TÁC GIẢ

        Các nhà dân tộc học nhận xét vào thời sơ khai các dân tộc có những sáng tác văn chương truyền khẩu, đi từ chuyện thần thoại giải thích nguồn gốc con người, nguồn gốc dân tộc đến những cuộc phiêu lưu của sử thi hay thơ trữ tình.

        Ở nước ta, trước khi có một nền văn học viết của giới trí thức, phong kiến, thì đã có một nền văn học dân gian truyền khẩu gồm những truyện cổ, những huyền thoại, những tục ngữ, ca dao dưới dạng văn vần. Văn học dân gian truyền khẩu để lại một di sản văn hóa lớn lao, phong phú mà nếu chúng ta trở về nguồn thì không biết được những ai đã có tài năng, sáng kiến tạo nên, về những bài ca dao chẳng hạn, những áng văn hay và đẹp như thế. Khởi đầu có lẽ một người nổi hứng đã xướng lên vài câu ca, những người chung quanh nghe được lấy làm thích thú lặp lại nhiều lần với nhau, rồi những câu ca dao đó được truyền tụng khắp nơi. Vậy trong văn học dân gian, người sáng tác là một người vô danh. Không có vấn đề tác giả như ngày nay.

Khái niệm tác giả có tự bao giờ ? Nếu tác giả là người làm ra tác phẩm, là người ký tên vào tác phẩm và gần như là người bảo đảm cho tác phẩm, thì sự nhìn nhận tác giả không hiển nhiên. Khái niệm tác giả không được biết đến vào thời cổ Hy Lạp hay thời Trung cổ, đến thời hiện đại khái niệm tác giả bị Roland Barthes đặt lại vấn đề năm 1968, khi ông tuyên bố tác giả đã « chết » và biến tác giả thành mục tiêu của sự viết. Việc định nghĩa tác giả tùy theo những nền văn hóa trên thế giới, và đã tiến hóa theo thời gian.

        Ở Tây phương vào thời cổ đại, tác giả chỉ được nhìn nhận nếu tác giả phục tùng những đòi hỏi của một thể loại và phục tùng những cái mã của tu từ pháp. Trong các văn bản Hy lạp xưa nhất, như sử thi của Homère, nhà thơ ngâm hát tuyên bố được các vị thần ban cho lời nói.

        Gương mặt của tác giả chỉ xuất hiện từ khi tác giả tự xưng mình đã viết tác phẩm, đảm nhận trách nhiệm đạo đức và tư tưởng của mình, và xác nhận mình là người có được một sự thành thạo, một kỹ thuật và môt tư duy.

        Ở Pháp, chỉ vào thời hiện đại tác giả mới có được tính hợp pháp trước xã hội, và sự nhìn nhận của luật pháp có từ thế kỷ 18. Các nhà văn đòi hỏi sự nhìn nhận quyền tác giả của họ : nhà văn Beaumarchais đã có công trong việc thành lập Hội các tác giả và các nhà soạn kịch (Société des auteurs et compositeurs dramatiques), năm 1791, và Hội những người viết văn được Louis Desnoyers thành lập năm 1838, do sự thúc đẩy của văn hào Balzac. Ở thế kỷ 19, tác giả được lên ngôi với những danh hiệu đầy tính biểu tượng : ngọn hải đăng, pháp sư, nhà tiên tri, rồi tác giả dần dần lột xác trở thành bậc trí thức, xuyên qua « gương mặt lãng mạn tuyệt vời và cô đơn của tác giả cao siêu mà cái chủ ý (đầu tiên hay cuối cùng) bao hàm cái ý nghĩa của tác phẩm, mà tiểu sử đòi phải có sự trong suốt trực tiếp », như Roger Chartier đã viết trong cuốn Culture écrite et société, 1996, rồi xuyên qua gương mặt của một Zola hăm hở nhập cuộc, đứng ra tố cáo trong một vụ án chính trị. Còn thế kỷ 20 thì định nghĩa lại tác giả, tháo gỡ và ngay cả đặt lại vấn đề gương mặt nhà văn. Các nhà phê bình đặt tác giả ở trọng tâm của những suy nghĩ của họ về tác phẩm ; chủ nghĩa hình thức Nga, phê bình New Criticism ở Mỹ hay thuyết cấu trúc ở Pháp đều  nêu lên cái « chết » của tác giả và đặt vấn đề nghi ngờ cái chủ ý của tác giả lập ra cái nghĩa của tác phẩm. Các nhà thuộc phái New Criticism cho là intentional fallacy hay ảo tưởng có chủ ý. Ngày nay người ta thay thế tác giả bằng người đọc và văn bản như tiêu chuẩn của cái ý nghĩa văn học ; mọi diễn giải văn bản phải tính đến cái phần của mỗi yếu tố trong bộ ba tác giả/văn bản/người đọc, nhưng phải quan tâm đến cái không gian của xã hội và của văn bản làm nên cái khung của tác phẩm.

        Hoạt động của tác giả liên kết với những hoạt động văn hóa trong xã hội, tác giả nhận chịu vô số quyết định về việc sản xuất tác phẩm văn chương của mình trong xã hội.

        Dù là một cá nhân sống cô lập hay một nhà thơ bị nguyền rủa hay một thành viên của một hội, một nhóm, tác giả vẫn được định nghĩa trong xã hội và đối với xã hội. Tác giả có thể thuộc về một nhóm mỹ học : trường phái, hội văn học, viện hàn lâm… hay thuộc văn giới mà giữa mọi người đều có những liên hệ, những liên kết sâu sắc. Tác giả cũng có thể lựa chọn sự tự do, ở ngoài mọi trung gian. Nhưng dù thế nào đi nữa mọi tác giả đều có một vị trí, dù là bên lề, trong lĩnh vực xã hội.

        Nhà văn, tác giả, những cách gọi đó thường được dùng mà không có sự phân biệt. Những tên gọi như nhà triết học, tiểu thuyết gia, nhà thơ được thu hẹp và rõ ràng hơn. Nhưng làm sao phân biệt nhà văn với tác giả ? Tác giả thực ra là người sáng tạo và có trách nhiệm về tác phẩm, từ « tác giả » không chỉ được áp dụng cho văn chương mà chỉ định mọi người làm nguồn gốc của một tác phẩm khoa học hay nghệ thuật. Trong lĩnh vực văn học, tác giả là người sáng tạo qua hành động viết, và là nhà văn. Từ « nhà văn » chỉ định một chức năng trong xã hội, một vai trò có trách nhiệm và có quyền trong ngành chuyên môn của mình.

        Khái niệm tác giả liên kết với tính độc đáo và nói lên giá trị của tác phẩm : có những tác giả của một tác phẩm lớn như Homère, Shakespeare, Goethe, Hugo, những tác giả lớn mà hậu thế và sử văn học phân biệt với những tác giả nhỏ, hẳn những tác giả này thể hiện thời của họ và theo định kỳ được giới phê bình phát hiện lại, nhưng họ chỉ là những sự kiện mỹ học đáng được quan tâm. Có thể thêm vào sự sắp xếp đó những tác giả best-seller, có sách bán chạy vì đáp đúng thị hiếu của thời đại, nhưng không được nhìn nhận là có giá trị văn học, và họ đối lập với những tác giả đã sáng lập những diễn ngôn có lý luận như Marx hay Freud, theo nhà triết học Michel Foucault.

        Khái niệm tác giả có tính phức tạp, tương đối, phải chịu nhiều định nghĩa cho nên có nhiều nghi vấn. Vả chăng, như Proust đã nói, phải phân biệt cái « con người của giai thoại » và « nhà văn » ; nhà văn là một cái « tôi khác » được sự viết xây dựng và được người đọc tiếp nhận. Và cũng nên phân đôi nhà văn, người viết là nguồn của văn bản, của tác phẩm, và tác giả người được nhận xét trong bối cảnh văn hóa. Tác giả do bản chất vừa là con người vừa là nhân vật.

Còn về tên tác giả, thì ngoài những tác giả vô danh mà sử văn học tra hỏi căn cước, mọi tác phẩm đều được ký tên và mang dấu ấn tức tên của tác giả. Tính đặc thù của tên tác giả là không cần thiết thuộc về hộ tịch : Henri Beyle có bút danh là Stendhal, Đoàn Thế Nhơn được độc giả Việt Nam biết đến dưới bút danh Võ Phiến, cũng như Dzư Văn Tâm nổi tiếng dưới bút danh Thanh Tâm Tuyền. Sự lựa chọn bút danh có một ý nghĩa : việc cho một người khác mình một tác phẩm là một hình thức tự giải phóng. Vậy tên tác giả cũng là một không gian sáng tạo, một nơi viết và là dấu hiệu của mỹ học hay của một hệ tư tưởng. Trong cái nghĩa đó, tên tác giả là dấu hiệu của một tác giả không những là chủ thể mà còn là khách thể của sự viết và một cách nào đó là nhân vật.

        Vậy tác giả đúng là một xây dựng lịch sử, xã hội, tóm lại một xây dựng văn hóa. Hình ảnh đó hiện ra theo nhiều cách : qua thư từ của nhà văn, ngay trong tác phẩm hay dưới cái nhìn của công chúng, tìm thấy được trong thư từ của độc giả gửi đến các nhà văn, đó là bằng chứng nói lên quan hệ phức tạp của việc đọc, nhưng cũng là bằng chứng của việc xây dựng một hình ảnh huyền thoại của tác giả.

        Bên cạnh hình ảnh của tác giả được xây dựng như thế, có một hình ảnh mà xã hội thêm vào. Trong cuốn Mythologies (1957), Barthes phân tích hình ảnh đó qua chân dung của « nhà văn đi nghỉ hè ». Còn Charles Mauron khi phê bình tâm lý tác giả, đã tìm cách phát hiện trong tác phẩm những  « ẩn dụ ám ảnh » và những « huyền thoại cá nhân », C. Mauron đã vẽ lên những mạng lưới của liên tưởng và của hình ảnh.

        Qua bộ ba phức tạp tác phẩm/tác giả/độc giả, sự sáng tạo văn chương là một xây dựng hình ảnh tác giả cũng như độc giả ; tác giả vừa là người có trước tác phẩm và ở ngoài tác phẩm, chủ ý của tác giả có thể được tiếp nhận. Tóm lại, chính tác giả là một văn bản. Cũng như tác phẩm, tác giả là mục tiêu của việc tiếp nhận.

        Điều chắc chắn là một tác phẩm thể hiện trực tiếp hay gián tiếp một khía cạnh cá tính và trải nghiệm của tác giả. Những thói quen của chúng ta khiến chúng ta nhận thấy điều đó, nhưng gây thiệt thòi cho một sự thật khác : tác phẩm không phải là phản ánh của một cuộc đời mà là sản phẩm của một sự thành thạo, là sáng tạo nên một hư cấu, là phản ứng lại cuộc đời đó. Nhà văn có khả năng về văn hóa, tu từ, ngôn ngữ cũng như có cá tính ; nhà văn là người tạo nên những chủ đề, hình thức, một truyền thống, một xu hướng của thời đại, xuyên qua địa vị xã hội, hệ tư tưởng. Nhà văn là trung gian giữa những nhu cầu của đời sống và những thỏa mãn văn hóa của một giới, một thời kỳ, và chỉ trở thành tác giả khi một cộng đồng thừa nhận họ là một nhà văn ; một nhà văn không hề là « nguyên nhân của tác phẩm » mà đúng hơn là « kết quả của tác phẩm », theo Valéry. Mỗi người là kết quả của vai trò mà thời cơ cho phép đảm nhận. Tóm lại tác giả là một tác nhân lịch sử, xã hội, văn hóa, ở cái nơi gặp gỡ của những nhu cầu, những lý do hành động của tác giả, cái nơi gặp gỡ của những phương tiện tạo nên tài năng của tác giả, cái nơi tác giả đem lại sự thỏa mãn cho một nhóm người trong xã hội. Nhà lý luận văn học Gérard Genette viết : « Những điều kiện thật sự của công việc văn chương là do ở một hệ thống những sức mạnh và những bó buộc mà trí óc sáng tạo chỉ là cái nơi gặp gỡ tóm lại của ngẫu nhiên, của ảnh hưởng không mấy quan trọng. »

        Nếu có hai cái tôi như Proust khẳng định là bởi vì tác giả sống trong hai thế giới : thế giới của thực tế xã hội và thế giới của hư cấu. Hai cái tôi phản ứng với nhau : « Một người, khi trở thành tác giả, trở thành người khác với khi trước », theo nhà triết học và phê bình Jean Starobinski. Người đó viết để làm sáng tỏ vấn đề với thế giới và với chính mình.

        Tiểu sử của tác giả không ích lợi gì nếu chỉ cho thấy tính biến cố của nó trong dòng lịch sử các sự kiện khi thì có chủ ý, khi thì có tính tiết lộ hay ngẫu nhiên. Tiểu sử tác giả sẽ đưa tới sự hiểu lầm nếu tiểu sử có tham vọng giải thích tác phẩm như một biểu hiện của đời sống hay của cá tính tác giả.

        Chúng ta có thể đi từ tác phẩm để phân tích những chủ đề, những cơ cấu, bút pháp, vừa tìm những lặp lại có tính ám ảnh, và để qua một bên vấn đề kỹ thuật, những lựa chọn trong lĩnh vực văn học. Còn lại cái chiều kích cá nhân của tác phẩm mà chúng ta có thể hiểu hơn trong quan hệ của tác phẩm với thử nghiệm về xã hội của tác giả, quan hệ với vị trí hệ tư tưởng, với vấn đề cá nhân của tác giả. Ở đây công việc phân tích trở thành phong phú cho thấy cách đối xử của tác giả trong xã hội và những điều tác giả đưa vào hư cấu.

        Công việc này tuy phức tạp và có tính giả thuyết nhưng tốt hơn là những linh tính mơ hồ, nó cho phép biết đến cái tương quan giữa tác phẩm và tác giả.

Tài liệu tham khảo :

  • Alain Brunn, L’Auteur, Flammarion, Paris, 2001.
  • Eric Bordas, C. Barel-Moisan…, L’Analyse littéraire, Armand Colin, 2015.