TẠI SAO VIẾT ?

Khi thưởng thức một tác phẩm văn chương, người đọc có thể thắc mắc tự hỏi tại sao tác giả đã bỏ công sức để viết, để cho ra đời tác phẩm đó. Câu hỏi này đã được nhiều nhà văn Tây phương trả lời. Lại có những nhà văn đi xa hơn câu hỏi Tại sao viết ? để đưa ra một định nghĩa của viết. Những lời đáp sau đây có thể làm sáng tỏ phần nào vấn đề viết, và cho thấy những uẩn khúc của sự sáng tạo (1).

André Gide, nhà văn có nhiều tác phẩm đã đi vào sử văn học Pháp như : La Porte étroite (Khung cửa hẹp) La Symphonie Pastorale (Khúc giao hưởng đồng quê), tự truyện Si le grain ne meurt (Nếu hạt giống không chết), v.v… André Gide đã viết : Những lý do thúc đẩy tôi viết thì nhiều, và những lý do quan trọng nhất hình như là những lý do bí ẩn nhất. Nhất là cái lý do này : làm cho cái gì đó tránh khỏi cái chết.

Michel Butor, nhà văn thuộc nhóm Tiểu Thuyết Mới, năm 2013 được Giải Thưởng Lớn Văn Học của Viện Hàn Lâm Pháp cho toàn thể tác phẩm của ông. Michel Butor khẳng định : Tôi không viết tiểu thuyết để bán, nhưng để có sự nhất quán trong đời tôi ; viết đối với tôi là một cột sống. (Michel Butor, Répertoire)

Alain Robbe-Grillet, cùng với Nathalie Sarraute, được xem là người đứng đầu nhóm Tiểu Thuyết Mới. Trong cuốn Pour un nouveau roman (Biện hộ cho một tiểu thuyết mới), ông đã tỏ ra như một nhà lý luận của tiểu thuyết mới. Alain Robbe-Grillet giải thích : Và khi người ta hỏi nhà văn tại sao ông đã viết cuốn sách của ông, ông ta chỉ có mỗi một câu trả lời : Tôi viết để thử biết tại sao tôi muốn viết cuốn sách đó. Lời đáp có vẻ hóm hỉnh, nhưng sự thật đó là định nghĩa của một dự án cơ bản về sáng tạo văn chương. Sáng tạo là mãi mãi tìm kiếm.

George Orwell là tác giả của tác phẩm nổi tiếng 1984. Theo nhà phê bình Simon Leys trong cuốn biên khảo Le Studio de l’inutilité, thì việc sáng tác cuốn 1984 đối với George Orwell là một sự chiến đấu đến kiệt sức, bởi vì tác giả cố gắng biến cái nhìn có tính chính trị thành một tác phẩm nghệ thuật. Trong tiểu luận Tại sao tôi viết, George Orwell tuyên bố : Tôi không thể cần cù viết một cuốn sách, cũng không thể viết một bài dài cho một tạp chí, nếu đồng thời công việc đó không phải là một thử nghiệm thẩm mỹ. Viết tiểu thuyết đối với ông là một đam mê lớn nhưng là một đam mê đáng ghét, vì Viết một tiểu thuyết là (đi vào) một cơn hấp hối.

Jean-Paul Sartre vừa là nhà triết học vừa là nhà văn. Trong lĩnh vực triết học, Sartre không phải là ông tổ của thuyết hiện sinh. Nhà triết học Emmanuel Mounier nói đến Cây thuyết hiện sinh (L’arbre existentialiste), nếu tạm không nói đến gốc cây, thân cây mà chỉ nói đến nhánh, thì cái cây hiện sinh có nhiều nhánh, có nhánh hiện sinh Kitô giáo với Emmanuel Mounier, Gabriel Marcel, có nhánh hiện sinh vô thần với Heidegger và Sartre. Sartre đã làm cho thuyết hiện sinh vô thần khởi sắc với các cuốn L’Être et le Néant (Bản thể và hư vô) (1943), L’existentialisme est un humanisme (Thuyết hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản) (1946), thuyết đó nổi tiếng một thời, và sau Đệ nhị thế chiến đã lôi cuốn giới trẻ lui tới những hầm rượu khu Saint-Germain-des-Prés ở Paris.

Là một nhà văn nổi tiếng, Sartre là tác giả của những cuốn tiểu thuyết : La Nausée (Buồn nôn), Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do), của tập truyện ngắn Le Mur (Bức tường), của cuốn tự truyện Les Mots (Chữ nghĩa), của bộ biên khảo văn học Situations. Ông cũng là tác giả của nhiều kịch bản. Với tự truyện Les Mots (1964), Sartre đã đạt đến cao điểm trong văn nghiệp của mình. Năm 1964, Sartre được Giải Nobel Văn chương, nhưng ông từ chối lãnh giải thưởng. Suốt đời ông tham gia nhiều cuộc tranh đấu và có khi ủng hộ phái cực tả. Ông quan niệm văn chương bao giờ cũng là văn chương dấn thân. Sartre mất năm 1980, có 50.000 người tiễn đưa ông đến nghĩa trang Montparnasse.

Trong cuốn tiểu luận Qu’est-ce que la littérature ? (Văn chương là gì ?) ra năm 1948, Sartre bàn về nhiều vấn đề văn chương trong đó có hai vấn đề : Tại sao viết ? và Viết là gì ? Sau đây là những trích đoạn ngắn và thiết yếu :

Một trong những lý do chính của sự sáng tạo nghệ thuật chắc chắn là cái nhu cầu của chúng ta muốn được cảm thấy mình là cần thiết cho thế giới. Cái khía cạnh này của đồng ruộng hay của biển cả, cái vẻ mặt kia mà tôi đã khám phá, nếu tôi định hình chúng trên một khung vải, trong một văn bản (…) thì tôi ý thức rằng tôi đã tạo nên chúng, nghĩa là tôi tự cảm thấy mình cần thiết cho sự sáng tạo của mình (tr. 46).

(…) Bởi vì sự sáng tạo chỉ có thể được hoàn thành trong việc đọc, bởi vì người nghệ sĩ phải phó thác cho một người khác việc lo làm tròn điều mình đã khởi xướng, bởi vì chỉ xuyên qua tâm thức người đọc người nghệ sĩ mới có thể tự hiểu mình như một người chủ yếu đối với tác phẩm của mình, cho nên mọi tác phẩm văn chương đều là một lời kêu gọi. Viết là kêu gọi người đọc để người đọc đưa vào sự tồn tại khách quan điều tiết lộ mà tôi đã thực hiện bằng ngôn ngữ (…). Thế cho nên nhà văn phó thác vào sự tự do của người đọc, để tự do này hợp tác với việc tạo nên cuốn sách của mình (tr. 53).

(…) Vậy viết là tiết lộ thế giới đồng thời đưa thế giới đó đến với tính rộng lượng của người đọc như một công việc phải làm. (Viết) Là trông nhờ vào tâm thức của người khác để mình được nhìn nhận là chủ yếu đối với tính tổng thể của con người (…) (tr. 67). Sartre đã sớm ý thức vai trò của người đọc trong việc xây dựng tác phẩm.

Sau cùng Roland Barthes, một học giả nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực : triết học, phê bình văn học – ông là người khởi xướng môn phê bình mới – ký hiệu học. Cùng với Gérard Genette và Tzvetan Todorov, Roland Barthes đã đưa thuyết cấu trúc vào văn học, ứng dụng thuyết cấu trúc vào thi pháp và phương pháp phân tích văn bản. Thay vì trả lời câu hỏi : Tại sao viết ? Roland Barthes trả lời câu hỏi : Viết là gì ? Trong bài tựa cuốn Sur Racine, một biên khảo về tác phẩm của Racine, ra năm 1963, Roland Barthes tuyên bố : Viết là làm rung chuyển cái nghĩa của thế giới, là đặt vào thế giới một câu hỏi gián tiếp mà nhà văn, cuối cùng do một sự lơ lửng, tránh trả lời. Chính mỗi người trong chúng ta đem lại lời đáp bằng cách đưa vào đấy lịch sử của mình, ngôn ngữ và sự tự do của mình ; nhưng vì lịch sử, ngôn ngữ và tự do thay đổi bất tận, cho nên lời đáp của thế giới với nhà văn là bất tận : người ta không bao giờ ngừng đáp lại những điều đã được viết ra ngoài mọi lời đáp : những nghĩa được khẳng định, rồi cạnh tranh nhau, rồi bị thay thế, đều qua đi, câu hỏi vẫn còn lại.

Chúng ta vừa đi một vòng để lắng nghe những lời đáp của các nhà văn. Những lời đáp rất đa dạng, có khi là một khẳng định chủ quan với những cố gắng tìm tòi về nghệ thuật viết, có khi tầm nhìn mở rộng để đến với người đọc, vì chỉ có người đọc mới làm cho sáng tạo của nhà văn trở nên sống động, phong phú, thêm nhiều màu sắc bất ngờ đối với nhà văn, người đọc là yếu tố cần thiết cho việc sáng tạo.

 

(1) Những trích đoạn do Liễu Trương dịch.