CHỦ NGHĨA HÌNH THỨC NGA

 

Chủ nghĩa hình thức là một phong trào phê bình văn học xuất hiện ở Nga. Chủ nghĩa này đánh dấu một thời khủng hoảng trầm trọng về phương pháp trong văn học. Ở Nga, sau Cách Mạng tháng Mười, văn học luôn bị gò bó bởi một nền phê bình gọi là phê bình xã hội học, nhưng thật ra nền phê bình này có tính chính trị và hệ tư tưởng ; người phê bình buộc người sáng tác phải miêu tả « hiện thực » của xã hội.

Lịch sử của chủ nghĩa hình thức Nga

Chủ nghĩa hình thức Nga được hình thành nhờ hai hội văn học ở Nga : Hội Ngôn Ngữ Học của Moscou (1) do Roman Jakobson, lúc bấy giờ là một sinh viên, thành lập năm 1915, và Hội Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Thơ, OPOIAZ, cũng do một sinh viên tên Viktor Chklovski thành lập ở Saint-Pétersbourg, vào khoảng năm 1916. Cả hai hội cùng chung một chí hướng : sự tha thiết với môn ngôn ngữ học và niềm hứng khởi đối với thơ hiện đại : thơ tượng trưng và nhất là thơ của trường phái vị lai.

Năm 1921, hội Ngôn Ngữ Học của Moscou và hội OPOIAZ phối hợp và đặt ra vấn đề tính đặc thù của văn chương, do ảnh hưởng của trường phái vị lai. Cũng cần nhắc lại trường phái vị lai là một phong trào văn học nghệ thuật, nảy sinh ở Ý vào đầu thế kỷ 20, với nhà thơ Marinetti, phong trào này loại bỏ mỹ học truyền thống và ca ngợi thế giới hiện đại. Ở Nga, trường phái vị lai xuất hiện vào những năm 1911-12 với nhà thơ Maïakovski và nhà họa sĩ Malevitch. Hai hội văn học chống lại một khoa sử văn học kinh viện và chống lại lối phê bình ấn tượng, họ tìm cách định nghĩa cái khoa học văn chương của họ như là sự nghiên cứu tính văn chương (Pháp gọi là littérarité, Nga : literaturnost).

Trong những năm 1920, danh từ « hình thức » được gán cho nhóm thanh niên trí thức Nga và Tiệp khắc muốn lập nên một khoa học mới về văn học. Danh từ « hình thức » được tung ra với một dụng ý xấu, có tính gièm pha, nhục mạ.

Trotski, trong bài Văn học và Cách mạng, viết : Nếu người ta để qua một bên những tiếng dội yếu ớt của những hệ tư tưởng có trước Cách Mạng, thì cái lý thuyết duy nhất chống lại chủ nghĩa Mác xít ở Nga Sô, trong những năm sau này, là lý thuyết về hình thức của nghệ thuật. Điều ngược đời ở đây là chủ nghĩa hình thức Nga liên kết chặt chẽ với trường phái vị lai Nga, và khi trường phái vị lai, về phương diện chính trị, đã ít nhiều đầu hàng trước chủ nghĩa cộng sản, thì chủ nghĩa hình thức biểu lộ, với tất cả sức mạnh của nó, sự chống đối trên bình diện lý thuyết với chủ nghĩa Mác xít. Lời nhận xét của Trotski cho thấy tầm quan trọng của phong trào phê bình văn học được gọi là hình thức luận hay chủ nghĩa hình thức, ở Nga vào năm 1924.

Sau khi Trotski bị trục xuất khỏi Liên Bang Xô Viết, uy thế chính trị hoàn toàn thuộc về Staline ; những hoạt động nghiên cứu văn học của nhóm hình thức chủ nghĩa bị đe dọa trầm trọng. Đầu những năm 1930, chính quyền Nga bắt đầu lo lắng trước sự bành trướng của những luận đề hình thức. Cho nên chính sách hà khắc của Staline ép buộc các nhà hình thức chủ nghĩa phải theo chủ nghĩa hiện thực xã hội. Kể từ nay, mọi học thuyết đề cao tính tự chủ của nghệ thuật đều bị cấm đoán. Việc thanh trừng của chính quyền Xô Viết khiến các thành viên giải tán, những tác phẩm và tuyên ngôn của họ trở nên hiếm hoi. Nhiều thành viên hướng về việc sáng tác hoặc xuất bản những tác phẩm cổ điển. Năm 1930, Chklovski bị bắt buộc tự kiểm điểm một cách nhục nhã về những tư tưởng suy đồi của mình.

Nhưng không vì thế mà chủ nghĩa hình thức chết. Trong khi những hoạt động của Hội OPOIAZ ngưng ở Nga, thì những hoạt động này được nối dài ở Tiệp Khắc, nơi đây người thật sự tiếp tục Hội OPOIAZ về lý thuyết văn học là Mukarovski ; Mukarovski đặt lại vấn đề chuẩn mực của mỹ học trong việc suy nghĩ về ký hiệu.

Về phần Roman Jakobson, ngay từ năm 1920, ông đã đưa chủ nghĩa hình thức qua Prague, thủ đô Tiệp Khắc, và năm 1926, ông gia nhập Hội Ngôn Ngữ Học của Prague do nhà ngôn ngữ học Mathesius thành lập. Ngoài Roman Jakobson, hội còn có những nhà nghiên cứu Nga khác như Bogatyriov, Troubetskoï. Hội Ngôn Ngữ Học của Prague sẽ khai sinh môn ngôn ngữ học cấu trúc. Như thế tại Tiệp Khắc chủ nghĩa hình thức tiếp tục tiến hóa đến trở thành cấu trúc luận.

Có thể nói chủ nghĩa hình thức về sau gặp nhiều may mắn. Kể từ năm 1955, ở Tây phương người ta phát hiện những công trình nghiên cứu của chủ nghĩa hình thức. Mặt khác, ngay cả ở Liên Bang Xô Viết, sau thời Staline, di sản của chủ nghĩa hình thức bừng dậy, và tại Đại học Tartu ở Estonie, một trường phái mới về cấu trúc luận trong văn học bắt đầu hoạt động, dưới sự thúc đẩy của nhà ký hiệu học Iouri Lotman. Chủ nghĩa hình thức được ứng dụng trong việc nghiên cứu văn học, tôn giáo và huyền thoại.

Ở Pháp, phải chờ sự ra mắt của cuốn Théorie de la littérature (Lý thuyết văn học), năm 1965, gồm những bài của các nhà hình thức chủ nghĩa do nhà lý luận văn học Tzvetan Todorov dịch, thì chủ nghĩa hình thức mới được đưa vào lĩnh vực lý thuyết và phê bình văn học. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức rất mạnh trong những năm 1960 và 1970. Vậy chủ nghĩa hình thức du nhập vào Pháp rất muộn, nhưng không vì thế mà không lôi cuốn được các nhà cấu trúc luận Pháp như Roland Barthes, Gérard Genette và T. Todorov về vấn đề tính văn chương.

Câu hỏi được đặt ra ngày nay là tại sao một trường phái phê bình văn học, như chủ nghĩa hình thức, đã đột ngột chết, mà 30 năm sau lại được tái sinh ?

Những bước tiến của chủ nghĩa hình thức trong lĩnh vực văn học

Các nhà hình thức chủ nghĩa đã từng khẳng định lập trường của họ. Eikhenbaum trong bài La théorie de la méthode formelle (Lý thuyết về phương pháp hình thức) viết năm 1927, đã nói rõ cái nét đặc thù của chủ nghĩa hình thức : Đối với các nhà « hình thức chủ nghĩa », vấn đề nguyên lý duy nhất không liên quan đến những phương pháp nghiên cứu văn học, mà liên quan đến văn học như là đối tượng của nghiên cứu (…). Điều làm nên nét đặc thù của chúng tôi không phải là « chủ nghĩa hình thức » với tính cách là lý thuyết về mỹ học, cũng không phải là « phương pháp học » như là hệ thống khoa học hoàn chỉnh, mà chỉ là sự khát vọng tạo nên một khoa học văn chương tự chủ trên nền tảng những đặc thù của chất liệu văn chương. (2)

Về phần R. Jakobson, trong bài La poésie moderne russe (Thơ hiện đại Nga), viết về nhà thơ vị lai Khlebnikov, năm 1919, ông đưa ra khái niệm văn chương tính : Đối tượng của khoa học văn chương không phải là văn chương mà là văn chương tính, nghĩa là điều làm cho một tác phẩm nào đó thành một tác phẩm văn chương. Năm 1960, Jakobson lại viết thêm : điều làm cho một thông điệp ngôn từ thành một tác phẩm.

Để lật đổ cái ách phê bình theo xã hội học, các nhà hình thức chủ nghĩa phải qua nhiều giai đoạn tìm tòi. Ngay từ đầu, họ đặt ra những nguyên lý như sau : sự cần thiết đổi mới nghệ thuật và sự từ chối lối phê bình truyền thống của Nga. Cần đổi mới nghệ thuật, vì lâu ngày nhận thức của chúng ta trở nên máy móc ; thói quen không cho chúng ta thấy hoặc cảm thấy những vật thể, vậy phải làm chúng biến dạng để lôi cuốn cái nhìn của chúng ta. Nhưng các nhà hình thức chủ nghĩa dễ đi đến cực đoan nếu họ chỉ đồng nhất hóa giá trị một tác phẩm với sự mới lạ. Nguyên lý thứ hai được đặt ra là từ chối mọi tiếp cận với tâm lý học, triết học hay xã hội học, các ngành này đang chi phối phê bình văn học Nga lúc bấy giờ. Đối với các nhà hình thức chủ nghĩa, không thể giải thích tác phẩm bằng tiểu sử của tác giả, cũng không thể giải thích tác phẩm bằng cách phân tích đời sống xã hội đương đại. Những yếu tố lịch sử, tiểu sử, tự truyện, tâm lý, hệ tư tưởng, xã hội, đều không có tính thích đáng.

Theo T. Todorov trong cuốn Théorie de la littérature, những vấn đề lý thuyết được bàn đến là :

– liên quan giữa ngôn ngữ gây cảm xúc và ngôn ngữ thơ, việc tạo ngữ âm cho câu thơ (R. Jakobson),

– ngữ điệu như là nguyên lý xây dựng câu thơ (B. Eikhenbaum),

– âm luật, chuẩn mực của âm luật, nhịp điệu trong thơ và văn xuôi (B. Tomachevski),

– quan hệ giữa nhịp điệu và ngữ nghĩa trong thơ, phương pháp nghiên cứu văn học (I. Tynianov),

– sự giao thoa giữa những đòi hỏi của hiện thực đối với tác phẩm và những đòi hỏi từ cấu trúc của tác phẩm (A. Skaftymov),

– cấu trúc của truyện hoang đường (V. Propp),

– hệ thống những hình thức tự sự (V. Chklovski).

Về thơ họ hướng việc nghiên cứu về chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa này chẳng những khẳng định sự liên kết giữa nghệ thuật và những hiện thực có tính thiêng liêng hay siêu hình, mà còn tìm cách ấn định ranh giới của sự mầu nhiệm của ngôn ngữ thơ là dụng cụ để đi đến biểu tượng. Về sau các nhà hình thức chủ nghĩa thường hay từ bỏ chủ nghĩa tượng trưng để theo trường phái vị lai. Thật ra cuộc cách mạng về phương pháp văn học của họ không thể thực hiện được, nếu không có cuộc cách mạng của chủ nghĩa tượng trưng. Nhưng dù theo thơ tượng trưng hay thơ vị lai, họ đều nghiên cứu ngôn ngữ thơ và tính đặc thù của ngôn ngữ này.

Trong giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu loại bỏ cái nguyên lý cho rằng thơ được phân biệt với văn xuôi bởi hình ảnh ; và họ định nghĩa cái cảm giác về hình thức như một nét đặc thù của sự nhận thức cái đẹp. Năm 1916 và năm 1917, hai cuốn Lý thuyết về ngôn ngữ thơ ra mắt tại Saint-Pétersbourg, trong đó Chklovski chỉ trích những quan niệm của chủ nghĩa tượng trưng, ông nhận thấy những hình ảnh đã cũ, đã nhàm mà người ta cứ truyền từ đời này sang đời khác : Hình ảnh gần như bất động, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, từ xứ này qua xứ khác, từ nhà thơ này qua nhà thơ khác, các hình ảnh được chuyển đi mà không thay đổi (…). Càng rọi sáng về một thời kỳ, bạn càng tin chắc rằng các hình ảnh mà bạn xem như sự sáng tạo của một nhà thơ nào đó là những hình ảnh được nhà thơ mượn của những nhà thơ khác gần như không có một thay đổi nào. Vậy tất cả công việc của các trường phái thơ chỉ là tích lũy và biểu lộ những thủ pháp mới để sắp xếp và xây dựng cái chất liệu ngôn ngữ, và công việc đó dựa vào sự xếp đặt hình ảnh hơn là sáng tạo hình ảnh (3). Hình ảnh chỉ là một phương tiện của ngôn ngữ thơ trong số những phương tiện khác như những hình thức song song, ngoa dụ, so sánh, lặp lại, tất cả đều có cùng một chức năng là làm cho hình thức trở nên khó hơn. Ngôn ngữ thơ che dấu cái quen thuộc, tích lũy những cái khó khăn về thính giác. Trong bước đầu, các nhà hình thức chủ nghĩa đặc biệt nghiên cứu thơ dân gian là một trong những ngôn ngữ thơ có tính « hình thức » nhất.

Ở giai đoạn này các nhà hình thức chủ nghĩa chỉ thấy trong tác phẩm một « tổng số những thủ pháp », nhưng họ chưa giải thích được sự hình thành của tác phẩm và tính sinh động của các hình thức văn chương.

Về sau, hai nhà hình thức chủ nghĩa Chklovski và Tynianov mới tìm ra những quy luật của tính năng động của văn chương. Khái niệm chức năng thơ (fonction poétique) chỉ định một tổ chức độc đáo những chất liệu ngôn ngữ trong ngôn ngữ văn chương. Khái niệm đó dựa vào hai định đề có tương quan với nhau : sự xây dựng (Tynianov) và sự lạ hóa (Chklovski). Đối với Tynianov, câu thơ là một xây dựng có tính đặc thù, nó là sự lệ thuộc tất cả các yếu tố vào nguyên lý nhịp điệu. Còn sự lạ hóa (tiếng Pháp : défamiliarisation, singularisation) do Chklovski đề xướng là để đánh bại tính máy móc của sự nhận thức, là làm rõ nét tính nghệ thuật của tác phẩm. Theo Chklovski, lâu ngày những thủ pháp trở nên sáo mòn và trở thành máy móc ; vậy nghệ thuật phải luôn luôn nổ lực để làm mới cách nhìn của chúng ta ; đó là thủ pháp lạ hóa. Thủ pháp lạ hóa phải luôn luôn đổi mới để tránh trở nên sáo mòn.

Jakobson thì nhận xét : Hình thức sở hữu chất liệu, chất liệu hoàn toàn được hình thức bao trùm, hình thức trở thành sáo, chết. Phải có nhiều chất liệu mới tràn đến gồm những yếu tố mới của ngôn ngữ thực hành để những cách xây dựng thơ không hợp lý có thể gây thích thú trở lại () (4).

Về văn xuôi, lúc đầu các nhà nghiên cứu hướng về tiểu thuyết của các nhà văn lớn như Tolstoi, Dostoievski… về sau họ chọn những thể loại nhỏ như hồi ký, thể văn thư từ. Tynianov còn làm cho công việc nghiên cứu phong phú thêm bằng cách cho thể văn nhại một vai trò phát sinh. Lắm lúc qua thể văn nhại một thế hệ làm cho những thủ pháp trước kia bị mất đi tính siêu đẳng. Không thể nào nghiên cứu những thủ pháp một cách biệt lập ; chúng có một chức năng. Theo Tynianov, chức năng của những thủ pháp biến đổi, sự kiện văn chương tiến hóa.

Các nhà hình thức chủ nghĩa quan niệm rằng tác phẩm nghệ thuật có tính tự chủ (autonome), do đó nó có giá trị và thỏa mãn sở thích thẩm mỹ của chúng ta, và đó là nhờ hình thức của nó, đặc biệt các tác phẩm về nghệ thuật ngôn từ, nhờ những thủ pháp của hình thức ngôn ngữ trong tác phẩm. Những yếu tố như ngữ âm, sự êm tai và nhịp điệu là những hình thức cụ thể có khả năng gây cảm xúc.

Trọng tâm của chủ nghĩa hình thức là vấn đề tính văn chương và vấn đề của đề tài viết. Thủ pháp viết không còn là một phương tiện biểu đạt mà trở thành chính đề tài của diễn ngôn, trở thành nền tảng của tính văn chương.

Chklovski, trong bài L’art comme procédé (Nghệ thuật như là thủ pháp) đã nói lên lòng tin của các nhà hình thức chủ nghĩa : Mục đích của nghệ thuật là đem lại một cảm giác về đối tượng, cảm giác như một cách nhìn chứ không phải một nhận biết ; thủ pháp của nghệ thuật là một thủ pháp lạ hóa những đối tượng và là một thủ pháp làm cho hình thức mờ tối, làm tăng thêm sự khó khăn và làm tăng thời gian nhận thức (5).

Tynianov mở rộng thêm khái niệm thủ pháp bằng cách đề nghị sáp nhập khái niệm này vào tác phẩm, tác phẩm được quan niệm như một tổng thể năng động và đặc thù, thuộc về hệ thống văn học của một thời kỳ nào đó.

Chủ nghĩa hình thức đưa ra hai loại chức năng : chức năng tự chủ thiết lập những tương quan với những yếu tố giống nhau trong những hệ thống khác, loại chức năng thứ hai thiết lập những tương quan với những yếu tố khác trong cùng một hệ thống. Vả chăng, chức năng tự chủ không thể được thiết lập mà không tính đến chức năng thứ hai trong một hệ thống được nghiên cứu. Cho nên các nhà hình thức chủ nghĩa chú tâm vào những sắp xếp về vận luật, ngữ âm của câu thơ, về những cách thức của văn xuôi, về hình thức của diễn ngôn tự sự. Lại thêm họ không chấp nhận lịch sử văn học truyền thống. Trong quan điểm đó, tác phẩm văn học được xem như một hệ thống, hệ thống này ở trong một hệ thống khác rộng lớn hơn, đó là văn học.

Chủ nghĩa hình thức khẳng định rằng việc nghiên cứu văn học phải quan tâm đến tính đặc thù của văn chương trong các văn bản, tức quan tâm đến tính văn chương. Cho nên đối với các nhà hình thức chủ nghĩa, những thủ pháp có khả năng biến đổi chất liệu có trung tính của ngôn ngữ thông thường thành văn bản có tính văn chương, những thủ pháp đó rất thích đáng. Về văn xuôi tự sự, chất liệu đó dựa vào sự liên hoàn của các yếu tố. Về thơ thì chính ngôn ngữ thông thường dùng làm chất liệu, chất liệu này được nhiều thủ pháp thơ nhào nặn như vận luật, nhịp điệu, hình thức song song, đối lập, v.v…

Việc phân tích những tác phẩm cá nhân được phối hợp với một lý thuyết về sự tiến hóa của văn học, vì các nhà hình thức chủ nghĩa nhấn mạnh về sự liên kết giữa các tác phẩm với nhau trong những hệ thống và những hệ thống đó lại ở trong một hệ thống rộng lớn hơn, đó là văn học, như đã nói trên. Do sự trung gian của cấu trúc luận Tiệp Khắc, những quan niệm của các nhà hình thức chủ nghĩa về chức năng và hệ thống có ảnh hưởng quyết định đối với những lý thuyết văn học hiện đại.

Chủ nghĩa hình thức có ba hướng nghiên cứu :

– Nghiên cứu truyện kể, rút từ dân tộc học trong văn học và từ ký hiệu học.

– Cố gắng chuyên biệt hóa những vấn đề sáng tạo thơ bằng những ký hiệu của ngôn ngữ học.

– Nghiên cứu về thể loại tự sự có liên quan đến thi pháp đối chiếu và đến tu từ pháp.

Di sản của chủ nghĩa hình thức

Những đóng góp của chủ nghĩa hình thức rất đa diện và thuộc ba loại sau đây :

1/ Những công trình nghiên cứu về lý thuyết văn học :

  • Hai tập gồm lý thuyết về ngôn ngữ thơ, 1916 và 1917
  • Thơ Nga cận đại của R. Jakobson, 1921
  • Câu thơ Nga của B. Tomachevski, 1923
  • Xuyên qua văn học của B. Eikhenbaum, 1924
  • Các vấn đề của ngôn ngữ thơ, 1924
  • Lý thuyết văn học của Tynianov, 1925
  • Bốn tập « Poetika », từ 1926 đến 1928
  • Lý thuyết về văn xuôi của V. Chklovski, 1925
  • Văn xuôi Nga, 1926
  • Những người thích dùng lối cổ và những người cách tân của Tynianov, 1929.

2/ Những nghiên cứu được ứng dụng vào tác phẩm của các nhà văn lớn như Gogol, Dostoïevski, Tolstoï, v.v… Công trình nghiên cứu quan trọng nhất là cuốn  Hình thái truyện hoang đường của Vladimir Propp, ra năm 1928.

3/ Văn học Nga trong những năm 1920 có nét đặc thù là quyết dùng những hình thức mới và đề cao sự tưởng tượng trong việc viết văn, vì Chklovski và Tynianov không quan niệm rằng có lý thuyết văn học mà không có thử nghiệm của nhà văn khi viết.

Mặc dù chủ nghĩa hình thức đến Pháp muộn màng, nhưng nó đã đem lại một kết quả tích cực ở Pháp, đó là sự phát triển phi thường của việc nghiên cứu truyện kể, và làm xuất hiện một ngành học mới : ngành tự sự học, do từ Pháp « narratologie » là một từ mới của nhà lý luận văn học Tzvetan Todorov.

Lý thuyết của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga rất phong phú và đa dạng. Họ có công làm nảy sinh một khoa học về văn học, một thi pháp cấu trúc về sau được triển khai mạnh mẽ, họ chống lại lối phê bình văn học truyền thống và giáo hóa ở Nga, do đó họ đã gieo mầm cho một nền phê bình tương lai, và họ đóng vai trò tích cực trong việc đẩy mạnh cái sở thích hướng về cái mới cho sự sáng tạo. Các nhà hình thức chủ nghĩa đã đánh dấu một thời kỳ rực rỡ của ý thức văn học ở Nga, đánh dấu một cuộc cách mạng về phương pháp trong văn học.

Chú thích :

  1. Các tên thành phố đều viết theo Pháp ngữ.
  2. Critique de la critique, tr. 33-34.
  3. Théorie de la littérature, Textes des formalistes russes, tr. 77.
  4. Le dictionnaire du littéraire.
  5. Théorie de la littérature, Textes des Formalistes russes, tr. 82

Tài liệu tham khảo :

  • Tzvetan Todorov, Critique de la critique, Nxb Seuil, 1984.
  • Théorie de la littérature, Textes des Formalistes russes của dịch giả Tzvetan Todorov, Nxb Seuil, 2001.
  • Daniel Delas, Roman Jakobson, Nxb Bertrand-Lacoste, 1993.
  • Dictionnaire des Genres et notions littéraires, Encyclopaedia Universalis, Nxb Albin Michel, 2001.
  • Le dictionnaire du littéraire, Nxb PUF, 2002