TRUYỆN “YÊU” CỦA CHU TỬ NHÌN TỪ GÓC ĐỘ XÃ HỘI HỌC

 

Vào năm 1963, ở miền Nam, một cuốn tiểu thuyết ra đời và được sự đón nhận quá nồng nhiệt của độc giả, nó biến thành một hiện tượng. Tôi muốn nói đến cuốn truyện Yêu của Chu Tử. Trong lời tựa cho lần tái bản thứ hai, tác giả cho biết cuốn Yêu lần đầu tiên ra mắt, được in 5.000 bản và đã bán hết trong vòng hai mươi lăm ngày. Kết quả vượt xa sự chờ đợi của tác giả và nhà xuất bản

Điều gì đã lôi cuốn người đọc ? Chắc chắn là cái tựa đề Yêu, nhưng nếu chỉ là cái tựa đề thì sự lựa chọn quá nông cạn. Phải nói cốt truyện hấp dẫn với những mối tình lãng mạn, ngoài thông lệ, và những nhân vật nữ có cá tính sâu sắc, ăn nói ngỗ ngáo, sống sượng hay dịu dàng, lãng mạn, như ở ngoài đời. Chu Tử đã đem một cái gì mới lạ đến với người đọc, làm người đọc không khỏi kinh ngạc, cảm thấy có điều gì lạ lẫm đang biến đổi cách suy nghĩ, cách nhìn đời, cách hành động của các nhân vật trong truyện. Phải chăng truyện Yêu phản ánh sự chuyển mình của xã hội thời đó ?

Có nhiều cách tiếp cận một tác phẩm văn học. Trường hợp tác phẩm Yêu, chúng ta cần đến cái lưới đọc của xã hội học để xem xét những dấu hiệu nào đã làm nên cái mới lạ của truyện.

I Nội dung truyện

Chu Tử đưa chúng ta vào một thế giới của tình yêu mà theo các nhân vật, đó là thứ tình yêu do số kiếp, do định mệnh an bài. Thúc và Hòa có bốn cô con gái : Uyển, hai mươi hai tuổi, sinh viên luật khoa, có sắc đẹp lộng lẫy, khiêu gợi, Diễm, hai mươi tuổi, đẹp kín đáo, mơ màng, Huyền, mười tám tuổi, có vẻ đẹp lạ lùng nhờ có mắt hơi lác, Tuyết mười sáu tuổi, học trường Tây, có vẻ đẹp Tây phương. Thúc là một giáo sư triết học, đa cảm, phóng khoáng, xuề xòa, Hoà, vợ Thúc, là một phụ nữ tôn trọng đạo giáo truyền thống. Ba cô gái lớn đã đến tuổi lấy chồng nên không thiếu gì đàn ông giàu có lui tới.

Vào truyện, Thúc báo cho gia đình biết Đạt, bạn của Thúc và là thầy dạy học của bốn cô con gái, có ý định hỏi Diễm làm vợ. Cả gia đình kinh ngạc, mỗi người phản ứng mỗi cách. Uyển, tự ái bị tổn thương, mặc dù Uyển dửng dưng với Đạt, vụt hỏi : « Sao ông ấy không hỏi con, Ba nhỉ ? ». Hòa tỏ vẻ khó chịu, bực mình, bà không chấp nhận một người bạn của chồng, gần bằng tuổi chồng, và là thầy dạy học các con mình, lại muốn đi hỏi một đứa con của mình. Vả lại, bà muốn Diễm lấy Khải, một sinh viên y khoa sắp ra trường, đẹp trai, con nhà giàu. Còn Diễm bồi hồi, im lặng. Huyền tính tình đôn hậu, được mọi người tin cậy và tâm sự, kể cả Đạt. Huyền báo cho gia đình biết hai chuyện do Đạt kể. Chuyện thứ nhất là khi Diễm còn bé, có lần chú Đạt bế Diễm đi tắm suối và Diễm nói sau lớn Diễm sẽ lấy chú Đạt. Với thời gian, lời nói ngây thơ đó đã làm cho Đạt yêu Diễm. Diễm cũng bắt đầu nhớ lại chuyện xưa. Chuyện thứ hai là chuyện Đạt thân với bà Hằng. Nhưng giữa hai người chỉ có tình bạn. Vào thời kháng chiến, Hằng mồ côi mẹ, phải tự lo thân, mặc dù đã có tiền của. Hằng dựng lên một quán nước để giúp những anh dân quân đi đường xa. Hằng có vẻ đẹp quyến rũ, lại bồng bột yêu nước bằng cách sẵn sàng « ủng hộ sinh lý » cho những phần tử tranh đấu nếu cần. Thanh, một anh đại đội phó mê Hằng, một đêm mò đến nhà Hằng, liền bị một anh dân quân tên Đa cũng mê Hằng, nổi ghen, tri hô. Thế là cả Hằng và Thanh đều bị bắt, ra tòa. Dạo ấy Đạt làm dự thẩm. Ông chánh án là một người thuộc sắc tộc thiểu số, ông ta cũng thèm muốn Hằng, bèn lập mưu để tên Đa thoả mãn dục tình, rồi đến lượt ông ta. Sau này khi Đạt gặp lại Hằng thì Hằng có một đứa con, để giữ tiếng cho Hằng, Đạt nhận đứa con là con của mình. Hòa muốn triệt hạ uy tín của Đạt trước mặt con cái nên tỏ vẻ nghi ngờ đứa bé là con thật của Đạt. Huyền cũng cho biết hiện Hằng sống ở Sài gòn với đứa con. Càng ngày Đạt càng tỏ tình với Diễm và Diễm cũng bắt đầu cảm thấy yêu Đạt, nhưng biết mẹ mình chống đối, Diễm dè dặt. Tuấn, một người học trò cũ của Thúc, nay là một họa sĩ, rất mê cờ bạc, luôn luôn cần tiền. Huyền vì lòng thương người muốn chạy chọt để giúp Tuấn. Đạt muốn đỡ lấy gánh nặng của Huyền, bèn đến làm quen với Tuấn với ý định khuyên răn Tuấn. Nhưng tại nhà Tuấn, Đạt gặp Trang, em của Tuấn và là một vũ nữ. Đạt khó nhận ra ở người vũ nữ ăn nói bạo dạn, cay cú, có nhiều mánh khóe để làm đàn ông mê say, cô học trò khi xưa của mình, nhút nhát và hay khóc. Vì là nạn nhân của một người bạn của Tuấn, Trang đã hóa thành vũ nữ. Trang thù ghét đàn ông và có tiếng là thứ « rắn hổ mang ». Trang ghét nhất bọn con gái nhà lành, khi được biết Đạt và Diễm yêu nhau, Trang quyết phá tình yêu của hai người. Về phần Tuyết và Huyền, trong lúc Hoà và Uyển đi Đà lạt, hai cô thấy bố mêt mỏi, bơ phờ, mới nảy ra cái ý đưa bố đến nhà bà Hằng để bố vui. Đang lúc tâm hồn trống trải, Thúc nhận lời. Không ngờ khi Thúc và Hằng gặp nhau, hai người bỗng yêu nhau như hỏa diệm sơn bốc lửa. Sau đó Thúc và Hằng lại rủ nhau đi Vũng Tàu để tiếp tục sống một cuộc tình say đắm. Khi Hòa trở về và được biết chồng mình đã ngoại tình, bà có một phản ứng im lặng, lạnh lùng, làm mọi người trong gia đình đâm ra lo sợ. Không khí gia đình không còn êm ấm nữa. Thúc bị thổ huyết, phải vào bệnh viện. Diễm mặc dù yêu Đạt, phải nhận làm lễ cưới gấp với Khải để đem lại niềm vui cho gia đình. Diễm quả quyết với Đạt và mọi người rằng Diễm sẽ tạo hạnh phúc với Khải, và sự quyết định của Diễm không phải là một hành động hy sinh. Về phần Đạt, Đạt đau đớn thấy Diễm đành tâm cắt đứt, Đạt quả quyết với Diễm Đạt vẫn chờ đợi. Còn Trang càng thấy Đạt đau khổ vì Diễm càng tức giận vì Trang đã bắt đầu yêu Đạt. Từ ngày Thúc nằm bệnh viện, gia đình túng quẫn, Uyển, tuy yêu Hướng, một sinh viên nghèo, vẫn muốn làm tiền một trong những người đàn ông giàu có theo đuổi Uyển, để có tiền giúp gia đình. Hướng nghi ngờ, theo dõi đến chỗ hẹn của hai người, và Hướng đã thẳng tay hành hung người đàn ông. Hướng bị bắt, bị vào tù. Bệnh tình của Thúc ngày càng trầm trọng. Nghe lời khuyên của bác sĩ Thoại, bạn của Thúc và là người yêu thầm nhớ trộm Hòa khi xưa, Hòa chẳng những tha thứ cho chồng mà còn mời Hằng đến gặp Thúc. Sau khi Thúc chết, Hằng hạ sinh một đứa con trai. Cũng sau ngày Thúc chết, để gia đình bớt túng quẫn, Huyền xin phép mẹ nghỉ học để đi dạy, Tuyết xin đi hát, Diễm từ khi lấy chồng, mặc dù cố gắng tạo hạnh phúc, nhưng vì Khải ghen nên cảnh gia đình cơm không lành canh không ngọt. Khi Đạt biết Uyển gia nhập hội cờ bạc bịp của Tuấn và lãnh cái việc đi dụ những người đàn ông giàu có bất lương về để Tuấn lột tiền, thì Đạt có ý khuyên nhủ Uyển, trước thái độ hỗn xược của Uyển, Đạt nhận thức vì mình đã yêu Diễm nên mất uy tín với Uyển. Và Đạt có mặc cảm tội lỗi. Uyển và Tuấn bị bắt, bị vào tù. Đối với Uyển, ở tù chung chạ với những cô gái mại dâm là một kinh nghiệm đã biến đổi con ngưòi Uyển, Uyển bắt đầu biết thương những người thiếu may mắn hơn mình. Đạt nhờ luật sư Hoàng, một người bạn, biện hộ cho Uyển. Diễm đã đi lấy chồng, Đạt không còn hy vọng gì nữa, khi Diễm khuyên Đạt nên lấy Trang thì Đạt mệt mỏi để Uyển, lúc đó đã ra tù, và Diễm đứng làm chủ hôn. Sau ngày cưới, Đạt và Trang đi Vũng Tàu một tháng. Còn Diễm và Khải khi ở tiệc cưới ra về, Khải lái xe nhưng vì say rượu, Khải đã gây tai nạn và chết, Diễm bị thương. Một tháng sau, khi hay tin, Đạt sững sờ và có phần quên sự hiện diện của Trang bên cạnh mình. Đạt vẫn còn yêu Diễm.

Thoại đưa Uyển và Huyền vào thăm bệnh viện người cùi và giới thiệu Hội  Bạn những người cùi của ông. Ông ao ước Huyền và Uyển sẽ gia nhập hội, quên cái đau khổ giả tạo của mình để giúp những kẻ đau khổ thật sự. Bất ngờ trong đám bệnh nhân, Uyển nhận ra Trường là người sinh viên trước kia yêu Uyển và đã bị Uyển nhục mạ. Trường từ chối không muốn gặp Uyển, còn Uyển bị sốc và vô cùng hối hận. Trường tự tử sau khi để lại cho Uyển một bức thư đầy oán hờn. Với tư cách là bác sĩ tâm thần, Thoại lập mưu với Hướng vừa ở tù ra, làm một buổi cầu cơ với sự có mặt của Huyền và Uyển với mục đích chửa tâm bệnh cho Uyển. Trong lúc cơ lên, Hướng giả vờ cho Trường lên tiếng nói chuyện với Uyển, Trường khuyên Uyển nên giúp hội Bạn những người cùi, Uyển tin đây là cơ hội để Uyển đền tội. Thế là Uyển nảy ra cái ý gửi thư cho những người đàn ông giàu có đang đeo đuổi mình, và cho họ biết Uyển sẽ nhận làm vợ người nào bằng lòng hiến dâng tài sản của mình cho hội Bạn những người cùi, vì Uyển vẫn tin tưởng vào sắc đẹp đầy sức quyến rũ của mình. Nhưng chẳng có ai trả lời. Uyển chán chường, cảm thấy sắc đẹp của mình là một cái vạ. Nghe tin Tuấn trúng số, Uyển đến gặp Tuấn với mục đích đoạt trọn tiền của Tuấn cho người cùi. Nhưng Tuấn cũng là kẻ tham tiền, cuối cùng Uyển thất thân với Tuấn mà chẳng được gì. Uyển lâm trọng bệnh và từ giã cõi đời.

II Tác phẩm Yêu qua lưới đọc xã hội học

 Khi nhà văn viết một truyện hư cấu, bao giờ nhà văn cũng dựa vào những yếu tố, những chi tiết có thật ngoài đời, nhờ thế truyện hư cấu có tính thuyết phục và lôi cuốn người đọc. Cho nên văn chương, nói rõ hơn truyện văn xuôi, mang dấu ấn của xã hội. Nhà văn Pháp Louis de Bonald, vào thế kỷ 19, đã từng nhận xét : La littérature est l’expression de la société, comme la parole est l’expression de l’homme (Văn chương là sự biểu đạt của xã hội, như lời nói là sự biểu đạt của con người). Lời nhận xét này dọn đường cho ngành phê bình văn học theo xã hội học.

1/ Những bước tiến của phê bình văn học theo xã hội học

Việc hình thành của phê bình văn học theo xã hội học đã qua nhiều giai đoạn. Khởi đầu là những lý luận của hai nhà triết học Mác xít Georg Lukács (1885-1971) và Lucien Goldmann (1913-1970), họ quan niệm tác phẩm văn học như một yếu tố của kiến trúc thượng tầng, như một « phản ánh » của một bối cảnh hay của một hệ tư tưởng. Thế hệ phê bình Mác xít đến sau gồm có : Louis Althusser, Jacques Dubois, Renée và Etienne Balibar và Pierre Macherey. Họ cố định nghĩa văn chương như hình thức của một hệ tư tưởng có biệt tính. Diễn giải của họ là một diễn giải theo chủ nghĩa duy vật.

Rồi đến phê bình văn học theo xã hội học hiện nay. Các nhà phê bình muốn cách đọc văn bản phải làm nổi bật Lịch sử và xã hội, phải tìm hiểu xã hội đi vào tác phẩm văn học như thế nào, tìm những âm vang của diễn ngôn xã hội và diễn ngôn của Lịch sử. Đọc tác phẩm theo phương pháp của xã hội học là đọc cái minh bạch, rõ ràng và nhất là đọc cái được hiểu ngầm.

Đọc tác phẩm văn học theo phương pháp xã hội học không có nghĩa là đem những lý luận đã có trước ứng dụng vào tác phẩm. Vì những lý luận đó tuy đã có công đi tiên phong trong ngành xã hội học, nhưng chúng đã được đặt trên nền tảng của Lịch sử và những xã hội thời xưa.

Ngày nay, mọi cách đọc đều là một phát minh, một sáng tạo và là một công việc nghiên cứu. Việc đọc ở mức độ của nó, nó góp phần vào việc phong phú hóa và vào sự tiến bộ của tâm thức xã hội và lịch sử, cũng như viết và sáng tạo vậy. Việc giải thích văn bản ngay cả khi nó dựa vào những phát hiện của lý luận xưa, nó có thể góp phần vào việc uốn nắn cái tâm thức về hiện thực dưới nhiều khía cạnh, mặc dù đây là một uốn nắn bấp bênh. Chính ở mức độ của việc giải thích, cũng như ở mức độ của viết và sáng tạo, mới luôn luôn có một tổng hợp mới giữa cơ sở hạ tầng / kiến trúc thượng tầng, giữa tâm thức / phi tâm thức, giữa hình thức cũ được bảo tồn / hình thức mới được tạo nên, v.v…

Vậy cách đọc theo phê bình xã hội học là một vận hành không chỉ khởi đầu bằng những văn bản sáng lập, mà cốt yếu khởi đầu bằng sự nghiên cứu và bằng một cố gắng tìm tòi để làm xuất hiện những vấn đề mới và đặt ra những câu hỏi mới.

2/ Nhìn lại người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa

Truyện Yêu không khỏi làm người đọc kinh ngạc trước những đổi thay của người phụ nữ trong xã hội miền Nam vào những năm 60. Để có cái nhìn đối chiếu chỉ cần xem qua vài tác phẩm văn học trong quá khứ.

Truyện Lạnh lùng của Nhất Linh chẳng hạn, ra mắt độc giả năm 1936, kể một người phụ nữ tên Nhung góa chồng vào lúc hãy còn rất trẻ, tâm hồn dễ say đắm, khao khát yêu đương, nhưng bị giam cầm trong lễ giáo truyền thống. Tiết hạnh khả phong, Nhung phải thờ chồng, thủ tiết với chồng suốt đời. Khi biết Nhung lén lút yêu Nghĩa, bà Án, bà mẹ chồng, mắng người làm, nhưng thật ra để ám chỉ Nhung. Bà nói với con Nhài : Thôi biết điều thì về với chồng con cho phải đạo vợ chồng. Đừng có học cái thói lăng loàn ấy nữa, làng nước người ta cười cho. Chúng mày tưởng rằng nhà hạ lưu thì không cần gì sao ? Người sang thì tiếng lớn, người hèn thì tiếng nhỏ, nhưng ở đời ai cũng có danh tiếng của mình (1). Trong cách nhìn của bà Án, Nhung không có chút may mắn nào để tìm được hạnh phúc cho đời mình.

Đó là thân phận người phụ nữ bị lễ giáo, đạo đức nghiền nát vào những năm 30. Qua những năm 40 thì sao ? Trong truyện Một người đàn ông đi tìm một người đàn bà của Vũ Bằng, đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, năm 1942, người phụ nữ đã được tự do buôn bán, tự do gặp gỡ đàn ông. Trâm yêu Hải, nhưng Trâm phải chấp nhận làm vợ bé của Hải. Một hôm Hải ra đi để xây mộng làm giàu, nhưng cảm thấy không cần cho Trâm biết. Trâm tưởng Hải đã chết, nên khóc lóc đau khổ. Đàn bà chung quanh xúm lại an ủi, có bà nói : Mình là đàn bà, mình buôn bán làm ăn thủ phận. Còn đàn ông phải để cho họ bay nhảy chứ… Một lần nữa, người phụ nữ tuy tương đối được tự do, nhưng vẫn thiệt thòi, vẫn phải an phận, chấp nhận làm vợ bé tức một địa vị không chính thức, chấp nhận sự coi thường của người chồng : đàn bà không xứng đáng chia sẻ những tham vọng của chồng.

Hai thập niên sau, vào những năm 60, ở miền Nam đã có nhiều thay đổi. Học giả Lê Văn Siêu, trong bài nói chuyện Những lối nói Việt-Nam, ngày 25-3-1962, tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài gòn, đã nói về xã hội cũ và xã hội mới : Hai con người mới và cũ ở hai xã hội mới và cũ ấy, hẳn là phải khác nhau, mặc dầu trong những cốt cách vẫn còn nguyên vẹn một con người Việt Nam, không giống một con người nào khác trên thế giới… Tác giả nhận xét sự khác biệt giữa cũ và mới trong lối sống, lối hiểu, lối suy nghĩ và lối nói. Về người phụ nữ thì tác giả nói : Ngày xưa, người con gái chưa chồng, không bao giờ dám nói chuyện đàng hoàng với những người trai không quen biết. Ngay giữa nơi hội hè đình đám cũng e thẹn, có cạy răng ra mới nói nửa lời, mà cũng còn đắn đo chán ra, để tránh sự xuyên tạc, tránh những ký hiệu và biểu tượng gì khiến người ta có thể hiểu sai. Nhưng ngày nay thì các cô giao thiệp bạo dạn lắm (2).

3/ Bối cảnh văn hóa trong truyện Yêu

Đặc tính của phê bình theo xã hội học là thiết lập những liên hệ giữa xã hội và tác phẩm văn học, và miêu tả những liên hệ đó.

Cuốn Yêu ra đời năm 1963, non mười năm sau ngày ký Hiệp định Genève chia đôi đất nước ; xã hội thời tiền chiến đã dần dần lùi vào dĩ vãng, miền Nam đang tin tưởng xây dựng tương lai, và xã hội miền Nam đang chuyển dần từ cái cũ sang cái mới. Xã hội trong truyện Yêu phản ánh xã hội bên ngoài, tuy đây là một truyện hư cấu. Những nhân vật trong truyện thuộc giới trung lưu, trí thức, ngoài luật sư Hoàng và bác sĩ Thoại là những người có chức vị trong xã hội, có tiền của, các nhân vật chính : Đạt, Thúc là những nhà giáo mơ mộng, lãng mạn, giàu chữ nghĩa nhưng nghèo tiền bạc. Cũng cần nhắc lại tác giả Chu Tử trước khi trở thành nhà báo, nhà văn đã từng là nhà giáo.

Về phương diện văn hóa, ảnh hưởng của Pháp vẫn còn sâu đậm. Bài thơ tủ  mà Đạt thường giảng cho học trò của mình là bài thơ La mort du loup (Cái chết của con chó sói) của Alfred de Vigny. Trong một thư của Diễm gửi cho Đạt, Diễm thú thật sở dĩ mê tác giả Pháp Pierre Benoit là vì ông này năm sáu mươi tuổi mới lấy con một người bạn, một cách để Diễm tỏ tình với Đạt. Còn Hằng, người yêu của Thúc, cũng là một nhà giáo, bình luận dong dài về triết lý bi đát (la Philosophie tragique) của Clément Rosset, khi bà nhắc đến tình yêu trong tác phẩm A farewell to arms (Giã từ vũ khí) của Hemingway. Uyển thì khi chết có để lại mấy trang nhật ký kể nội dung kịch phẩm Le malentendu (Ngộ nhận) của Camus, để kết luận rằng : cuộc đời tàn bạo, bi đát.

Ngoài những tác phẩm Tây phương được trích dẫn, các nhân vật trong truyện Yêu có lúc cũng dùng Pháp ngữ xen kẻ vào lời nói của mình. Thúc cho Đạt là một rêveur incorrigible (một người mơ mộng không chữa được). Trang tự cho mình là một thứ voleuse d’amants (một thứ đàn bà cướp người yêu). Trang lại còn pha thêm tiếng Anh : Such is life (Đời là thế).

Không gian của truyện gồm những nơi chốn thể hiện những hoạt động của một xã hội đương đại : trụ sở cảnh sát, nhà tù, bệnh viện người cùi, phòng trà, vũ trường…

Một xã hội do đồng tiền chế ngự. Uyển dùng sắc đẹp của mình để quyến rủ những người đàn ông giàu có. Đặc biệt Tuấn là nhân vật biểu tượng cho sự ham muốn đồng tiền. Anh ta nói : Người ta chỉ triết lý suông khi nào không có tiền, chứ đã có tiền rồi, thì …a-lê-hấp ! sống đã chứ ! (tr. 97)

4/ Từ xã hội cũ đến xã hội mới

Trong tác phẩm Yêu, những dấu ấn của xã hội xưa vẫn tồn tại, như chủ nghĩa gia trưởng (paternalisme), quan niệm thứ bậc giữa thầy trò, hôn nhân phải do cha mẹ sắp đặt. Chủ nghĩa gia trưởng vẫn tồn tại nơi những người đàn ông có tuổi tác, chức vị. Khi Uyển bị bắt và đưa đến ông biện lý, ông này có giọng quở trách như một người cha mắng con : Cô là một thiếu nữ có học, con nhà gia giáo… Cha cô là một giáo sư, vậy mà sao cô hư hỏng sớm thế ? (tr.314)

Và trước thái độ sừng sộ của Uyển, ông biện lý lên giọng nghiêm khắc : Được lắm ! Tôi sẽ dạy cho cô biết tôn trọng mọi người. (tr. 314)

Một nhân vật khác cũng có thái độ và hành vi của một người gia trưởng. Đó là Thoại. Thoại là một bác sĩ tâm thần nhưng lại hướng dẫn chị em Uyển như một gia trưởng. Ông đưa Huyền và Uyển đến một bệnh viện chữa người cùi và giảng cho hai chị em biết là ở đời có những kẻ đau khổ thật sự như những người cùi. Ông khuyến khích hai chị em tham gia vào hội giúp người cùi của ông. Ông giảng rất hăng, và từ vai trò một gia trưởng ông bước sang vai trò một nhà truyền giáo. Khi Uyển ra tù, Thoại muốn cứu Uyển khỏi cái ám ảnh đã vô tình giết Trường. Hành động của Thoại là hành động của một người cha muốn cứu đứa con.

Lễ giáo, kỷ cương của thời xưa đặc biệt được nhân vật Hòa bênh vực mạnh mẽ. Hòa là một phụ nữ đoan chính, luôn luôn làm tròn bổn phận một người vợ, một người mẹ. Trước vụ ngoại tình của chồng, bà nghĩ nếu bà ở trong hoàn cảnh của chồng, bà sẽ có đủ nghị lực để chống trả sự cám dỗ, vì bà đặt bổn phận trên tình cảm. Bà cũng tôn trọng quan niệm thứ bậc giữa thầy trò như trong xã hội xưa. Cho nên khi hay tin Đạt ngõ ý muốn hỏi Diễm làm vợ, bà kinh ngạc, rồi lấy làm bực tức, khó chịu, bà nghiêm khắc chỉ trích Đạt và tìm cách triệt hạ uy tín của Đạt. Bà nói với Đạt : Thời buổi này, thiếu gì những giáo sư đã lợi dụng uy tín, địa vị của mình để quyến rũ học trò mình… Một ông giáo sư mà muốn chiếm đoạt tình yêu của học trò mình thì còn gì dễ dàng bằng, còn gì thuận tiện bằng… Nhưng dù người ta có viện bất cứ lý do gì để bào chữa, tôi vẫn cho rằng làm như vậy tức là lợi dụng, tức là sang đoạt tình cảm, và một người giáo sư dù có yêu thực tình, cũng không có quyền lấy học trò của mình. Một giáo sư dù vô tình hay hữu ý – làm cho học trò của mình say mê mình – tức là có tội rồi… (tr. 106)

Và Hòa đã dùng uy quyền của một người mẹ để buộc Diễm lấy Khải. Khi Diễm xin phép mẹ đến gặp Đạt lần cuối trước khi lấy chồng, Hòa nhắc con :… con cần nhớ là con đến thăm ông ấy để thanh toán tình cảm, chứ không phải để làm cho tình cảm thêm rắc rối. (tr. 193)

Hòa cũng có quan niệm truyền thống về người phụ nữ. Sau khi nghe kể chuyện Hằng thất thân dễ dàng với đàn ông, Hòa cho Hằng là thứ « đàn bà thối thây ».

Khi lãng mạn hóa tình yêu giữa thầy trò, có thể nói Chu Tử đã đánh dấu một cuộc cách mạng trong cách cư xử giữa thầy trò và dọn đường cho những tác phẩm khác cùng chủ đề, như cuốn Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, ra năm 1966. Chu Tử đã xóa bỏ cái ranh giới giữa thầy trò, làm đảo lộn thứ bậc giữa thầy trò, do đó uy tín của người thầy bị suy sụp. Khi Uyển nghe Đạt khuyên can mình đừng gia nhập tổ chức cờ bạc bịp của Tuấn thì cô tức giận, trở nên hỗn xược, cô không còn gọi Đạt là thầy mà là anh : Tôi vẫn đinh ninh là từ khi anh tỏ tình yêu với con Diễm, thì anh cũng tự động chối bỏ cái chức « thầy » đối với chúng tôi, cái địa vị « bạn bè » đối với Ba tôi… Chứ anh vừa muốn yêu con Diễm, vừa muốn đóng vai « thầy» của chúng tôi, bạn của Ba chúng tôi, đâu có được ! (tr. 300)

Còn cô vũ nữ Trang, cũng là học trò của Đạt và yêu Đạt ; khi thấy Đạt đau khổ vì phải đoạn tuyệt với Diễm, mà lại điên cuồng muốn hôn Trang, thì Trang đâm ghen tức, phẫn nộ và thẳng thắn mắng chửi Đạt : Anh là một đứa đê hèn, một đứa khốn nạn, anh biết không ? Anh cao thượng, anh đứng đắn, anh không dám hôn con khốn nạn, anh nhè tôi anh hôn, vì tôi là con đĩ, ai hôn mà chả được ! Tôi ghê tởm cái đứng đắn, cao thượng của anh ! (tr. 211)

Nếu uy tín của người thầy bị sụp đổ trong đời sống tình cảm, thì ngoài xã hội, uy tín đó vẫn tồn tại. Bằng chứng khi Tuyết tập tành làm ca sĩ, ra trình diễn ở một phòng trà, có một nhóm du đãng, bộ hạ của một nữ ca sĩ khác cạnh tranh với Tuyết, lao vào phá đám, hăm dọa Tuyết, thì bất thình lình Đạt xuất hiện, tên du đãng cầm đầu nhóm nhận ra Đạt là thầy cũ của mình, bèn ra lệnh cho đàn em rút lui êm thấm.

Vậy trong truyện Yêu, Hoà là người của xã hội truyền thống, xã hội cũ. Đối diện với Hoà có hai người con gái sống theo thời mới, xã hội mới, đó là Trang và Uyển. Trang vì hoàn cảnh đưa đẩy đã trở thành một vũ nữ, tuy thế Trang căm ghét đàn ông, cô sống một cuộc đời độc lập, đơn độc, cho đến khi gặp lại thầy cũ là Đạt và làm vợ Đạt. Chẳng những Trang xóa thứ bậc thầy trò qua hôn nhân, mà cô còn mắng nhiếc Đạt khi nổi cơn ghen.

Còn Uyển là một cô gái đã thoát xa khuôn phép của lễ giáo xưa. Cô ăn nói tự do, không chút dè dặt ; khi nghe bố báo tin thầy Đạt muốn đi hỏi Diễm làm vợ, Uyển phản ứng ngay : Sao ông ấy không hỏi con, Ba nhỉ ? (tr. 13) Cách ăn nói bộc trực như thế hoàn toàn khác xa sự e lệ, dè dặt của các cô gái thời trước do học giả Lê Văn Siêu miêu tả trong bài nói chuyện của ông. Uyển biết mình đẹp, đầy tự tin, cô sống tự do, sống bất cần đời, cô chưa biết tình yêu thật sự và chỉ xem đàn ông với cái nhìn đầy vụ lợi, vụ lợi không riêng cho cô mà cho những người cô thương. Thật ra Uyển giàu tình thương người, trong thời gian ở tù cô cảm thấy thương những người bạn tù, rồi cô thương người cùi. Nhưng vì những tính toán điên rồ, Uyển đã rơi vào tuyệt vọng và đi đến cái chết.

Hoà và Uyển là hai thái cực, hai biểu tượng đi ngược nhau : Hoà là biểu tượng của xã hội xưa và Uyển là biểu tượng của xã hội hiện đại.

Truyện Yêu tiết lộ một hiện tượng lịch sử, xã hội quan trọng : sự chuyển mình của xã hội miền Nam vào những năm 60. Sự chuyển mình đó trước hết do ảnh hưởng của văn hóa Pháp để lại. Sau nữa xã hội miền Nam là một xã hội tự do, cởi mở, dễ dàng tiếp nhận những tập tục, những học thuyết mới đến từ Tây phương. Do đó dù muốn dù không xã hội miền Nam cũng đổi thay, những ranh giới chia cách thứ bậc giữa cha mẹ, con cái, giữa thầy trò đều bị xóa mờ ; con cái nói chuyện ngang hàng với cha mẹ, bông đùa với cha mẹ, như Tuyết khi cô can thiệp vào những tranh cãi của cha mẹ ; học trò không còn kính nể thầy như trước. Và điều quan trọng nhất là trong cái xã hội mới của miền Nam, bỗng nhiên nữ quyền biểu lộ mạnh mẽ ; người phụ nữ như Uyển trở nên hoàn toàn tự do, tự do trong cách suy nghĩ, ăn nói, đối xử với kẻ khác, tự do lựa chọn đời sống theo ý mình. Yếu tố quyết định của sự biến đổi này là học vấn, học vấn giải phóng người phụ nữ, nhờ học vấn địa vị của người phụ nữ được nâng cao trong xã hội. Có thể nói, qua truyện Yêu, nữ quyền là một trong những động lực của sự chuyển mình của xã hội miền Nam.

 

 

Chú thích :

(1)  Nhất Linh, Lạnh lùng, Nxb Hội Nhà Văn, 2010, tr. 103.

(2) Lê Văn Siêu, Văn Minh Việt Nam, tr. 216.