THƯ VÕ PHIẾN (1997)

 

 Trong tương lai, các nhà văn học sử sẽ có cơ hội nghiên cứu một hiện tượng nổi bật trong văn học Miền Nam : hiện tượng người nữ cầm bút. Chưa bao giờ người nữ mạnh dạn cầm bút như vào thời 54-75 và thẳng thắn bàn về mọi vấn đề nhìn từ phương diện của nữ giới.

Nhã Ca là một trong các nhà văn nữ đó và là tác giả có số lượng tác phẩm cao nhất. Ngoài những chủ đề liên quan đến người nữ như đời sống của người nữ sinh trong một thành phố Huế cổ kính, đặc điểm của Nhã Ca là viết về thảm họa chiến tranh. Từ xa, tôi hằng theo dõi cuộc chiến ở quê nhà và đau xót cho đất nước chìm trong khói lửa. Thế nên tôi đã dịch sang Pháp ngữ truyện Đêm Nghe Tiếng Đại Bác của Nhã Ca, như muốn chia sẻ nỗi đau với tác giả. Khi bản dịch đã hoàn thành, tôi liên lạc với Nhã Ca, bà vui vẻ đón nhận bản dịch.

Mặt khác, trong những năm 90, nhà xuất bản Philippe Picquier ở Pháp có cảm tình với văn học Việt Nam, nên đã nhận xuất bản bản dịch của tôi : Les canons tonnent la nuit.

Khi hay tin bản dịch ra mắt độc giả Pháp, nhà văn Võ Phiến từ Mỹ có thư chia mừng với tôi. Nhưng không chỉ đơn giản mừng cuốn sách ra đời ; từ nội dung truyện Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, Võ Phiến mở rộng tầm nhìn để cho chúng ta thấy tình cảm trong gia đình người Miền Nam, một biến đổi mới lạ về tâm lý và văn hóa chưa từng thấy.

Sau đây là thư của Võ Phiến.

Thưa Chị,

Nhân mừng cuốn sách chị dịch vừa ra đời, tôi kể lể với chị chút cảm nghĩ lúc đọc lại « Đêm nghe tiếng đại bác » (ĐNTĐB) ở Mỹ. Sách ra đã hơn 30 năm, một hôm đọc lại, xúc động thấy khác hẳn ngày xưa. Khác một cách ngộ nghĩnh. Ngày trước vì cái chết ngoài mặt trận ; bây giờ tâm trí lại bâng khuâng vì cảnh gia đình cô Quyên. Một gia đình ở Sài Gòn, ở hậu phương.

Chị xuất ngoại sớm, không biết chị kịp có thì giờ nhận thấy các đặc điểm của không khí gia đình trung lưu ở các đô thị Miền Nam trong vòng thập kỷ 60 về sau không ?

Chị để ý xem : Trong ĐNTĐB, hai chị em cô Quyên, buổi trưa nhổ tóc ngứa cho bố ngủ ; cô em nhìn bàn tay chị lúc chẻ rau, theo dõi những sợi gân xanh trên làn da trắng mà thương cho chị mòn mõi vì nhớ thương chờ đợi ; còn anh Phan gửi thư về thì giễu bố về chuyện mấy cô ở sở, giễu mẹ về ông Tây đen « bạn thân của mẹ » v.v…

Những điều như thế không thể tìm thấy trong truyện của các cụ Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân… đã đành, cũng khó lòng gặp trong các cuốn tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Trước 1945, ảnh hưởng nho giáo còn đậm, mọi người trong nhà dẫu yêu thương nhau tới đâu không khí vẫn nghiêm cách, tôn ti nề nếp giữ gìn kỹ. Con gái lớn không quá gần cha, con cái không dám đùa giễu mẹ cha về vấn đề nam nữ. Không ai nghi ngờ gì về tình cảm gia đình trong thời tiền chiến, nhưng tình cảm trong lòng dù nồng hậu vẫn không có lối biểu hiện tự do, bộc phát (spontané) như thằng Kim mong cơm thấy bố về thì nhảy cỡn lên hát vang điệu Frère Jacques « Giờ cơm đến rồi. Giờ cơm đến rồi », không có chuyện bà mẹ mắng yêu cả cha lẫn con : « Gớm, bố con nhà mày làm gì mà như chạy giặc vậy ? » v.v…

Mặt khác, hoàn cảnh chiến tranh khiến cho số phận mọi người con trai đều bất trắc, cho nên tình cảm gia đình càng dồn về họ. Cha mẹ và anh em chị em luôn luôn thấp thỏm về kẻ ở tiền tuyến. Chị em đêm đêm lắng tai nghe từng tiếng cựa mình của nhau, vì số phận người anh.

Tôi có người con trai đầu vừa học xong bị trưng tập ở mặt trận cao nguyên, có người con trai thứ ba đi Úc du học. Bây giờ vợ chồng tôi còn nhớ khi đứa cháu nội sinh ra ở Sài Gòn, cả nhà nghĩ về bố nó ở xa nên mẹ chồng con dâu, chị em dâu ríu ra ríu rít hết sức mật thiết. Và những lá thư con gái tôi (học trường Gia Long) viết hàng ngày qua anh nó bên Úc, bây giờ đọc lại thấy anh  em quấn quít thương yêu thân thiết lạ thường.

Vì ảnh hưởng văn hóa Tây phương và vì hoàn cảnh chiến tranh mà gia đình Việt Nam ở Miền Nam ta hồi ấy sống trong một bầu không khí nồng nàn yêu thương thật cảm động. Tôi nghĩ trước 1945 không có thế, mà sau 1945 ở miền Bắc  cũng không có thế. Chín năm kháng chiến, tôi sống ở Liên khu 5, nên đã thấy cảnh sống dưới chế độ cộng sản : chính trị làm lạnh hẳn không khí trong các tổ ấm. Người trong họ hàng gia tộc không dám tin nhau, con trẻ trong nhà chúng còn dại dột nên càng không dám tin.

Rốt cuộc sau 70 trên đời, bây giờ chúng tôi cứ luyến tiếc mãi cái không khí gia đình thời chiến ở các đô thị Miền Nam. Bấy giờ ai nấy thương yêu nhau, lo lắng cho nhau hết mình. Và lạ lùng là trong lo lắng người ta lại phát huy tinh thần lạc quan, hài hước. Ai nấy giễu cợt, dí dỏm.

Điều này không phải tôi chỉ căn cứ vào cuốn truyện của Nhã Ca và kinh nghiệm gia đình mình thôi đâu. Chị đọc Doãn Quốc Sỹ cũng bắt gặp cảnh gia đình ấy (Nhất là cuốn « Mình lại soi mình » mới xuất bản cách đây vài năm ở Mỹ ; sách viết ở Việt Nam).

Bấy nhiêu thành phần trong gia đình, sau 1975 kéo nhau đi Pháp, đi Mỹ, Gia nã đại, Úc, v.v… mà sinh sống thì lại không còn giữ được không khí xưa. Cứ mỗi ngày tương quan đối với nhau mỗi khác, tình cảm thay đổi, phong cách đối xử thay đổi. Càng trải qua đổi thay càng nhớ về cảnh cũ ở Sài Gòn. Nhớ thấm thía.

Và ngay ở Sài Gòn, bây giờ có lẽ trong các gia đình trung lưu tiểu tư sản, không khí gia đình cũng không còn như nếp sống trước 1975.

« Trải qua một cuộc bể dâu ! »

Tôi cao hứng kể lan man với chị cho vui. Sách chị, tôi vẫn chưa có ! Vả lại từ vài tháng nay tôi chưa có dịp gặp Từ (Trần Dạ Từ) và Nhã (Nhã Ca).

Cặp vợ chồng này ngày ngày sống ở tòa báo tại khu phố Bolsa, như tại một ngã tư lộng gió : bạn bè chật ních tòa soạn, suốt ngày nườm nượp. Bao nhiêu sách mà đủ phân phát cho đám bạn bao quanh họ. Tôi ở xa, chịu thiệt là phải thôi. Mặt khác, chị Nhã có thể nghĩ : « Lo gì. Võ Phiến quen với chị Liễu, lo gì thiếu sách ! »

Nhưng chị đừng vội vàng. Nếu chị định cho tôi một cuốn thì cứ thong thả, lúc nào tiện dịp cũng được, tội gì vội vàng hả chị !

Bên chỗ tôi ở, nam Cali, đã bắt đầu chớm lạnh. Bên chị chắc lạnh dữ rồi. Kính chúc chị sức khỏe và an vui.

Kính thư,

Võ Phiến

Los Angeles  10-30-97