng một thi pháp học chỉ mới nẩy mầm trong các công trình của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga.

Trong thời kỳ thứ ba, Todorov nhận thức các nhà hình thức chủ nghĩa Nga « như một hiện tượng lịch sử », và ông đưa họ vào lịch sử các ý thức hệ mà ông tha thiết kể từ những năm 1980. Todorov thu hẹp những công trình của họ vào « ngôn ngữ thơ ». Hẳn đó là cái cách mà các nhà hình thức chủ nghĩa và cả Jakobson thường hay chỉ định văn học.

Vai trò trung gian của Todorov không giới hạn vào các nhà hình thức chủ nghĩa Nga. Ông đã viết tựa cho tác phẩm của nhiều tác giả thời cổ đại và thời hiện đại ; đặc biệt ông viết tựa cho cuốn Poétique của Aristote, cuốn Le Grand Code, La Bible et la littérature (Mật Mã Lớn, Kinh Thánh và văn học) của nhà nghiên cứu Anh Northrop Frye, ông cũng viết tựa cho tác phẩm của nhà văn Pháp Jean-Jacques Rousseau, của nhà văn Đức Goethe.

Todorov không phải là người trung gian duy nhất đã đưa Bakhtine vào nước Pháp, nhưng ông đã đọc Bakhtine trong bản gốc tiếng Nga, đã hiểu tường tận tư duy của Bakhtine và có những nhận xét rất sâu sắc. Qua cuốn Mikhaïl Bakhtine, Le Principe dialogique (1981), Todorov đã góp phần vào việc giới thiệu nhà lý thuyết văn học Nga với giới phê bình văn học Pháp.

Khó tổng hợp tư duy của Todorov, vì tư duy của ông không ngừng tiến hóa theo những công trình nghiên cứu, và là một tư duy rất sống động. Tuy nhiên có thể tạm ngừng ở cuốn Critique de la critique ra năm 1984. Năm 1984 là thời điểm đánh dấu một đoạn đường thử nghiệm khá dài về lý luận văn học của Todorov. Nói chung, nếu nhìn từ Critique de la critique trở về những tác phẩm có trước, thì có những nhận định của Todorov đã thể hiện những bước tiến quan trọng. Những nhận định đó được trình bày ít nhất quanh ba chủ đề lớn : thuyết đối thoại, thi pháp học và biểu tượng.

IV  Thuyết đối thoại, một cuộc đồng hành với Bakhtine

Todorov nhìn nhận nguyên lý đối thoại là tư duy của Bakhtine, và nhà văn Dostoïevski ở ngay tâm điểm của tư duy đó. Todorov lại đọc Dostoïevski trong bản gốc tiếng Nga, như vậy ông cùng đọc với Bakhtine, cùng đồng hành với Bakhtine. Có điều là từ những nghiên cứu đầu đời đến những nghiên cứu cuối đời, tư duy của Bakhtine qua nhiều uẩn khúc đôi khi khó cho Todorov theo dõi, nhưng cuối cùng ông cũng tìm ra sợi dây dẫn. Về sáng tạo thẩm mỹ, lúc đầu Bakhtine quan niệm một cuộc đời có ý nghĩa và trở thành một thành phần khả thi trong việc xây dựng mỹ học chỉ khi nào cuộc đời đó được nhìn từ bên ngoài như một tổng thể, cuộc đời đó phải được bao gồm trong chân trời của một người khác, và đối với nhân vật, cái người khác đó dĩ nhiên là tác giả. Việc sáng tạo thẩm mỹ là một loại tương quan giữa con người với nhau, một trong hai người bao gồm người kia và cho người kia một ý nghĩa. Đó là quy phạm Bakhtine đưa ra. Nhưng Dostoïevski không theo quy phạm đó, không có một bên là sự thật tuyệt đối (sự thật của tác giả) và một bên là tính riêng biệt của nhân vật, chỉ có những vị trí riêng biệt, không có chỗ cho tuyệt đối. Nhưng quy phạm của Bakhtine không lâu bền, dọc đường nghiên cứu Bakhtine biến đổi nó thành « thuyết độc thoại » và nghệ thuật của Dostoïevski được nâng cao thành « thuyết đối thoại ». Việc căn cứ vào tuyệt đối tức vào sự thật trước kia nay bị gạt bỏ.

Tiểu thuyết của Dostoïevski chính là tiểu thuyết đa âm. Bakhtine đọc như thế và Todorov cũng đọc như Bakhtine, ông viết : Đặc tính quan trọng nhất của lời phát biểu (…) chính là cái thuyết đối thoại của lời phát biểu, nghĩa là cái chiều kích liên văn bản của nó (…). Một cách có chủ ý hay không, mỗi diễn ngôn đối thoại với những diễn ngôn có trước về cùng một đề tài cũng như với những diễn ngôn đến sau mà diễn ngôn (đang đối thoại) linh cảm và ngừa trước những phản ứng. Tiếng nói của cá nhân chỉ có thể được nghe thấy khi nó sáp nhập vào sự hợp xướng phức tạp của những tiếng nói khác đang hiện diện. Điều này có thật không những về văn chương mà còn về mọi diễn ngôn, và Bakhtine phải đi đến cái việc phác họa một diễn giải mới về văn hóa : văn hóa gồm những diễn ngôn mà ký ức tập thể giữ lại (…) diễn ngôn mà theo đó mỗi chủ thể bị bắt buộc định vị thế của mình. Tiểu thuyết là thể loại tiêu biểu nhất để ưu đãi tính đa âm đó, và vì lý do đó Bakhtine đã dành cho tiểu thuyết một phần lớn công trình nghiên cứu của ông. (Mikhaïl Bakhtine, Le Principe dialogique, tr. 8)

Nhưng quá ca tụng thuyết đa âm có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa tương đối không ? Todorov xét lại ba tác phẩm của Bakhtine từ đầu đời đến cuối đời : La Poétique de Dostoïevski, Questions de littérature et d’esthétique (Những Vấn đề văn học và mỹ học) và Esthétique de la création verbale (Mỹ học của sáng tạo ngôn từ), và ông tóm tắt quan điểm của Bakhtine về thuyết đối thoại như sau : Tiểu thuyết « độc thoại » chỉ có hai trường hợp : hoặc những ý tưởng được chấp nhận về nội dung của chúng, và thế thì chúng đúng hay sai ; hoặc những ý tưởng đó được xem như những dấu hiệu tâm lý của các nhân vật. Nghệ thuật « đối thoại » đi đến một tình trạng thứ ba, vượt lên trên cái đúng, cái sai, cái thiện và cái ác, cũng như cái trường hợp thứ hai – mà không vì thế bị quy vào trường hợp thứ hai : mỗi ý tưởng là ý tưởng của một người, nó tự đặt vị trí đối với một tiếng nói chuyển tải nó và đối với cái chân trời nó nhắm tới. Thay vì có tuyệt đối, người ta tìm thấy vô số quan điểm : quan điểm của nhân vật và của tác giả, tác giả bị đồng hóa với nhân vật, và tất cả không có đặc quyền cũng không có cấp bậc. Cách mạng của Dostoïevski về mặt mỹ học (và đạo đức học) có thể được so sánh với cách mạng của Copernic, hay với cách mạng của Einstein, về mặt hiểu biết thế giới vật lý (là những hình ảnh mà Bakhtine ưa thích) : không còn trung tâm nữa, và chúng ta sống trong sự tương đối phổ cập hóa. (Critique de la critique, tr. 89-90)

Theo Todorov, Bakhtine dường như lầm lẫn hai sự kiện. Một mặt, những ý tưởng của tác giả Dostoïevski trong truyện có thể bị đưa ra để tranh cãi như những ý tưởng của các nhân vật khác. Mặt khác là đặt tác giả ở cùng mức độ với những nhân vật của mình. Thế nhưng không có gì cho phép một sự lẫn lộn như thế, bởi vì chính tác giả trình bày những ý tưởng của riêng mình và những ý tưởng của các nhân vật. Sự xác định của Bakhtine có thể đúng nếu Dostoïevski hòa lẫn với nhân vật Aliocha Karamazov chẳng hạn, trong trường hợp đó tiếng nói của Aliocha –Dostoïevski ngang hàng với tiếng nói của Ivan. Sự thật, Dostoïevski không phải là một tiếng nói trong số những tiếng nói trong các tiểu thuyết của ông. Dostoïevski là một người sáng tạo duy nhất của những tiếng nói đa dạng đó.

Todorov cho rằng việc này rất đáng ngạc nhiên khi trong những bài nhận định cuối đời Bakhtine đã nhiều lần quyết liệt chống lại sự lầm lẫn đó. Bakhtine khẳng định có một sự khác biệt triệt để giữa tác giả và những nhân vật của mình. Vậy Bakhtine đã nhận thức đúng một đặc tính trong truyện của Dostoïevski, nhưng ông sai lầm trong cách chỉ định nó. Dostoïevski trình bày trên cùng một bình diện nhiều tâm thức, tất cả đều có tính thuyết phục, nhưng với tư cách là người viết tiểu thuyết, Dostoïevski cũng tin tưởng vào cái sự thật như chân trời cuối cùng. Bakhtine viết :

Cần ghi nhận rằng từ khái niệm sự thật duy nhất không hoàn toàn phát sinh ra sự cần thiết một tâm thức duy nhất. Người ta có thể hoàn toàn chấp nhận và nghĩ rằng một sự thật duy nhất đòi hỏi nhiều tâm thức. (La Poétique de Dostoïeski… tr.107)

Căn cứ vào lời của Bakhtine, Todorov gợi ý rằng nhiều tâm thức tức sự đa âm không đòi hỏi phải từ bỏ sự thật duy nhất. (Critique de la critique, tr. 95) Sự thật là cái chân trời cuối cùng, và là cái ý tưởng có tính điều hòa. Todorov cũng tìm thấy một sự từ chối rõ ràng của Bakhtine về chủ nghĩa tương đối, và ông trích dẫn Bakhtine :

Phải nói rằng chủ nghĩa tương đối cũng như thói khẳng định độc đoán đều loại bỏ mọi bàn cãi, mọi đối thoại xác thực bằng cách làm cho những bàn cãi, đối thoại đó trở nên vô ích (chủ nghĩa tương đối), hoặc không thể có được (thói khẳng định độc đoán). (Critique de la critique, tr. 102)

Todorov mong muốn làm mới cách đọc Dostoïevski, bằng cách nhấn mạnh tính nhất quán giữa hình thức và ý nghĩa, tính nhất quán giữa vấn đề kỹ thuật tiểu thuyết và vấn đề triết lý. Khi viết bài tựa cho cuốn Những Ghi chép dưới hầm (Notes d’un souterrain) của Dostoïevski, năm 1972, Todorov cho rằng Những Ghi chép dưới hầm không phải là một thảm kịch tâm lý hay triết lý, mà là « thảm kịch của ngôn từ ». Xin nhắc lại rằng Những Ghi chép dưới hầm là một tiểu thuyết của Dostoïevski ra năm 1864, dưới hình thức một nhật ký, một độc thoại của một con người sống biệt lập, lòng đầy căm thù. Todorov khẳng định cách tân của Dostoïevski trên bình diện biểu tượng còn lớn hơn trên bình diện tâm lý. Những ý tưởng đưa vào một phối hợp đa âm không còn là những bản chất bất biến, chúng đi vào một trò chơi biểu tượng bao la. Ngay từ bài tựa cho cuốn Những Ghi chép dưới hầm, Todorov đã nói đến một cơ chế biểu tượng mà về sau ông triển khai rõ ràng.

Bài tựa của Todorov mang tên Trò chơi của tính khác biệt (Le jeu de l’altérité), minh chứng tư duy của Todorov, một tư duy có tính ngôn ngữ nối liền với tư duy « đạo đức ». Điều này cho phép tác giả đọc tác phẩm Những ghi chép… bằng cách làm nổi bật tính nhất quán mà bề ngoài có những khía cạnh mâu thuẫn.

Đối với Todorov, ngành nhân loại học hoàn thành suy nghĩ của Bakhtine về tiểu thuyết, và Todorov định nghĩa ngành nhân loại học như sau : … chính con người một cách bất khả quy không thuần nhất, chính con người chỉ hiện hữu trong đối thoại : trong con người, người ta tìm thấy tha nhân.

Điều mà Todorov luôn tự tra vấn là những liên hệ giữa cái riêng biệt và cái phổ quát. Trong những công trình về thi pháp học, Todorov tìm đọc trong các văn bản riêng tư những quy tắc của một lý thuyết chung của văn học. Cùng với Bakhtine, ông nhận thấy rằng : lời phát biểu không thuộc cá nhân, nó vô cùng biến đổi và do đó nó không thích đáng cho sự hiểu biết ; lời phát biểu có thể và phải trở thành đối tượng của một khoa học mới về ngôn ngữ. (M. Bakhtine, Le Principe dialogique, tr. 8)

IV  Thi pháp học

Thi pháp học được Aristote sáng lập vào khoảng năm 335 trước công nguyên, và được Todorov gọi là văn bản thành lập lý thuyết văn học ở Âu châu. Jakobson có một định nghĩa về thi pháp học nổi tiếng : Mục tiêu của thi pháp học là, trước tiên, đáp lại câu hỏi : Cái gì làm cho một thông điệp trở thành một tác phẩm nghệ thuật ? Thi pháp học là môn nghiên cứu và lý thuyết hóa sự sáng tạo nghệ thuật. Theo Tự điển Bách khoa về khoa học ngôn ngữ thì thi pháp học là việc nghiên cứu nghệ thuật văn chương như là sáng tạo ngôn từ. Đặc biệt ngày nay thi pháp học chỉ định việc nghiên cứu những hình thức văn chương, nhất là phong cách học, tự sự học, những hình thái tu từ.

Cũng như Roman Jakobson và Gérard Genette, Todorov là một nhà thi pháp học với một hướng đi đặc thù. Todorov định nghĩa thi pháp học trong tạp chí Poétique, năm 1973, như sau : Không phải chính tác phẩm văn chương là đối tượng của thi pháp học : điều mà thi pháp học tra vấn chính là những đặc tính của cái diễn ngôn đặc biệt đó tức diễn ngôn văn chương. Vậy mọi tác phẩm chỉ được xem như sự biểu lộ của một cấu trúc trừu tượng, có tính khái quát hơn, mà tác phẩm chỉ là một trong những thực hiện khả thi. Chính ở chỗ đó mà cái khoa học này không còn quan tâm đến văn chương có thật, mà quan tâm đến văn chương khả thi, nói một cách khác : quan tâm đến cái đặc tính trừu tượng làm nên tính độc đáo của văn chương, tức cái văn chương tính (la littérarité). Mục đích của công việc nghiên cứu này không còn là chú giải dài dòng, là tóm tắc có suy luận tác phẩm cụ thể, mà là đề nghị một lý thuyết về cấu trúc và tiến hành của diễn ngôn văn chương, một lý thuyết trình bày toàn bộ những hiện tượng của văn chương khả thi, mà những tác phẩm có sẵn được xem như những trường hợp đặc biệt đã được thực hiện. (Poétique, tr. 19)

Thi pháp học không bao giờ có tham vọng thay thế môn phê bình văn học, thi pháp học đồng hành với môn phê bình và bổ sung môn phê bình. Nếu các nhà thi pháp học bị chỉ trích là vì họ ở trong cái trừu tượng lạnh lùng, trong một thuyết cấu trúc khô khan, vì hoạt động của họ bị lầm lẫn với hoạt động của nhà phê bình. Todorov, về phần ông, ông phân biệt thi pháp học với việc nghiên cứu một tác phẩm riêng biệt, dù cho việc nghiên cứu về thi pháp học có thể dựa vào một tác phẩm văn chương riêng biệt.

Vậy công việc của thi pháp học không phải là miêu tả hay diễn giải đúng những tác phẩm của quá khứ, mà là nghiên cứu những hoàn cảnh hiện hữu của những tác phẩm có thể có được. Nói một cách khác, đối tượng của thi pháp học không phải là những tác phẩm mà là cái diễn ngôn văn chương.

Mười một năm sau (1984), trong cuốn Critique de la critique, thuật ngữ thi pháp học không còn hiện ra nữa. Chỉ còn là vấn đề phê bình hay phê bình về môn phê bình, như cái tên của cuốn sách. Thi pháp học đem lại cho « phê bình cấu trúc » những dụng cụ có tính khái niệm. Vậy khi cuốn Critique de la critque ra mắt độc giả, người ta sẽ nghĩ sai khi cho rằng Todorov đã từ bỏ những cái trừu tượng của thi pháp học. Ngay từ năm 1973, ông đã nói đến cái tính tạm thời của thi pháp học, mà không bao giờ phủ nhận sự thích đáng của những liên hệ cấu trúc, như là cái lúc cần thiết nhưng không đầy đủ cho phê bình văn học.

Trong khi thơ là trọng tâm nghiên cứu của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga, với Jakobson đứng đầu, thì Todorov hướng về văn xuôi, vì độc giả Pháp không biết tiếng Nga, khó tiếp cận thơ Nga. Todorov xây dựng những suy nghĩ của một nhà thi pháp học trên những phân tích văn bản về văn xuôi, tức về những truyện kể, truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông không nói lên cái nghĩa của những truyện đa dạng đó, mà ông chỉ đưa ra những phạm trù văn học của truyện kể, để xây dựng ngành tự sự học. Xin nhắc lại, chính Todorov đã tạo nên thuật ngữ narratologie có nghĩa tự sự học. Và tự sự học là ngành học nghiên cứu những kỹ thuật và những cấu trúc trong truyện kể được vận dụng trong các tác phẩm văn chương.

Ở Pháp, trong những năm 1970, việc nghiên cứu truyện kể phát triển mạnh mẽ. Todorov và Genette, ngoài những công trình nghiên cứu riêng của mỗi người, còn hợp tác với tạp chí Communication, số 8, rất nổi tiếng, với chuyên đề : Phân tích cấu trúc truyện kể (L’analyse structurale des récits), do Roland Barthes điều khiển.

V  Biểu tượng

Todorov phân biệt hai thứ ngôn ngữ : ngôn ngữ thực tiễn được dùng để truyền đạt tư duy, hoặc dùng trong sự trao đổi giữa con người với nhau : ngôn ngữ đó là một phương tiện, không phải là cứu cánh. Còn ngôn ngữ thơ trái lại, được nhìn nhận là chính đáng bởi chính nó, nó là cứu cánh đối với chính nó, chứ không phải là một phương tiện, cho nên ngôn ngữ thơ là một ngôn ngữ tự chủ.

Trong cuốn Critique de la critique, tác giả nhận xét có sự đồng nhất giữa thuyết tự chủ của ngôn ngữ thơ của các nhà hình thức Nga và các nhà thi pháp học đầu tiên, và cái quan niệm về nghệ thuật của các nhà lãng mạn Đức cho rằng nghệ thuật không có mục đích gì khác hơn là chính nghệ thuật.

Trong các cuốn Théories du symboleSymbolisme et interprétation, Todorov nhận xét vào cuối thế kỷ 18, có một thay đổi căn bản trong quan niệm về biểu tượng. Vào thời kỳ khủng hoảng lãng mạn ở Đức, mỹ học hiện đại ra đời, được đặt nền tảng trên sự tự chủ của nghệ thuật. Các nhà lãng mạn Đức phân biệt phúng dụ với biểu tượng, và Todorov nghĩ rằng tất cả mỹ học lãng mạn có thể được cô đặc hóa trong một từ duy nhất : biểu tượng. Người ta đi từ quan niệm cổ điển về biểu tượng đến một quan niệm « lãng mạn » kéo dài cho đến ngày nay. Todorov nhắc đến nhà lãng mạn Đức Karl Philipp Moritz (1757-1793). Moritz định nghĩa lại sự mô phỏng trong các ngành nghệ thuật : không phải tác phẩm mô phỏng thiên nhiên, mà chính nhà nghệ sĩ mô phỏng hoạt động sáng tạo của thiên nhiên. Thế nên nhà nghệ sĩ trở thành một thượng đế sáng tạo, một Prométhée (Prométhée, trong huyền thoại Hy lạp, là người ăn cắp lửa trên trời để truyền lại cho loài người). Vả chăng Moritz không liên kết cái đẹp với cái thú do cái đẹp gây nên, Moritz muốn phân biệt cái đẹp – cái đẹp tìm thấy mục đích trong chính nó – với cái lợi ích, cái lợi ích tìm thấy mục đích bên ngoài nó.

Những đặc điểm của mỹ học lãng mạn mà Todorov nêu lên là sản xuất (loại bỏ sự mô phỏng), tính nội động, tính mạch lạc, sự tổng hợp (của hình thức và nội dung, của ý thức và vô thức, của cái khái quát và cái riêng biệt), sự biểu đạt cái khó tả, tất cả những đặc điểm đó được tìm thấy trong khái niệm biểu tượng, khái niệm biểu tượng đối lập với khái niệm phúng dụ.

Suy nghĩ của Todorov về biểu tượng và thuyết biểu tượng giúp chúng ta ngày nay hiểu rõ hơn cái hiện tượng diễn giải tác phẩm, và tại sao nhiều cách diễn giải đều có thể được chấp nhận. (Symbolisme et Interprétation).

Biểu tượng và phúng dụ là hai thứ ký hiệu, nhưng phúng dụ là ngoại động và biểu tượng là nội động. Biểu tượng chỉ có nghĩa một cách gián tiếp, trước hết nó ở đấy cho chính nó, rồi sau đó người ta phát hiện rằng nó cũng có ý nghĩa. Với biểu tượng người ta đi từ cái riêng biệt đến cái phổ quát. Biểu tượng là một trường hợp riêng biệt mà xuyên qua nó người ta thấy cái quy luật chung.

Sự liên hệ từ cái riêng biệt đến cái phổ quát rất quan trọng, vì nó ở ngay trung tâm tư duy của Todorov, từ lúc ông nghiên cứu những quy luật phổ quát của văn học trong ngành thi pháp học. Diễn giải là đi từ cái riêng biệt đến cái phổ quát, nhưng trong khi cái nghĩa trong phúng dụ đã hoàn thành, đã kết thúc, đã chết, thì trong biểu tượng cái nghĩa vẫn hoạt động, sống động, nó có mãi, không bao giờ vơi cạn, và việc diễn giải thì bất tận.

Ý nghĩ tìm ra được cái phổ quát trong biểu tượng khiến người ta đi từ quá trình sản xuất đến quá trình tiếp nhận. Dựa vào một văn bản của Goethe, Todorov bình luận rằng phúng dụ phải được học trước khi được hiểu, phúng dụ có một cái nghĩa mà người ta học và truyền lại, trong khi đó cái nghĩa của biểu tượng, vì nó tự nhiên, nó được hiểu ngay lập tức. Todorov còn nhấn mạnh về sự đối lập giữa tính duy lý của phúng dụ và bản chất trực cảm của biểu tượng.

Đi từ quê hương Bulgaria thuộc chế độ cộng sản, vào những năm 1960, đến một nước Pháp tự do, dân chủ, Todorov dần dần có hai văn hóa. Và vì có hai văn hóa, ông cảm thấy cần bắc một nhịp cầu giữa các nền văn học, đặc biệt giữa các lý thuyết văn học. Từ chủ nghĩa hình thức Nga, từ những công trình biên khảo của Mikhaïl Bakhtine và thuyết đối thoại, từ ngôn ngữ học, thuyết cấu trúc, qua thi pháp học đến nghiên cứu về biểu tượng, Todorov đã mở rộng lĩnh vực văn học và hiện đại hóa ngành lý thuyết văn học.

Tài liệu tham khảo :

Tzvetan Todorov, Introduction à la littérature fantastique, Seuil, 1970.

Tzvetan Todorov, Mikhaïl Bakhtine, Le Principe dialogique, Seuil, 1981.

Tzvetan Todorov, Symbolisme et interprétation, Seuil, 1978.

Tzvetan Todorov, Critique de la critique, Seuil, 1984

Jean Verrier, Tzvetan Todorov, Du formalisme russe aux morales de l’histoire, Bertrand Lacoste, Paris, 1995.

(1) Le fantastique, c’est l’hésitation éprouvée par un être qui ne connaît que les lois naturelles, face à un événement en apparence surnaturel.